Là loài động vật có tính "xã hội cao", sư tử thường tập trung sinh sống và săn mồi theo bầy đàn với số lượng từ 15 - 40 con, trong đó đứng đầu đàn là sư tử đực cùng nhiều con cái và con non ở phía dưới.
Trong các cuộc săn bắt, nhận trách nhiệm chính trong đàn thuộc về sư tử cái. Lý do bởi sư tử cái có những đặc điểm phù hợp, đó là kích thước nhỏ gọn, di chuyển nhanh nhẹn và không bị bộ bờm vướng, nặng khiến việc ngụy trang khó khăn hơn...
Nhiệm vụ của Vua sư tử (con đực đầu đàn) nghe có vẻ đơn giản hơn, đó là bảo vệ lãnh thổ, đảm bảo sự an toàn cho cả đàn. Điều đó có nghĩa các vị Vua sẽ phải đối diện với vô số hiểm nguy rình rập từ bảo vệ lãnh thổ trước kẻ thù đến bảo vệ "ngai vàng" trước những con đực khác.
Rất dễ nhận ra con sư tử đứng đầu của đàn, bởi dáng vẻ uy nghi, oai phong lẫm liệt, ở cổ có bờm rất dày và luôn dựng đứng, có tác dụng bảo vệ vùng cổ khi chiến đấu và thu hút tình cảm của con cái. Sư tử đực càng già, bờm của nó càng tối màu.
Trong một số trường hợp, sư tử đực vẫn sẽ đích thân đi săn mồi. Chiêm ngưỡng những khoảnh khắc như thế, mọi người mới thấy được sức mạnh và kỹ năng săn mồi của các vị Vua "kinh khủng" như thế nào.
Sư tử đực thường đi săn và phục kích con mồi ở những nơi có thảm thực vật dày đặc, thay vì săn ở những thảo nguyên rộng lớn như điều mà những con cái thường làm. Chúng cũng thường tấn công con mồi ở cự ly gần hơn nhiều (trung bình 3,4 m) so với con cái (8,6 m). Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc tính săn mồi kiểu mai phục của sư tử.
Anh Anton van Loggerenberg, một du khách, trong chuyến đi đến Khu bảo tồn động vật Manyeleti nằm ở phía đông tỉnh Mpumalanga, Nam Phi đã may mắn chứng kiến sức mạnh hủy diệt của một vua sư tử.
Theo đó, trong cuộc hành trình của mình, anh Anton vô tình phát hiện ra một bầy trâu rừng lớn đang tụ tập nghỉ ngơi tại một bãi cỏ rộng. Có thể thấy đây là một địa điểm yêu thích của các loài động vật ăn cỏ, bao gồm: trâu rừng, linh dương...
Nói là động vật ăn cỏ nhưng trâu rừng châu Phi lại được trời ban cho một thân hình lực lưỡng. Một con trâu khi trưởng thành có thể nặng từ 500 - 1.000 kg và chúng được xếp trong bảng xếp hạng một trong 5 loài động vật to lớn nhất châu Phi.
Đặc biệt, có thể khẳng định, trâu rừng châu Phi có tính cộng đồng rất cao. Chúng sống tập trung thành đàn đến hơn 1.000 cá thể. Khi sống bầy đàn, trâu rừng châu Phi tạo thành hai kiểu đàn: đàn lớn, hỗn hợp đực-cái và nhiều lứa tuổi (đàn sinh sản) và đàn độc thân gồm toàn cá thể đực.
Ở các đàn này, con đầu đàn thường ngẩng cao đầu và quan sát. Tập tính này giúp trâu rừng châu Phi tránh được mối đe doạ từ các cuộc tấn công của sư tử, báo, linh cẩu…
|
Cái giá phải trả cho sự chủ quan là sinh mạng của một thành viên trong đàn trâu rừng.
|
|
Cũng giống như ở trong đoạn clip, thông qua việc phối hợp các dấu hiệu thị giác, khứu giác và thính giác, trâu rừng đã phát hiện ra một con sư tử đực đang bén mảng đến gần khu vực ăn uống của cả đàn. Dường như việc "diễu hành" với số lượng áp đảo đã khiến trâu rừng "nghĩ" rằng nó có thể tấn công phủ đầu sư tử. Thực tế đã chứng minh, sự tự tin của trâu rừng đã bị vị vua bẻ gẫy trong vòng chưa đến 10 giây.
Trước bá khí áp đảo của sư tử, đàn trâu rừng cuống cuồng bỏ chạy. Đội ngũ hùng mạnh của chúng bây giờ không khác như một phiên tan chợ chiều, mỗi thành viên ai nấy chỉ mong giữ lại được mạng sống. Cuối cùng, một con trâu non chạy chậm đã trở thành miếng mồi ngon dành cho sư tử.
Theo Anh Quý/TNCK