Dấu ấn của GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc trong ngày toàn thắng 30/4/1975

Google News

Trong những ngày diễn ra cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, cấp chỉ huy của ta đã nhận được 3 tin tình báo khẳng định quân đội Mỹ không quay lại cứu quân đội ngụy quyền Sài Gòn đang sụp đổ. Trong 3 tin đó có tin của GS.TSKH. Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc.

Chiến công trước ngày toàn thắng
GS.TSKH. Nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc sinh năm 1932, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng điệp báo của lực lượng CAND Việt Nam. Dưới bí danh Ziệp Sơn, ông vào Sài Gòn và hai năm sau ông lấy được học bổng du học tại Pháp.
Dau an cua GS.TSKH. Nguyen Dinh Ngoc trong ngay toan thang 30/4/1975
GS.TSKH. Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc (ở giữa mặc trang phục công an nhân dân). 
Nhập học tại Đại học Paris, với trí thông minh xuất chúng, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc đã tốt nghiệp với ba bằng kỹ sư về các ngành khác biệt nhau: Thủy văn - Khí tượng, Đóng tàu và Viễn thông. Sau đó, ông tiếp tục nhận được hai bằng Tiến sĩ về Địa lý và Toán học, trở thành người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng của Pháp như Đại học Hải công, Đại học Viễn thông, Đại học Sorbonne...
Năm 1966, để lại vợ con tại Pháp, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc một mình trở về nước và được nhận vào làm giáo sư tại Viện Đại học Sài Gòn và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học khác. Để hoạt động tình báo, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo với hình ảnh một người “lập dị”: Chỉ quan tâm đến khoa học mà không để ý đến tiền bạc, sống độc thân, ngày chỉ ăn một bữa, giỏi xem tử vi... mà giáo sư toàn đi bộ, mặc dù lương giáo sư có thể mua cả ôtô.
Sau này GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc kể, thời đó lương giáo sư có thể mua ô tô, nhưng ông lúc nào cũng chọn đường một chiều, và đi bộ ngược dòng xe. Trước khi đến điểm hẹn với cấp trên, ông thường đi bộ tha thẩn như thế hơn chục km. Việc đi bộ và ngược dòng xe vừa giúp "cắt đuôi" những kẻ theo dõi (nếu có) vừa giúp ông có cơ hội nhìn vào kính của ôtô đang đi tới để biết liệu có kẻ nào theo dõi không.
Do mối quan hệ công việc và xã hội, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc đã cung cấp được nhiều thông tin rất quan trọng một cách kịp thời và chính xác cho cấp chỉ huy như: báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục Miền Nam kịp thời sơ tán tránh được một cuộc hành quân càn quét lớn vào căn cứ ở “vùng lõm” vào đầu năm 1970; báo trước cuộc đảo chính của Lon Nol-Sirik Matak lật đổ Sihanouk và chính phủ mới thân Mỹ sẽ không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng “nhờ” trên đất Campuchia.
Đặc biệt, mùa xuân năm 1975, sau những thay đổi dồn dập của tình hình thời sự, đến ngày 26/4, ông nhận được chỉ thị “khẩn” từ chỉ huy là ông Hai Tân: “Trung ương muốn biết trong tình hình ngụy quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, Mỹ có quay trở lại hay không? Cần trả lời ngay”.
Nhận chỉ thị của tổ chức, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc bằng mọi cách lấy được thông tin và báo cáo với Bộ chỉ huy tối cao nhanh nhất về việc quân đội Mỹ sẽ không quay trở lại giúp quân ngụy Sài Gòn.  
Sau này, khi nước nhà thống nhất, theo thời gian, GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc mới biết, trong thời điểm những ngày diễn ra cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, cấp chỉ huy chiến lược đã nhận được 3 tin tình báo, đều khẳng định Mỹ không quay lại cuộc chiến.
Đó là tin của Tướng Phạm Xuân Ẩn, trong vỏ bọc phóng viên tạp chí Time tại Sài Gòn.
Một tin khác của ông nghị Đinh Văn Đệ, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Việt Nam Cộng hòa, cũng là điệp viên đơn tuyến.
Tin của GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc về đến bộ chỉ huy cấp cao nhất 24 giờ trước cuộc tổng công kích cuối cùng vào đầu não của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Nhà tin học nổi tiếng
Do thành tích trong ngành điệp báo, sau năm 1975, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn mời GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc ra miền Bắc. Do kinh nghiệm công tác trong ngành máy tính, ông được giao công tác tiếp cận các hệ thống máy tính của Mỹ để lại và tiếp nhận các hệ thống máy tính mới của Liên Xô.
Dau an cua GS.TSKH. Nguyen Dinh Ngoc trong ngay toan thang 30/4/1975-Hinh-2
GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc hoạt động tình báo trong vỏ bọc một giáo sư lập dị. 
Từ 1989 - 1994, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục V17 (Cục Khoa học Viễn thông và Tin học, nay là Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an) Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ông là người đặt nền móng và phát triển có hiệu quả nhất mạng thông tin tin học, viễn thông trong lực lượng CAND.
Năm 1989, ông tham gia và giữ chức Phó trưởng ban Ban Vận động thành lập Trường Đại học Dân lập Thăng Long – đại học ngoài công lập đầu tiên ở Việt Nam thời đổi mới.
Ông còn là sáng lập viên và là Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Tây Đô (Cần Thơ)...
GS.TSKH. Nguyễn Đình Ngọc đã tham gia nhiều đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Trong các công trình nghiên cứu của ông, độc đáo nhất là công trình mang mã số KX.06: “Khoa học công nghệ với các giá trị văn hóa”, được ông thực hiện vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20. Đến nay, ở nước ta và trên thế giới, đây vẫn là công trình “độc nhất vô nhị” khi đưa một công thức rất nổi tiếng của khoa học tự nhiên để vận dụng một cách thỏa đáng vào lĩnh vực khoa học xã hội.
Năm 1994, ông được nhà nước Việt Nam phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam.

Mời bạn đọc xem video: Hà Nội vỡ òa ngày vui chiến thắng lịch sử 30/4/1975. 


Thu Hà