Lạc đường giữa đại ngàn hẻo lánh
Là người đam mê với cỏ cây và gắn bó với nghiên cứu về thực vật, nhất là thực vật có hoa, TS. Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhà khoa học nổi tiếng bởi có nhiều phát hiện cho loài mới, dành cả tuổi trẻ của mình để chuyên tâm nghiên cứu về lĩnh vực này.
|
TS. Đỗ Văn Trường trong một chuyến thực địa. |
Cùng với những công việc chuyên môn như nghiên cứu đa dạng sinh học, tài nguyên thực vật... một phần công việc quan trọng không thể thiếu của TS. Đỗ Văn Trường và các đồng nghiệp là đi tìm và định danh các loài mới cho khoa học.
Và mỗi một phát hiện mới được công bố là một câu chuyện đặc biệt với nhiều mồ hôi và cả nước mắt.
TS. Đỗ Văn Trường nhớ lại năm 2017, khi anh có chuyến nghiên cứu ngoài thực địa ở Kom Tum, đang trên đường về Nha Trang, tình cờ lướt facebook thấy có bạn trẻ đăng một tấm ảnh chụp vu vơ một cây cỏ. Xem ảnh, TS. Đỗ Văn Trường thấy đây là một cây rất lạ, chưa từng thấy. TS. Đỗ Văn Trường và nhóm chuyên gia ngay lập tức vượt 200 km để vào khu vực Bình Định tiếp cận cây lạ.
Đến nơi, TS. Đỗ Văn Trường được một người dân bản địa nhận lời dẫn đường và khẳng định chỉ mất nửa ngày cho cả đi và về. Vậy là 10h sáng cả nhóm xuất phát với hành trang là vài ổ bánh mỳ cho bữa trưa tạm trong rừng.
Quả nhiên khoảng 2 tiếng sau đã đến được nơi có cây lạ. Nhóm nghiên cứu mừng lắm và dành cả tiếng đồng hồ quan sát, mô tả, ghi chép, và thu thập mẫu thực vật lạ để nghiên cứu. Do người dân bản địa khẳng định nắm rõ địa hình ở khu vực nên nhóm quyết định lúc quay về sẽ không trở lại đường cũ mà tiếp cận khu vực rừng khác để tìm đường mòn trở về làng. Tuy nhiên càng đi càng lạc.
5h chiều, bóng tối sầm sập đổ xuống, đồ ăn chỉ còn lại 2 gói bánh quy nhỏ, điện thoại không có sóng, thời tiết lạnh lại kèm mưa nhỏ. Cả nhóm quyết định dừng lại và tiếp cận đỉnh núi gần nhất để hy vọng có sóng điện thoại, bởi theo kinh nghiệm đi rừng nhiều năm, TS. Trường biết càng đi càng lạc và mất sức hơn. Đói, rét và cả sự hoảng sợ thỉnh thoảng lại nhen nhóm.
5h sáng hôm sau, TS. Đỗ Văn Trường và các đồng nghiệp quyết định quay ngược trở lại con đường cũ. Nhóm đi liên tục trong 5 tiếng thì tới con suối lớn chảy về làng và gặp hai dân quân xã đang làm nhiệm vụ “đi tìm các nhà khoa học đi lạc”.
Hóa ra, suốt đêm hôm đó, nhiều người trong làng đã không ngủ được bởi lo lắng. Công an, quân đội, thậm chí cả thợ săn chuyên nghiệp cũng được huy động để đi tìm các anh. “Đó là một chuyến đi đáng nhớ trong đời. Đói, khát, về đến nơi quần áo rách tả tơi. May mắn, sau này, cái cây lạ đó được nghiên cứu và xác định là chi (Michaelmoelleria F.Wen, Y.G.Wei & T.V.Do, gen. nov.) và loài thực vật (Michaelmoelleria vietnamensis F.Wen, Z.B.Xin & T.V.Do, sp. nov.) mới cho khoa học thế giới” TS. Đỗ Văn Trường cho biết
|
Michaelmoelleria vietnamensis F.Wen, Z.B.Xin & T.V.Do, sp. nov. |
Cảm giác của người chiến thắng
TS. Đỗ Văn Trường kể thêm một kỉ niệm, đó là năm 2018 trong một chuyến đi điều tra và khảo sát khu hệ thực vật tại Vườn Quốc Gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), trên đường trở về, đồng nghiệp phát hiện một dây leo cao, hoa đẹp liền chụp lại và gửi cho anh. Lúc này, TS. Đỗ Văn Trường đang công tác tại Trung Quốc, khi nhận được bức ảnh, anh linh cảm đây là một loài thực vật rất lạ trong nhóm anh đang nghiên cứu.
|
TS. Đỗ Văn Trường trong một chuyến đi thực địa |
Khi về nước, anh quyết định phải tìm bằng được cây dây leo này. Cuối năm 2020, TS. Đỗ Văn phối hợp với cán bộ Vườn Quốc Gia Vũ Quang thực hiện chuyến khảo sát ngoài thực địa tới khu vực đã được ghi nhận loài thực vật rất lạ trước đó. Đây là nơi địa thế hiểm trở và rất xa trạm kiểm lâm nên cả nhóm quyết định sẽ ngủ lại trong rừng với quyết tâm “săn” bằng được cây lạ.
6h sáng đoàn bắt đầu hành trình từ trạm kiểm lâm, cho đến tận 4h chiều mới tiếp cận được khu vực cần đến. Tuy nhiên, trong bán kính 1 km tại nơi đồng nghiệp từng chụp ảnh, TS. Trường tìm đỏ mắt vẫn không thấy nổi dây leo hay cây con tái sinh của loài thực vật lạ. TS. Trường nhận định rằng rất có thể các cá thể loài thực vật lạ đã bị chết do tác động mạnh của các đợt khô hạn trước đó.
5h30 trời tối om, đoàn quyết định cắm trại, nghỉ ngơi và uống rượu giải buồn: “Không gian tĩnh lặng, bóng tối bao phủ, cùng tâm trạng thất vọng. Cái cảm giác đó, đến giờ tôi vẫn nhớ”, TS. Đỗ Văn Trường nhớ lại.
7h30 sáng hôm sau, TS. Đỗ Văn Trường quyết định tìm kiếm lại, với hi vọng cây đã có hoa, nghĩa là sẽ có quả, là nguồn hạt giống cho cây con tái sinh. Đây lại là khu vực rừng không bị tác động, nhất định cây chỉ ở quanh quẩn đâu đó.
Vòng đi vòng lại nhiều lần, bới từng đám dây rừng, cuối cùng anh cũng tìm thấy, đó là một thân cây con nằm núp trong một đám cây lớn. “Lúc đó người ướt đẫm mồ hôi và đã thấm mệt. Nhưng cái cảm giác chiến thắng mới thật tuyệt”. Đến nay, trên cơ sở kết quả phân tích và nghiên cứu, TS. Trường đã khẳng định đây là một loài thực vật mới cho khoa học thế giới, đặt tên là: Aristolochia vuquangensis T.V.Do, sp.nov.
|
Aristolochia vuquangensis T.V.Do, sp.nov. |
Trái ngọt cho những nỗ lực
Vất vả, thậm chí là nguy hiểm, tuy nhiên, TS. Đỗ Văn Trường đã nhận được những “trái ngọt”. Trong giai đoạn 2010-2020, TS. Đỗ Văn Trường và đồng nghiệp đã phát hiện và mô tả 1 chi và 28 loài thực vật bậc cao mới cho khoa học thế giới, trong đó 1 chi và 22 loài được phát hiện và mô tả ở Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn từ 2010-2020, TS. Đỗ Văn Trường và các đồng nghiệp đã công bố tổng số 26 công trình khoa học mô tả các loài thực vật mới đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Trong đó 23 công trình đăng trên tạp chí quốc tế uy tín.
Theo TS. Đỗ Văn Trường, việc nghiên cứu phát hiện và mô tả các loài mới cho khoa học, đặc biệt là các loài mới phát hiện ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Đầu tiên là làm nổi bật thêm vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học ở Việt Nam, là cơ sở khoa học vững chắc để định loại phục vụ cho công tác nghiên cứu bảo tồn và ứng dụng (nghiên cứu hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học…).
Ngoài ra, các nhà khoa học bước đầu nghiên cứu nhân giống và bảo tồn thành công một số loài mới. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành các hoạt động nghiên cứu phát triển nguồn gen thực vật quý ở Việt Nam cho nhu cầu sử dụng (dược liệu, cây cảnh, thức ăn cho côn trùng…), góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn và phát triển bền vững các loài thực vật hoang dã.
Còn nhiều trăn trở
Là người tâm huyết và nhiều năm theo đuổi nghiên cứu về thực vật, TS. Đỗ Văn Trường cho biết, bản thân anh còn rất nhiều trăn trở.
“Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao, nhưng chúng ta chưa có một chương trình nghiên cứu chuyên sâu về khu hệ thực vật Việt Nam. Điều này là rất đáng tiếc. Chúng tôi mong rằng sẽ có một đơn vị có đủ năng lực chuyên môn, tầm quan hệ quốc tế để tiến hành nghiên cứu bài bản, sâu rộng về khu hệ thực vật Việt Nam”, TS. Đỗ Văn Trường tâm sự.
Một trăn trở nữa của TS. Đỗ Văn Trường, đấy là việc thu hút người trẻ tham gia nghiên cứu về thực vật. Một phần vì ngành nghiên cứu cơ bản luôn là ngành “thầm lặng” chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Hơn thế, cuộc sống khó khăn khiến nhiều bạn trẻ ra trường không thiết tha công việc nghiên cứu mà rẽ sang hướng khác.
“Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, không biết sau 10-20 năm nữa, chúng ta sẽ lấy ai làm tiếp công việc của chúng tôi”.
TS. Đỗ Văn Trường sinh năm 1984. Năm 2015, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ sinh học tại Đại học Tổng hợp Dresden, CHLB Đức. Trong suốt 16 năm gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học, ngoài các phát hiện về loài mới, những công bố được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín, TS. Đỗ Văn Trường đã chủ trì nhiều đề tài, dự án quan trọng cấp nhà nước (Nafosted), cấp bộ hay dự án quốc tế…
Ngoài ra, TS. Đỗ Văn Trường được mời tham gia phản biện bản thảo bài báo cho các tạp chí khoa học uy tín như: Systematic Botany; Taiwania; Nordic Journal of Botany; Phytotaxa, Phytokeys; Annales Fennici Botanici.
Mời độc giả xem video:Khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ con rể nổ súng bắn bố mẹ vợ tử vong rồi tự sát. Nguồn ANTV.
Lan Hoa