Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. Động thái này của Tổng thống Trump có nghĩa rằng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp các đòn trừng phạt mới lên chính quyền nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố các đòn cấm vận của Mỹ càng khiến cho tinh thần dân tộc của Triều Tiên mạnh mẽ hơn, giúp họ tạo ra một phép màu tuyệt vời khiến cả thế giới phải sửng sốt.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un phát biểu cấm vận "giúp" tinh thần dân tộc của Triều Tiên mạnh mẽ hơn. Ảnh: Reuters. |
Trước đòn trừng phạt trên, Mỹ và Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từng áp nhiều lệnh trừng phạt Triều Tiên vì nước này liên tục thử vũ khí hạt nhân. Gần đây nhất, vào tháng 9/2017, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, trong đó bao gồm lệnh cấm vận hàng may mặc và giới hạn nhập khẩu dầu thô sau khi nước này có cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 3/9.
Đây là lần đầu tiên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Triều Tiên. Lệnh trừng phạt này được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mời quý độc giả xem video Triều Tiên tung video tên lửa bắn nổ tung tàu sân bay và chiến cơ Mỹ (nguồn: DPRK Today):
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư chính trị khoa học tại Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), ông Robert Kelly đã có những chia sẻ đáng chú ý. Trong đó, ông cho rằng những lệnh trừng phạt lên Triều Tiên không đạt hiệu quả như mong đợi. Bởi lẽ, Mỹ và Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từng nhiều lần áp các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giải giáp hạt nhân.
“Triều Tiên không mặn mà với đàm phán, họ kiên quyết theo con đường hạt nhân mà không một nước nào có thể can thiệp. Nếu Triều Tiên muốn đàm phán thì họ đã lựa chọn cách tiếp cận có ý nghĩa hơn, thay vì đánh lừa cộng đồng quốc tế”, giáo sư Kelly cho biết.
Tâm Anh