Bé 6 tháng méo mồm, liệt mặt do nằm điều hòa quá lạnh
Mới đây, thông tin một bé gái 6 tháng tuổi ở Vũ Hán, Trung Quốc đã phải nhập viện khẩn cấp với những biểu hiện nghiêm trọng về sức khỏe. Bé nhập viện trong tình trạng, méo mồm, liệt mặt, ngủ một bên mắt không nhắm chặt như bình thường mà chỉ khép hờ. Bé uống sữa cũng bị đổ ra ngoài.
Bác sĩ kết luận, do nắng nóng kéo dài, các gia đình thành phố đều bật điều hòa quá lạnh liên tục khiến hiện tượng bệnh nhi bị méo mồm, liệt mặt tăng lên nhanh chóng.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là trẻ ngủ không nhắm được mắt, chỉ khép hờ, góc mép lệch hẳn sang một bên, không khép gọn miệng nên bị chảy nước dãi, cho ăn uống sẽ khó khăn, rơi thức ăn ra ngoài vì cơ miệng bị đơ.
Đây là hiện tượng các mạch máu thần kinh trên cơ mặt do lạnh quá nên bị co thắt, gây thiếu máu trên các dây thần kinh mặt, gây phù nề. Nguyên nhân chính của căn bệnh này được các bác sĩ chỉ đích danh chính là gió lạnh của điều hòa.
Ngoài ra, điều hòa còn là “sát thủ” gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Hen suyễn
Trong cục tản nhiệt điều hòa không khí có đến 91.259 vi khuẩn trên mỗi cm vuông. Những vi khuẩn này khi vào không khí trong nhà sẽ gây nên chứng hen suyễn và dị ứng. Những đối tượng dễ mắc bệnh là người già, trẻ em, người có thể trạng mẫn cảm với không khí.
Phát ban do mồ hôi
Nếu ở trong môi trường máy lạnh một thời gian dài lại không uống đủ nước, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm dần, môi trường điều hòa sẽ sinh ra bí bách, thiếu ô xy, tạo môi trường tốt để nấm sinh sôi, gây nên các bệnh ngoài da như dị ứng, phát ban, mẩn ngứa.
Nhóm người có mồ hôi nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Nên hạn chế thời gian sử dụng điều hòa trong ngày, chú ý mở cửa để không khí trong phòng lưu thông sạch sẽ.
Viêm khớp, đau lưng, đau cổ
Khi nhiệt độ trong phòng điều hòa và nhiệt độ ngoài trời có sự chệnh lệch, bạn phải ra vào trong môi trường nhiệt độ khác biệt như vậy rất dễ bị sốc nhiệt, tạo nên các bệnh về thần kinh.
Các khớp và dây chằng chưa kịp thích ứng với điều kiện thời tiết sẽ bị kích thích lạnh đột ngột, tạo nên sự cứng khớp không thể vận động linh hoạt, gây đau khớp.
Nhóm nguy cơ cao cần đề phòng là người cao tuổi. Bác sĩ nhắn rằng người trung niên trở lên nên mặc áo dài tay, đi tất mỏng, không nên ra vào liên tục giữa phòng điều hòa và nơi không có điều hòa.
Khô mắt
Không khí trong phòng điều hòa cần phải luôn luôn được thay đổi để bổ sung thêm ô xy, nếu bật điều hòa quá lâu, không khí sẽ đậm đặc, ô nhiễm, dễ gây khô mắt, mỏi mắt, mắt bị nhiễm trùng.
Nhóm nguy cơ cao như nhân viên văn phòng, người sử dụng máy tính dài hạn. Bác sĩ khuyên bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn, giúp mắt thư giãn và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.
Cách dùng điều hòa đúng cách
Làm lạnh phòng trước khi ngủ
Người dùng có cảm giác thoải mái và dễ ngủ hơn khi không khí mát lạnh tỏa khắp phòng. Mỗi điều hoà có một khả năng làm lạnh tương ứng với công suất máy và diện tích phòng.
Chẳng hạn như điều hòa có công suất 9.000 BTU phù hợp với phòng 15-20 m2; 12.000 BTU cho phòng 20 - 30 m2. Tuy nhiên, thời gian khởi động và tốc độ làm mát của mỗi máy lại khác nhau. Nếu không sở hữu một chiếc điều hòa có khả năng làm lạnh nhanh, người dùng nên bật điều hòa 10 - 15 phút trước khi ngủ.
Điều chỉnh nhiệt độ và tốc độ quạt phù hợp thân nhiệt
Thói quen bật điều hòa mát rượi trước khi đi ngủ, đến khi cơ thể kêu rét mới trở dậy chỉnh nhiệt độ - là lý do khiến nhiều người bị nhiễm lạnh về đêm. Thân nhiệt cơ thể thay đổi theo từng giai đoạn của giấc ngủ. Vì vậy, nhiệt độ điều hòa nên thấp với tốc độ làm lạnh nhanh khi khởi động để tạo cảm giác thoải mái tức thì, tăng dần 1-2 độ C trong lúc ngủ và mát lạnh trở lại khi vừa thức giấc.
Vệ sinh điều hòa định kỳ
Sau thời gian sử dụng, điều hòa là nơi trú ngụ của vi khuẩn, nấm mốc... Vệ sinh điều hòa định kì 6 tháng 1 lần giúp bảo vệ sức khỏe người dùng, tăng tuổi thọ máy và tiết kiệm điện đáng kể. Các bộ phận cần chú ý cọ rửa là mặt nạ, lưới lọc, dàn nóng và dàn lạnh. Khi vệ sinh, nhất thiết phải tắt điện để đảm bảo an toàn, tuyệt đối không được làm ướt bo mạch điện tử (nằm ở trên máy nén).
>>> Mời quý độc giả xem video Nuôi con bằng sữa mẹ (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin