Theo thống kê ước tính thiệt hại tính đến 6 giờ ngày 21/7 của Văn phòng ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang cho biết: đã có 11 người chết và 2 người mất tích do bão số 2.
Trong số 11 người chết thì 8 người chết do lũ cuốn trôi. Cụ thể Lạng Sơn 5 người, Lai Châu 1 người, Cao Bằng 1 người, Bắc Kạn 1 người. 3 người còn lại thiệt mạng do sét đánh ở Lào Cai. Còn 2 người mất tích bao gồm 1 người ở Sơn La, 1 người ở Lai Châu.
|
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm tài sản bị vùi lấp. |
Ngoài ra, thống kê thiệt hại về người của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương còn cho biết, có 1 người bị thương do bão ở Bắc Kạn.
Tại cuộc họp giao ban Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương diễn ra sáng nay (21/7) tại Hà Nội, các địa phương cũng cho biết, có 164 nhà bị tốc mái. Trong đó, Quảng Ninh bị tốc mái 119 nhà, Cao Bằng 37 nhà, Bắc Kạn 2 nhà, Lạng Sơn 11 nhà, Bắc Giang 6 nhà.
Bên cạnh đó, số nhà bị sập, đổ, hư hại là 358 và nhà bị ngập là 5.902 nhà. Trong số đó, Lạng Sơn là tỉnh có nhiều thiệt hại nhất với khoảng 5.800 nhà bị ngập.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính thiệt hại về nông nghiệp là khá lớn với khoảng 3.440 ha lúa và hoa màu bị ngập, đổ; khối lượng đất, đá sạt lở ước tính khoảng 64.885 m3 gây ách tắc nhiều tuyến tỉnh lộ ở một số địa phương miền núi phía Bắc…
Hiện các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát, di dời dân cư tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối. Tổng số đã có 5.521 hộ dân cư được di dời đến nơi an toàn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết hiện đã khắc phục xong sự cố về điện trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng. Các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Giang và Lạng Sơn đang tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Báo cáo nhanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, sau khi xảy ra 3 trận rung động, với cường độ lớn nhất đạt 4,3 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,5km; Công ty Thủy điện Sơn La đã kiểm tra toàn bộ công trình và không phát hiện hiện tượng bất thường nào, nhà máy và đập vẫn vận hành bình thường.
Lào Cai: Lũ trên các sông, suối lên nhanh
Đến 9h sáng 21/7, các sông, suối chảy qua địa phận Lào Cai bắt đầu xuất hiện lũ lớn, biên độ lũ phổ biến từ 1,5-2,5m; tại sông Chảy, sông Nậm Thi, lũ lên cao trên 2,5m.
Trên sông Hồng, nước từ thượng nguồn phía Trung Quốc đổ về gây lũ cao tới 80,05m (trên báo động 1 là 5cm), cao hơn đỉnh lũ ngày 14/7 là 1,45m. Biên độ lũ đạt mức 2,94m.
Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Lào Cai, đây là đợt lũ cao nhất từ đầu năm đến nay và có thể lên trên mức báo động II vì đầu nguồn và địa bàn Lào Cai vẫn còn mưa to. Nhiều diện tích hoa màu ven sông, suối đã bị gập úng, đất cát vùi lấp không thể thu hoạch.
|
Lũ lớn ở Lào Cai |
Vào lúc 11 giờ ngày 21/7, ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Yên cho biết, nước sông Chảy đã vượt mức báo động II và đang lên rất nhanh, vượt mức an toàn của thủy điện Bắc Hà, khiến thủy điện phải xả lũ, làm cho nước khu vực hạ lưu càng lên nhanh và chảy xiết.
Trên địa bàn huyện Bảo Yên đã xảy ra sạt lở đất, chia cắt đường giao thông nông thôn tại các xã Long Phúc, Long Khánh, Lương Sơn. Đặc biệt, trên suối Ngòi Mác chảy qua xã Lương Sơn đã xuất hiện lũ quét đột ngột; hiện chưa có thông tin về thiệt hại do lũ quét gây ra.
Tại thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên), nhà văn hóa và 21 hộ bị ảnh hưởng nặng, trong đó 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 4 ngôi nhà bị nước ngập và 12 hộ bị sạt lở đất.
Tại xã Việt Tiến, 1 hộ dân ở bản Hàm Rồng bị đất sạt sau nhà với khối lượng khoảng 100m3. Chính quyền địa phương đã kịp thời di chuyển người và tài sản của những hộ dân bị thiệt hại trên.
Hiện trên địa bàn Lào Cai vẫn có mưa to đến rất to. Dự báo đợt mưa còn kéo dài đến hết đêm 21/7, khả năng lũ vẫn lên cao và có thể sạt lở đất ở nhiều nơi.
Ban phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã tăng cường quân số thường trực ứng cứu 24/24 h, đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra; khuyến cáo bà con không ra sông, suối vớt củi, không ngủ lại đêm trên nương tránh sạt lở đất và lũ ống, lũ quét.
V.L/ANTV