Tuổi trung niên, ấy là khi người đàn ông đã đủ chín về tất cả, cảm xúc cũng vậy, đủ để sống với những mãnh liệt, chán nản, bã bời hay dũng cảm chạm tới sự thật, tận cùng bản thể và thế cuộc. Có lẽ vì thế nhà thơ, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh đã dồn bút lực của mình cho LOẠN BÚT HÀNH- một bài thơ, cũng là tên tập thơ của anh. Tôi đọc LOẠN BÚT HÀNH của anh bằng tâm thế ấy.
“Ta vốn chẳng thèm kiêng gió cát
Đầu trần đi giữa nắng nhân gian”
Lời đề từ cũng có thể được coi là tuyên ngôn của tập thơ đã được anh tung bút theo đúng chất hành. Kiểu thơ thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ; chủ thể trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến; thể thơ cổ phong thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc. Nguyễn Tiến Thanh đã ra khỏi vòm trời tuổi trẻ trong trẻo với yêu thương, khao khát dốc lòng để đến với tập thơ này. Cái kiêu vong, hoang bạt của một tâm hồn đã nẫu nề với thế cuộc, tuy trong lòng không ít chán nản chất chứa nhưng vẫn khao khát bay khỏi cái lấm láp chốn hồng trần bằng đôi cánh nghệ thuật tinh khiết để sống với những thao thiết trào chảy của dòng sông âm thầm, dữ dội trong những thác ghềnh của thế cuộc. “Ta vốn chẳng thèm”, lối nói ngông, bất cần, chủ thể trữ tình đi giữa: “nắng, gió, cát”, không hề mang giáp mà chỉ có “Ta, đầu trần”, một thái độ sẵn sàng nhập cuộc, đương đầu. Và sau đó, trần thế đã ùa vào thăm thẳm mà bạo liệt, ngân ngấn mặn sầu những nỗi hoang hiu sau những “nghênh diện” để thực sự nhận ra mình giữa bộn bề.
Anh ĐƯA mình đi qua những tâm thế: “Quen, Thương, Yêu, Đau, Quên, Thơ, Em, Tôi”. Ai đọc cũng thấy đó là con đường cõi người. Lỗ Tấn từng nói: “Kì thực trên đời này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường đấy thôi”. Nguyễn Tiến Thanh đã đi qua những thực đơn của trái tim bằng tấm vé của thơ ca, đi qua em, qua tất cả để đến và thấu mình - tôi.
“Đưa Em về cuối cơn mưa
Cỏ hoang lối cũ đã thưa vắng rồi
Đưa Tôi về cuối chân trời
Dòng sông tuổi dại đã vời vợi xa”
Bài thơ như một triết lý nhỏ xinh về dòng sông cuộc đời, lặng lẽ, âm thầm, chìm trôi. Tôi đi qua những nát bấy, hàn vá, qua em để gặp mình. Con người, cuối cùng, qua tất cả để run rẩy với bản thể, nguyên sơ, trụi trần, buồn bã và cô đơn hết thảy. Trăm năm cô đơn. Rồi tất cả sẽ bỏ ta đi, thứ chưng cất được chính là phù sa cuộc đời- sự thức nhận tỉnh táo.
Anh làm phép chia thế giới rồi làm phép cộng trái tim. TỔNG KẾT là một bài thơ như thế. Tác giả viết rất đàn ông. Bắt đầu từ rượu để nhận dạng tâm hồn. Có lẽ anh đã bao lần gặm nhắm tim mình để nhận ra: tình yêu, bước chân lãng du, mưa nguồn chớp bể, mây trắng. Và cuối cùng sau những nẻo đời chi chít ngã tư, anh vẫn bấu bám vào tin yêu, cầu vồng hừng lên sau mưa, để ta lại thấy mình trong những bắt đầu say mê trong cuộc đi tìm sắc màu của ngày mai.
“Nói tóm lại, nếu chân trời đừng hiện
Một cầu vồng bảy sắc sau mưa
Thì ta đã chẳng bao giờ tín niệm
Những mơ hồ, hoang tưởng, vu vơ…”
Màu của ngày mai, anh đã pha trên tấm toan trắng để viết nên LOẠN BÚT HÀNH. Bài thơ viết đúng đặc trưng thể loại hành, thơ cổ phong lẫn trong những bóng dáng người xưa cũ đi về. Hư ảo, hiện thực nhập nhòa khó phân định. Anh như trong tâm thế nhập thần, bị thơ hành xác để phơi mình trên trang viết. Anh đi về trên con đường quá khứ, nhưng không như Kinh Kha- “Tráng sỹ một đi không trở về”. Nỗi nhớ nhà thường trực, người xưa rút kiếm tuẫn tiết, người thơ vung bút để trái tim nhỏ máu, dốc cạn trên bến bờ chữ nghĩa. Những cuộc đi trên con đường thời gian khác nhau nhưng giống nhau ở tráng chí người quân tử: đi để đến, dẫu tận cùng đoạn trường vẫn không hề nuối tiếc khát vọng dấn thân. Và ta thấy:
“Em ở đâu trời mưa đã thưa
Ly biệt vô ngôn thi nhất tự
Lê minh đoạn trường, tà dương du tử
Ta qua mùa nhớ ném thi cầm”.
Khổ thơ này tôi đồ rằng, rất Nguyễn Tiến Thanh. Trên con đường quá khứ và hiện tại, trong kiểu pha trộn không, thời gian và tâm trạng, anh đứng trên tất cả bằng bản lĩnh người đàn ông phong trần, đầu trần nghênh đón nắng, gió, cát nhân gian. Vừa mới “Lê minh đoạn trường- buổi sáng đau thương; thì đã “Tà dương du tử- buổi chiều rong chơi”. Anh tự nhận mình là “du tử”- gã rong chơi ôm trái tim thi cầm đi giữa cơ hàn mà ôm mộng văn chương. Và nếu “Tráng sỹ một đi không trở về” thì vẫn còn câu thơ níu anh lại giữa “Môi chiều/ Tóc mộng/ Mắt sơn khê”. Suy cho cùng, thơ ca là chốn để thi sỹ neo mình lại giữa những vui buồn, hạnh phúc, khổ đau nhân thế.
Còn có một Nguyễn Tiến Thanh rất “mạng xã hội”. Tôi thích cái cách anh vung bút rất hóm hỉnh nhưng lại bắt trend. Năng lực của một thủ lĩnh báo chí đã cho anh những góc nhìn riêng về facebook. Ở MÔNG LUNG, anh đã tóm gọn tâm thế phụ thuộc của con người trong xã hội hiện đại. Người ta bị nô dịch bởi mạng xã hội, một thời thế giới ảo lên ngôi. Tuy nhiên, không hoàn toàn là ảo, ở đó ta bắt gặp cả thế giới loài người khúc xạ qua lăng kính công nghệ. Tác giả đã nói đúng hai khuôn mặt facebook, câu thơ soi rọi tới tận xó tối tâm hồn.
“Thế giới hoang vu trong một ngày mất điện
Không dây không facebook không băng thông
Không account không pasword không server
Kết nối vu vơ qua lặng thầm ý niệm
Chênh vênh như vực thẳm nhân sinh”
Nguyễn Tiến Thanh múa bút và ngổn ngang thế giới đã bày biện trên trang thơ anh tựa hồ như nghệ thuật sắp đặt. Anh hòa trộn ngôn ngữ thật ấn tượng, gắn kết với nhu cầu giao tiếp của xã hội hiện đại. Đến đây tôi hiểu vì sao anh đã làm mưa làm gió trên cương vị một thủ lĩnh báo chí thị trường một thời. Con người Nguyễn Tiến Thanh là một sự đối lập: những vần thơ đi giữa trái tim người làm báo mà không hề bị xô lệch hay trộn lẫn, FACEBOOK.
“Người về chém gió trên “phây”
Thì ta xõa tóc ngang mây cuối đèo
Tháng năm trôi, lá bay vèo
Post lên mực tím ngập chiều phố xưa
Người về nắng tắt mưa thưa
Những comment cắt qua mùa không tên
Nhớ nhiều thêm để mà quên
Tuổi hoa niên héo trên thềm heo may”
Lối viết tưng tửng đấy nhưng lại dàn dụa cảm xúc ngay được. Con chữ trong tay anh đảo chiều cảm xúc. Độc giả chạm tới hiện thực cuộc sống bộn bề tuy nhiên lại có cơ hội thấm dần, thấm dần tâm trạng ngày xa ngái của tác giả. Anh đã gọi dậy trong độc giả những cảm xúc mới mẻ, lạ lẫm.
Nguyễn Tiến Thanh chạm tới cõi riêng của những người táng trái tim trống rỗng của mình trên facebook. Khi không biết cất giấu tiếng thở dài vào đâu, con người bỗng nhận ra, mạng xã hội là một cái rương để đựng. Anh nhìn facebook ở khía cạnh tích cực. Vì thế, dù xen lẫn những từ tiếng Anh nhưng thơ anh vẫn tràn đầy cảm xúc. Nâng niu khoảnh khắc rỗng ruễnh, ấy là cách con người trân trọng bản thể, yêu mình hơn tất thảy. Vì nếu chưa từng qua trống rỗng, ta đâu biết ý nghĩa của đủ đầy.
“Photo những chiều không nắng
Post lên nỗi nhớ không mùa
Comment những thời xa vắng
Like thêm những chuyện không đùa”
Thơ Nguyễn Tiến Thanh có lúc lại nhận diện kiểu ngôn ngữ bụi bặm. Khi ấy anh không chỉ chuyển tải cảm xúc mà còn chớp lấy những xô bồ của đời sống. Anh đã đưa gương mặt hè đường vào trang viết, bởi thứ ngôn ngữ ấy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian vùa đủ để định danh một kiểu dịch chuyển xã hội và chắc chắn sau đó sẽ hóa thành trầm tích. Thơ anh dựng nên sân khấu cuộc đời.
“Một con phố phủ bức màn sân khấu
Diễn viên hài sắm vai chính bi thương
Kiều nữ hé môi nói lời tục tĩu
Cống rãnh cùng sóng sánh với đại dương”
Ở tuổi NGŨ THẬP, anh có cơ hội đi sâu vào mình để khám phá bản thể. Có chút gì đó gọi tên là tiếc nuối, nhớ mình của ngày đã qua. Nhưng quá nửa đời người cũng đủ để anh hiểu ra lẽ vô thường, ngắn ngủi mà sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Sống như thể ngày mai sẽ chết.
“Nếu xưa mây trắng đừng bay vội
Tôi đã bây giờ thôi nhớ tôi
Chỉ mong tự hiểu mình
Đâu cầu tri thiên mệnh
Đời người như viên đạn
Bắn tan chiều hư không”
Là nghệ sỹ, sao tránh khỏi khoảnh khắc rơi tự do vì cô đơn là bản năng. Nên trong những phút giây tự cảm anh đã một mình đi trên con đường tâm trạng, thấy mình, chạm tới ánh mắt bạn để mở ra cả một thế giới. Bản năng nghệ sỹ là tìm hiểu con người và cuộc sống để chắt chiu gửi vào con chữ. Thơ Nguyễn Tiến Thanh có nỗi thổn thức riêng, thứ ngôn ngữ của cảm xúc ấy, anh đem soi chiếu bằng sự tinh tế để thẩm thấu tất cả. Những rung vang tinh nhạy đã cho anh sự sáng tạo một thi ảnh đẹp, nỗi buồn trong lộng lẫy của thiên nhiên: “Mặt hồ buồn như mắt bạn tôi”. Nhưng cuối cùng, thơ anh vẫn gạn chắt từ tin yêu.
“Nếu tất cả đã không còn nguyên vẹn
Tháng Tư này không giống giấc mơ xưa
Sao không thể hát lên lời cầu nguyện
Hết mưa phùn, rồi sẽ lại… tháng tư”
Anh đi tìm ý nghĩa của thơ qua nhiều thời đại. Từ Puskin- Mặt trời thi ca Nga, mang một tình yêu cao thượng, rất Người “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em”, đến Mai-a lấy cái chết để nói về ý nghĩa của sự sống: “Chết ở trên đời có gì là khó/ Nhưng sống- bạn ơi - mới khó hơn nhiều”. Anh gọi tên sứ mệnh của thi ca.
“Thơ nói hộ loài người trên mặt đất
Trừ giống nòi viết ra nó - thi nhân”
Thơ ca ca hát nỗi vui buồn người. Khi nói lên ngôn ngữ của trái tim loài người, đồng nghĩa với tín điều, thi sỹ lại thu vào mình những đớn đau, quằn quại cõi thế. Tự nhận muôn vàn mũi tử thương để chữa lành những vết đau người.
Nhưng dù lên tiếng cho những nỗi người không tuổi thì thơ Nguyễn Tiến Thanh vẫn là những phím DƯƠNG CẦM thổn thức, chờ ngày em đến dạo lên những bản đàn. Ngón tay em như khúc niệm chú biến anh trở nên “vòm lá biếc sau mưa, nốt nhạc bay, khóa son” và thăng hoa trong “cõi vô cùng”. Tin yêu vẫn gọi về trong trái tim NGŨ THẬP những run rẩy trên từng phím “thi cầm” nồng nàn.
“Thì em ạ, hãy tin anh, như thế
Nốt nhạc bay khỏi phím dương cầm
Khóa son chốt ngang 5 dòng kẻ
Cõi vô cùng vẫn mong ngón tay em”.
Thơ Nguyễn Tiến Thanh, dù rạo rực trôi đi trong cánh mây trắng của bầu khí quyển tuổi trẻ hay thấm thía nỗi nhọc nhoài khi ở độ tuổi trung niên, dẫu không hề né tránh hiện thực thì sau những buồn đau ngẫm ngộ vẫn thắp lên niềm “tín mộ”. Một đức tin giữa xô xệch của thế cuộc. Và chắc chắn rằng, tin yêu sẽ mở lối cho độc giả qua những vần thơ của anh. Như Nguyễn Tiến Thanh từng SUY TƯỞNG.
“Nhưng tôi biết
Tôi còn tin và tôi còn suy tưởng
Bởi vì
Vẫn có những giấc mơ và vẫn có những vì sao”.
- NGUYÊN TÔ -