Vụ “ném đá” Đỗ Nhật Nam và tâm lý bé 11 tuổi

Google News

(Kiến Thức) - Hành động "ném đá" clip trả lời phỏng vấn của bé Đỗ Nhật Nam chẳng khác nào việc "cầm dao đâm" vào tâm hồn của bé. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khi Nam vẫn chỉ là một đứa trẻ.

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội nói chung và trên các báo điện tử nói riêng đang rộ lên “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam. Câu chuyện được bắt đầu khi cậu bé được cho là “thần đồng” này trò chuyện trong một clip phỏng vấn tại triển lãm sách tại TP.HCM.

Trong clip phỏng vấn, Nam trả lời không thích đọc truyện tranh vì mẹ em cho rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn”. Chính câu nói đó mà cậu bé 11 tuổi này chịu không ít búa rìu dư luận vì họ cho rằng em bị đánh mất tuổi thơ và có thái độ không tôn trọng người lớn…

Trả lời Kiến Thức, MC trong clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam cho biết, trong khi quay clip đó, Nam trả lời hoàn toàn không chuẩn bị trước, cậu bé tỏ ra rất hiểu biết và tự tin. Đặc biệt, Nam luôn tỏ ra lễ phép, thưa gửi đàng hoàng. Theo cô, cậu bé có quyền đưa ra những ý kiến cá nhân trong cuộc phỏng vấn. "Có thể, phong cách của Nam tự tin kiểu người lớn, nhưng Nam không hề có lỗi trong chuyện đó", cô MC này nói.
 Bé Đỗ Nhật Nam trong clip phỏng vấn. (Ảnh cắt từ clip)

Đứng về góc độ tâm lý, một chuyên gia cho rằng, việc phê phán hay kích động dù là trên mạng, hướng vào một đứa trẻ mới độ tuổi dưới 15 là hành vi "tàn nhẫn".

Thạc sĩ tâm lý học Lê Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ sự lo ngại khi một cậu bé mới 11 tuổi mà phải hứng chịu nhiều “vết dao đâm” từ dư luận xã hội. “Người ta sẵn sàng "ném đá" mà quên rằng Nam chỉ là một cậu bé 11 tuổi. Góp ý là tốt nhưng góp ý phải chân thành, ngôn từ phải xây dựng. Không biết những độc giả "lớn tuổi hơn" đó có nghĩ rằng mỗi lời "ném đá" của mình buông ra là một con dao giết chết tâm hồn của một nhân tài đang lớn?” ông Hiếu bày tỏ.

Theo các tài liệu tâm sinh lý lứa tuổi, độ tuổi từ 11 đến 14 là tuổi trẻ sẽ vào giai đoạn "bước ngoặt" - cơ thể bắt đầu dậy thì. Các em bé tuổi này thường có xu hướng tự khẳng định mình, muốn được đối xử như người lớn. Mặt khác, tâm lý lứa tuổi này khá nhạy cảm, không dễ nghe lời khi bị "xử ép" như khi các em còn bé.

Trong thực tế thì Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đã nêu rõ tại Điều 14 và Điều 26. Điều 14, luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Trẻ em có “quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”.

Còn tại Điều 26 của Luật trên, viết: “Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): “Luật hiện hành đã có quy định mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em đều bị xử lý nhưng luật không lường hết được những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế cuộc sống, như hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em từ cộng đồng mạng chẳng hạn”.

Dưới đây là trích bức thư cô giáo chủ nhiệm lớp của Đỗ Nhật Nam trước sự việc trên:

"...Ở trường em Nam là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh, em luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch,…cùng với các bạn trong lớp. Em Nam luôn chăm chỉ học hành đều tất cả các môn. Em có năng khiếu rất tốt về MC và năng khiếu đặc biệt về tiếng Anh. Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên. Em đọc sách nhiều nên khả năng ngôn ngữ của em tương đối chuẩn.

Tất cả các bạn trong lớp đều quý và chơi thân với em Nam. Với kết quả em có được như  hiện nay là do sự chăm chỉ học hành cộng với một phần năng khiếu của em tạo nên. Ở trường Newton, em Nam là một học sinh ngoan, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao.

Ngoài ra em chưa bao giờ tự nhận mình là thần đồng. Danh hiệu ấy chắc chắn là do người lớn và xã hội tự đặt cho em.

Khi Nam nói rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn” thì một số người quay lại đả kích em và cả phương pháp giáo dục của mẹ em. Dù khen ngợi hay chê bai thì chắc chắn cách khen và cách chê của chính chúng ta cũng đã ảnh hưởng nhất định đến tuổi thơ của cậu bé.  Hơn nữa, sẽ thật mâu thuẫn khi chúng ta chê trách Nam mất hết tuổi thơ nhưng khi bé Nam phát biểu vô tình chưa thật đúng thì bắt bẻ bé, bắt em phải đánh giá về truyện tranh một cách đầy đủ, nhiều chiều như quan điểm của người lớn. Nếu thực sự già trước tuổi và mất hết tuổi thơ thì tôi tin rằng em Nam sẽ chẳng “dại” gì mà đưa ra những phát ngôn dễ gây tranh cãi cho dư luận như thế.

Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và  trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh,…

Việc dạy dỗ mỗi một học sinh đều có những nét chung và nét riêng, các em có những  khả năng khác nhau, có em có khả năng đặc biệt. Nếu chúng ta cứ dạy tất cả các em giống nhau thì khó phát huy được hết các khả năng riêng của các em.

Thiết nghĩ, một em bé có năng khiếu cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát triển. Nếu xã hội đã cho rằng Nhật Nam là “thần đồng” thì xã hội cần có trách nhiệm giúp cho khả năng của em ngày càng tỏa sáng. Nếu chúng ta còn tiếp tục bình luận, mổ xẻ và chê bai thì không phải ai khác mà chính chúng ta đang làm ảnh hưởng tới tuổi thơ của cậu bé. Chúng tôi hi vọng rằng, mọi người hãy cùng nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đừng để một em bé bị vùi dập bởi vòng xoáy dư luận".


Anh Đào