Vì 38,5 triệu USD, tính mạng con trẻ chịu rủi ro?

Google News

Vì sao Việt Nam đến lúc này chưa thể đưa ra quyết định ngừng sử dụng loại vắcxin Quinvaxem đã gây cái chết cho 7 em bé chỉ trong hơn 4 tháng qua?

Chỉ từ tháng 11/2012 đến tháng 3/2013, đã có hơn 10 trẻ bị phản ứng nặng sau tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem, trong đó có 7 bé tử vong đang làm “nóng” lên câu chuyện vì sợ mất tài trợ mà tính mạng của những đứa trẻ đang bị xem nhẹ.

 

Vào cuối năm ngoái, khi phát hiện một trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem, Bộ Y tế đã vào cuộc điều tra và khẳng định vắcxin này an toàn, những trường hợp tử vong chỉ là nhỏ lẻ và tỉ lệ tử vong vẫn nằm dưới ngưỡng cho phép của nhà sản xuất! 

Rồi sau đó,  Bộ Y tế chỉ ra rằng “không tìm thấy có bằng chứng liên quan đến vắcxin” bởi quy trình tiêm đúng, chất lượng vắcxin đạt chuẩn, bảo quản vận chuyển đúng quy định…".

Vậy hóa ra hóa ra trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin là do lỗi tại đứa trẻ đó, nói một cách chuyên môn hơn là do trẻ có cơ địa quá nhạy cảm nên ráng chịu (?!).

Đến nay, sau hàng loạt ca tai biến nghiêm trọng xảy ra, mới hay đằng sau đó là một vấn đề “tế nhị”. Ông Nguyễn Văn Bình- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)- cho biết,  vắcxin “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2010, tiêm cho trẻ 2-3 và 4 tháng tuổi. 

Vắcxin này do Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015, trị giá 38,5 triệu  USD. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều

Để phân trần cho việc "phải” dùng loại vắcxin giá rẻ (gần 100.000đ/mũi) này, đại diện Bộ Y tế nói, vắcxin Quinvaxem được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng và hiện đang sử dụng phòng bệnh cho trẻ ở 90 quốc gia. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem đã không sử dụng vắcxin này vì các chuyên gia cho rằng nó có chứa thành phần ho gà vắcxin toàn tế bào, dễ gây phản ứng cho cơ địa trẻ. Bản thân nhà sản xuất vắcxin này cũng cảnh báo phải cân nhắc hết sức cẩn thận bởi có rất nhiều tác dụng phụ sau tiêm như: Sốt 40 độ C; đột quỵ hoặc sốc; khóc thét kéo dài hơn 3 giờ; co giật…

Cũng theo WHO thông báo, vắcxin Quinvaxem được phân phối tại Ấn Độ đã gây tử vong cho ít nhất 5 trẻ tại Sri Lanka, 8 trẻ tại Bhutan và ít nhất 3 trẻ tại Pakistan. Chính quyền Sri Lanka đã thu hồi lô vắcxin vào năm 2008 sau khi ghi nhận 25 trường hợp có phản ứng phụ gây hại nghiêm trọng, trong đó có 5 ca tử vong và Bhutan đã ngừng việc sử dụng loại vắcxin này sau 2 tháng đưa vào sử dụng trong tháng 7/2009- sau khi xảy ra 8 ca tử vong”.

Vậy tại sao Việt Nam đến lúc này chưa thể đưa ra quyết định ngừng sử dụng loại vắcxin này? Với lý lẽ rằng, từ chối nhận viện trợ bằng vắcxin Quinvaxem thì trong tương lai có thể sẽ khó khăn trong việc tiếp tục nhận nguồn viện trợ từ tổ chức GAVI. Vì thời gian tới, có thể GAVI sẽ viện trợ Việt Nam vắcxin ngừa bệnh Rubella và tiêu chảy do Rotavirus đã trở thành "rào cản", khiến lãnh đạo ngành y tế không thể đưa ra quyết định ngừng sử dụng toàn bộ số vắcxin cho không này.

Chung quy lại thì câu chuyện này đang xoay quanh vấn đề tiền. Chúng ta nghèo, phải phụ thuộc vào các nguồn tài trợ. Có phải không muốn bỏ lỡ khoản tài trợ khổng lồ trị giá 38,5 triệu USD mà ngành y tế đang  "buộc phải" nhắm mắt làm ngơ hy sinh tính mạng của một số đứa trẻ? Vì còn 4 triệu liều vắcxin nữa chưa được sử dụng và sắp tới, hàng triệu liều vắcxin nữa sẽ về đến Việt Nam nên những câu nói kiểu như: Chưa có bằng chứng nào cho thấy vắcxin Quinvaxem có vấn đề về chất lượng, vắcxin này vẫn hiệu quả trong phòng bệnh với tỉ lệ tai biến chấp nhận được…đưa ra để trấn an dư luận (?).

GS-TS Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- từng thừa nhận không có vắcxin nào an toàn tuyệt đối và tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắcxin Quinvaxem thống kê ở Việt Nam là 0,69/1 triệu liều (tỉ lệ nặng) và 0,17/1 triệu liều (tỉ lệ tử vong). 

Nhưng trong mấy tháng qua, có 7 trẻ tử vong, giới chuyên môn vẫn khẳng định mô%3ḅt cách khó hiểu “tỉ lệ tai biến nằm trong ngưỡng cho phép là 1/1 triệu mũi tiêm”. Tức là, với tổng số 4,5 triệu liều vắcxin/năm chỉ được phép có tối đa 1 bé tử vong và tối đa là 4 ca nặng. Vậy  với số trẻ tử vong đang cao gấp nhiều lần như thế này, vẫn có thể coi là tỉ lệ tai biến được chấp nhận sao?

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Lao Động