Sáng 5/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 35 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020.
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 được trao cho tập thể nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ Y tế) bởi những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học tự nhiên nói riêng.
|
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (giữa) và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2 từ trái sang) trao giải thưởng cho đại diện tập thể nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên và PGS.TS Trương Thanh Hương (bìa trái). Nguồn: Báo Tintuc. |
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhận định, giải thưởng Kovalevskaia đã đi được chặng đường 35 năm đồng hành với nền khoa học Việt Nam và các nhà khoa học nữ Việt Nam từ khi đất nước bước vào Đổi mới, và trở thành giải thưởng danh giá cấp quốc gia dành cho các nhà khoa học nữ. Những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của các tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có giá trị kinh tế cao, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào thành quả trong công cuộc đổi mới đất nước.
Sau khi nhận giải, PGS.TS Trương Thanh Hương xúc động cho biết, giải thưởng đã cho bà thấy, con đường đi theo ngành y, nghiên cứu khoa học và giảng dạy trong hàng chục năm qua là đúng.
Những gương mặt đoạt giải
Lĩnh vực nghiên cứu chính của Tập thể nữ các nhà khoa học của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) là các chất có hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật) và ứng dụng triển khai vào thực thế đời sống.
Nhiều nghiên cứu đã tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn đã được các nhà khoa học nữ của Viện thực hiện. Các sản phẩm được hình thành từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đã được lưu hành rộng rãi trên thị trường phục vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Không chỉ vậy các nhà khoa học nữ còn có nhiều đề tài về xử lý môi trường do các nhóm nghiên cứu PGS.TS. Ngô Kim Chi, PGS.TS. Lê Thị Phương Quỳnh thực hiện đã áp dụng ở rất nhiều địa bàn trên cả nước như: Nghiên cứu mức độ và các mô hình và biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê tại tỉnh Đăk Lăk (Mô hình tăng carbon đất, Chế biến phân hữu cơ, Mô hình tiết kiệm nước, trữ nước bổ cập nguồn nước ngầm, mô hình chế biến thân thiện môi trường, Mô hình tái chế quy mô hộ gia đình tại Cư M’gar, Krong Năng, Krong Buk - Tỉnh Đăk Lăk); Tải lượng cacbon và phát thải khí chứa cacbon từ hệ thống sông Hồng (Việt Nam và Trung Quốc), đánh giá nguy cơ gây phì dưỡng môi trường nước lưu vực sông Hồng: Tác động của con người và biến đổi khí hậu; Chuyển giao công nghệ giảm thiểu khí nhà khí và thích ứng với Biến đổi khí hậu cho các nước Đông Nam Á và Hội thảo khu vực (Hội thảo - Dự án APN (Mạng lưới nghiên cứu biến đổi khí hậu Châu Á TBD).
Các cán bộ nữ của Viện đã xuất bản nhiều công trình khoa học có uy tín trong nước và thế giới. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, tập thể các nhà khoa học nữ đã công bố gần 300 công trình khoa học trong đó có trên 150 bài báo quốc tế, 208 bài báo quốc gia và hàng chục báo cáo ở các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Từ 2015- 2020, công bố 37 bài SCI và 59 bài SCI-E; 8 bằng sáng chế và 15 GPHI.
PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương là nhà nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực tim mạch. Những công trình nghiên cứu của bà có thể kể tới là "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam", "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam", "Hợp tác nghiên cứu vai trò của siêu âm Doppler tim trong hướng dẫn lập trình tối ưu hóa hiệu quả của máy tạo nhịp tái đồng bộ tim ở bệnh nhân suy tim nặng", "Nghiên cứu đầu tiên về bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam thực hiện giải trình tự gen thành công cho 128 người, trong đó 63 người được phát hiện có đột biến gen gây bệnh - 5 đột biến gen gây bệnh, 2 đột biến mới (LDLR c1427 C>G và LDLR c.2529_2530delinsA)".
Trong đó phải kể tới thành công của bà trong việc xây dựng thành công quy trình sàng lọc, chẩn đoán và quy trình phát hiện gen đột biến gây bệnh tăng cholesterol máu gia đình bằng kỹ thuật sinh học phân tử tại Việt Nam. Nhờ áp dụng bộ công cụ chẩn đoán sàng lọc bệnh tăng cholesterol máu gia đình phù hợp với Việt Nam đã sàng lọc bệnh tăng cholesterol máu gia đình cho 1360 người có nguy cơ mắc bệnh, phát hiện 135 người mắc bệnh, tương ứng 1 người bệnh được phát hiện khi sàng lọc 10 người. Lần đầu tiên hàng chục phả hệ đã được tư vấn di truyền bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam.
Hiện bà đã xây dựng thành công mô hình này ở bệnh viện và khu dân cư ở Việt Nam cũng như chuyển giao các quy trình và hỗ trợ thiết lập mạng lưới quản lý bệnh lý này tại nhiều tỉnh như Hà Tĩnh, Cần Thơ, Ninh Bình, Thái Bình...
Bà đã công bố 75 bài báo khoa học trong nước và quốc tế.
Bên cạnh trao giải thưởng Kovalevskaia thường niên, theo thông lệ từ năm 2016, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia còn trao học bổng cho 3 nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc của trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, gồm: Lê Minh Châu, Lớp 12A1; Đặng Minh Ngọc, Lớp 11A2; và Nguyễn Hằng Linh, Lớp 10A2.
Theo Bích Ngọc/ Khoa học Phát triển