Chân dung những 9x đóng góp “khủng” cho khoa học Việt

Google News

Họ là những nhà khoa học trẻ thuộc thế hệ 9x đầy tài năng và khát vọng cống hiến. Mặc dù chưa đến tuổi 30, song họ đã có nhiều đóng góp "khủng" khoa học và cộng đồng.

Người tuyên chiến với ung thư ở Việt Nam
 Ra đời năm 2015, mục tiêu của Tổ chức Ruy băng tím, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm cung cấp thông tin đúng, đủ về mặt khoa học, y học về ung thư. Sau 5 năm hoạt động, trang web cũng như trang Facebook của Ruy băng tím đã dần quen thuộc với những người có nhu cầu tìm hiểu về căn bệnh này.
Chan dung nhung 9x dong gop
Nguyễn Cao Luân trong phòng thí nghiệm tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản.
Đằng sau hoạt động của Ruy băng tím là một nhà khoa học trẻ sinh năm 1990: Nguyễn Cao Luân. Nguyễn Cao Luân cho biết khi đang học thạc sĩ tế bào học ở Đại học Hiroshima, Nhật Bản (từ tháng 10/2014 đến tháng 3/2017), anh nhận được nhiều thắc mắc của bạn bè, người thân liên quan đến ung thư. Với những thắc mắc này, anh phát hiện, thông tin sai về bệnh ung thư quá nhiều.
Từ lý do này, ngày 12/12/2015, Ruy băng tím ra đời. Mục tiêu của mạng lưới là xây dựng một website khoa học chuyên cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và khách quan về ung thư để bất kỳ ai cũng có thể tra cứu được (ruybangtim.com).
 Bên cạnh đó, Nguyễn Cao Luân và các cộng sự còn mong muốn thay đổi tư duy, tâm lý của người Việt Nam về căn bệnh ung thư, giúp họ chuyển từ sợ hãi, tuyệt vọng sang hiểu biết trong cả việc điều trị và phòng ngừa... Đặc biệt, Luân và những người bạn còn mong muốn thông qua Ruy băng tím cung cấp kiến thức về phòng ngừa ung thư nhất là cho cho giới trẻ Việt Nam bởi ung thư đang ngày càng trẻ hóa.

 Nhà khoa học trẻ đóng góp 18 công bố quốc tế

Cùng tên Luân, nghiên cứu sinh Phạm Thành Luân (sinh năm 1990, giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) lại đóng góp cho khoa học bằng các bài báo được công bố quốc tế.
Chan dung nhung 9x dong gop
Phạm Cao Luân có tới 18 công bố quốc tế cho riêng luận án tiến sỹ.  
Thông qua luận án tiến sỹ mang tên: “Nghiên cứu phát triển một số phương pháp mới trong công tác xử lý, phân tích số liệu trường thế”, thuộc chuyên ngành Vật lý Địa cầu, Phạm Cao Luân có 23 bài báo, trong đó 18 bài báo công bố quốc tế. Đây là một thành tích ấn tượng nếu so với tiêu chuẩn của quy chế tuyển sinh trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, phải có 1 công bố quốc tế.
Nói về đề tài của mình, Phạm Cao Luân cho biết, hiện nay việc xử lý, phân tích tài liệu từ và trọng lực đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu cấu trúc vỏ Trái Đất, giải đoán các cấu trúc địa chất cũng như tìm kiếm và thăm dò khoáng sản.
Hiện nay, các phương pháp xử lý, phân tích tài liệu từ và trọng lực vẫn được áp dụng thường xuyên và phổ biến như một trong những phương pháp cơ bản trong các nhiệm vụ điều tra, khảo sát trên mặt đất. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Do đó, việc xây dựng các phương pháp mới, hoặc cải tiến các phương pháp hiện có là hết sức cần thiết.
Mục tiêu luận án là phát triển các phương pháp mới hoặc tổ hợp phương pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý, phân tích số liệu trường thế. Cùng đó, xây dựng một số chương trình phần mềm từ các phương pháp và tổ hợp phương pháp đề xuất.
Nhiệm vụ đặt ra trong luận án đòi hỏi Luân đề xuất các phương pháp mới hoặc cải tiến các phương pháp hiện có. Những nỗ lực không ngừng đã đem lại thành quả khi những bài báo từ đề tài nghiên cứu lần lượt được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Tính đến ngày bảo vệ luận án, Luân đã có tới 23 bài báo, trong đó 18 bài báo được đăng trên các tạp chí SCIE, ESCI và Scopus.
"Bàn tay vàng" giúp san hô sinh sản nhân tạo
 Với mong muốn cứu những rạn san hô, nhà khoa học 9X Đoàn Văn Thân thuộc Phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Bảo tàng Hải dương học, Viện Hải dương học (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã thực hiện nuôi san hô ở môi trường nhân tạo.
Chan dung nhung 9x dong gop
Đoàn Văn Thân thành công trong sinh sản san hô nhân tạo.
Đoàn Văn Thân cho biết, qua những chuyến khảo sát, trực tiếp lặn xuống biển ở vịnh Nha Trang, anh không khỏi xót xa khi chứng kiến những rạn san hô tuyệt đẹp bị khô cứng, gãy nát, chết do ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Nước biển bị ô nhiễm, thời tiết, tác động của con người…
Từ thực tế đó, qua các chuyến khảo sát, thu thập mẫu san hô để nghiên cứu, anh đã nung nấu ý tưởng và đề xuất viện được phép thí nghiệm nuôi san hô ở môi trường nhân tạo. San hô có 3 nhóm chính là san hô cứng (còn gọi là san hô đá), san hô sừng và san hô mềm. Anh chọn nghiên cứu nuôi san hô cứng bởi đây là loại khó nuôi nhất.
Hiện nay, trong bể nuôi san hô của anh có 8 loài san hô cứng, 6 loài san hô mềm. Trong những chuyến lặn biển, anh còn chọn những khối đá san hô chết đem vào bể nhân tạo để cấy ghép san hô lên đá. Sau một năm miệt mài thu thập mẫu, nghiên cứu, đến nay, bể san hô nhân tạo của anh với 8 loài san hô cứng, 6 loài san hô mềm đều sống và phát triển.
Theo các nhà khoa học, thành công của việc nhân nuôi san hô trong môi trường nhân tạo không chỉ áp dụng cho san hô mà cả các loài sinh vật biển khác để giảm thiểu khai thác cạn kiệt ngoài tự nhiên.

Mời bạn đọc xem video: Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh. Nguồn VOV. 


Lan Hoa (TH)