KS. Trương Trọng Thi, cha đẻ của chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới, sinh năm 1936 tại Chợ Lớn (Sài Gòn). Năm 14 tuổi, ông sang Pháp học, rồi trở thành kỹ sư ở Trường Vô tuyến điện Pháp.
|
Máy tính Micral |
Có bằng kỹ sư điện tử, buổi đầu KS. Trương Trọng Thi làm việc cho công ty Schlumberger, chuyên về thăm dò dầu khí. Ông được giới công nghệ chú ý vì đã thành công trong nghiên cứu, thiết kế máy Carbotrimètre, đo hàm lượng phóng xạ đồng vị carbon 14, để xác định niên đại địa chất.
Năm 1965, trong một lần sang Hoa Kỳ, ông được biết công ty Intel đã phát triển một bộ xử lý có kích thước nhỏ. Trở về Pháp, ông lập công ty R2E và bắt tay vào việc chế tạo máy tính.
KS. Trương Trọng Thi hợp tác cùng KS. Francois Gernelle làm việc trong tầng hầm của công ty trong 5 tháng liền, mỗi ngày tới 18 tiếng. Đầu năm 1973, họ đã cho ra đời chiếc máy có bộ nhớ 256 bytes (có thể mở rộng đến 1000 bytes), đặt tên là Micral. Đây không chỉ là một máy tính cầm tay đơn thuần mà là một chiếc máy tính cá nhân hoàn chỉnh có bộ nhớ 256 bytes (có thể mở rộng đến 1K), bàn phím và màn hình.
|
KS. Trương Trọng Thi (ngoài cùng bên phải) trong cuộc xét duyệt tại Bảo tàng Máy tính Boston (1986) |
Năm đó, công ty R2E xuất xưởng 500 máy tính Micral dùng cho các trạm thu nhập lệ phí ở xa lộ.
Trong một lần về Việt Nam, trả lời báo chí, KS. Trương Trọng Thi nhớ lại, sau khi Micral ra đời cũng là lúc ông đối diện với các tranh cãi xung quanh việc Micral có phải là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới hay không.
Năm 1986, Bảo tàng Máy tính (Computer Museum) tại Boston tổ chức một cuộc xét duyệt để xác định máy tính nào là máy tính cá nhân đầu tiên. Hội đồng xét duyệt gồm nhiều chuyên gia máy tính, có cả kỹ sư Steve Wozniak, người chế tạo máy tính Apple đầu tiên.
Sau nhiều tranh cãi, Bảo tàng Máy tính Boston nêu rõ: "Danh hiệu máy tính cá nhân đầu tiên dùng bộ xử lý được trao cho máy tính Micral, sản xuất năm 1973 tại Pháp, do kỹ sư André Trương Trọng Thi và François Gernelle thiết kế".
"Vào năm 1973, hai năm trước khi máy tính Altair nổi tiếng được sản xuất, Công ty R2E của ông Trương đã chế tạo máy tính Micral dựa vào bộ xử lý Intel 8008. Micral là tiền thân của mọi máy tính PC sau này". Đó cũng là nhận định của tạp chí Wired (9/1997) về sự xuất hiện máy tính Micral.
KS. Trương Trọng Thi cho biết thêm, chiếc máy Micral đã có một số thành công tại Pháp. Hãng Honeywell của Mỹ thời đó rất quan tâm tới việc thâu tóm Micral. Trong một quán bar ở Los Angeles, ông chủ của Honeywell, đã trả giá 2 triệu USD để mua lại máy vi tính Micral và phần mềm điều hành Prologue của R2E. Tuy nhiên, KS. Trương Trọng Thi không đồng ý và cuộc thương thảo chấm dứt.
Không chỉ bỏ mất cơ hội lớn để đưa Micral tới Mỹ, KS. Trương Trọng Thi và "con đẻ" của ông còn gặp rắc rối liên quan đến vấn đề tranh chấp bản quyền.
Kỹ sư Francois Gernelle kiện ra tòa rằng chính ông là tác giả đích thực của máy Micral. Theo các nhà phân tích, không phủ nhận vai trò quan trọng của người kỹ sư giàu ý tưởng sáng tạo Francois Gernelle, song Micral thực sự là công trình tập thể dưới sự chỉ đạo về mọi mặt của KS Trương Trọng Thi trên cương vị giám đốc. Cuối cùng sau 4 năm hầu tòa, người kỹ sư ấy cũng được công nhận là đồng tác giả của máy vi tính đầu tiên.
|
KS. Trương Trọng Thi (ngoài cùng bên phải) nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. |
Năm 1983, hãng Bull của Pháp mua lại R2E. KS. Trương Trọng Thi không còn vai trò lãnh đạo cao nhất ở công ty nữa, nhiều ý tưởng phát triển máy vi tính tiêu dùng do ông đề xuất đã không thành. Thất vọng, ông rời công ty và chuyển sang làm cố vấn cho một hãng điện tử, chuyển sự nghiên cứu từ phần cứng sang phần mềm. Năm 1995, ông thành lập APCT, một công ty chuyên về các phần mềm bảo mật và có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực này.
Nhằm tôn vinh những đóng góp của KS. Trương Trọng Thi, Chính phủ Pháp đã trao tặng ông Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (1999).
KS. Trương Trọng Thi mất ngày ngày 4/4/2005 tại Paris sau một thời gian dài nằm viện vì bệnh nặng.
Mời độc giả xem video:An Giang: Xe máy va chạm xe khách, 1 người tử vong. Nguồn: THĐT1.
Thu Hà