Rộ trào lưu bán sữa mẹ trực tuyến
Cũng giống như nhiều bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ khác, cô Yan cho con bú bằng sữa của mình, nhưng cô còn nặn sữa dư để bán lấy tiền.
Sau khi cho con bú no sữa, cô Yan, mẹ của bé 5 tháng tuổi tại Thẩm Dương, Liêu Ninh, TQ đã quyết định bơm sữa dư vào túi để bán.
Cô nói: “Tôi không muốn lãng phí sữa của mình, tôi nghe nói rằng có nhiều người khác bán sữa mẹ trực tuyến, vậy tại sao tôi không thể bán sữa mẹ. Từ đó tôi đã tạo ra một trang web và bắt đầu kinh doanh sữa mẹ trực tuyến”.
|
Sữa mẹ dưa thừa được bơm vào túi để tặng hoặc giữ đông lạnh để bán. |
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “sữa mẹ” trên trang 58.com sẽ hiện ra rất nhiều diễn đàn, rao vặt mua bán sữa mẹ, rất nhiều các bà mẹ bán sữa trực tuyến. Dịch vụ thương mại trực tuyến này đang bùng nổ và phát triển mạnh từ Thượng Hải cho đến Quảng Châu.
“Tôi chỉ cần chờ các cuộc gọi đến hỏi về nhu cầu mua sữa mẹ. Tôi cung cấp sữa mẹ tươi hoặc đông lạnh, nhưng là nguồn sữa của chính tôi”, cô Yan nói.
Theo cô Yan, giá thị trường để cung cấp sữa mẹ dao động vào khoảng 814 USD/tháng, trong khi sữa bột dành cho trẻ thường chỉ mất khoảng 325 USD/tháng ở Trung Quốc.
Cô này cũng cho hay sự xuất hiện của thị trường sữa mẹ trực tuyến này là một sự phát triển tích cực, bởi sữa dư thừa có thể vừa thu được lợi nhuận vừa giúp đỡ người khác.
Sau vụ bê bối sữa bột dành cho trẻ em nhiễm độc tố melamine ở Trung Quốc hồi năm 2008, nhiều bà mẹ mới sinh không thể tiết đủ sữa cho con buộc phải tìm đến các dịch vụ mua sữa ngoại xách tay, đặc biệt là ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, đầu năm nay, Hồng Kông đã giới hạn số lượng sữa bột mà du khách có thể mua và vận chuyển ra khỏi lãnh thổ, do lo ngại tình trạng thiếu sữa. Chính điều này đã buộc các bà mẹ tìm đến dịch vụ cung cấp sữa mẹ trực tuyến.
“Nếu tôi không đủ sữa để nuôi con tôi sẽ tìm cách mua sữa mẹ bởi khó có thể tin tưởng được nguồn sữa bột hiện nay”, Fang Lu, một phụ nữ mới cưới đang có kế hoạch có con cho hay.
Nhiều rủi ro...
Hôm thứ Bảy vừa qua hàng loạt lô sữa Fonterra của New Zealand đã bị phát hiện có chứa các thành phần gây ngộ độc.
Thông tin này càng khiến cho các bà mẹ Trung Quốc lo ngại, họ hy vọng rằng mua sữa của bà mẹ khác là cách “an toàn” hơn, nhưng các chuyên gia y tế nói rằng cách này cũng không thể tránh khỏi những rủi ro khác.
Theo Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh uống sữa chưa được sàng lọc từ các bà mẹ khác có thể bị lây bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV.
Mặt khác, nếu sữa mẹ không được lưu trữ đùng cách có thể trở nên ô nhiễm và không an toàn cho sức khỏe trẻ sơ sinh.
Trong tháng Năm, Trung Quốc đã mở ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Quảng Châu.Tuy nhiên xu hướng mua bán sữa mẹ trực tuyến không bị giới hạn ở Trung Quốc. Một số trang web tồn tại ngang nhiên để phục vụ nhu cầu của người mua và người bán. Ngày càng có nhiều phụ nữ chia sẻ sữa thông qua các trang web trực tuyến thay vì tài trợ cho ngân hàng sữa mẹ.
Thực tế ở Trung Quốc, việc kinh doanh sữa mẹ trực tuyến để bị nghiêm cấm. Trong khi Cục trưởng giám sát Luật y tế đã tuyên bố rằng sữa mẹ không phải là một loại hàng hóa, tuy nhiên không có điều luật cụ thể nào nghiêm cấm việc các bà mẹ bán sữa của chính mình.
Ở Pháp, từng rộn lên chuyện một phụ nữ cho thuê bú sữa mẹ, dành riêng cho các cặp đồng tính. Chị này đăng quảng cáo trên một website ở Pháp, quảng bá dịch vụ bú sữa mẹ thuê dành riêng cho những cặp đồng tính nhận con nuôi.
Trong mẫu quảng cáo trên website e-loue, người phụ nữ này viết: “Tôi là một bà mẹ trẻ, sức khỏe dồi dào, một nữ y tá được đào tạo bài bản 29 tuổi. Tôi cho thuê cặp ngực của tôi để cho bé sơ sinh bú sữa”.
Người phụ nữ chỉ cung cấp dịch vụ cho các cặp đồng tính nhận con nuôi, với cam kết cho trẻ bú sữa đến 10 lần/ngày với mức phí 130 USD/ngày.
Người phụ nữ này không bị phạt bởi nước này cấm bán sữa mẹ nhưng không cấm cho bú sữa mẹ thuê.
Tại Việt Nam, hiện chưa có ngân hàng sữa mẹ, manh nha trên thị trường cũng có người cung cấp sữa mẹ đông lạnh hoặc cho bú thuê. Gần đây nhất, diễn đàn Hội nuôi con bằng sữa mẹ Việt Nam trên mạng xã hội đã kêu gọi thành lập ngân hàng sữa mẹ. Hiện, hội này chủ yếu như là môi trường trung gian, ở đó người cho và người nhận trực tiếp gặp nhau.
Sữa vắt ra có thể bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Cụ thể: 72 giờ trong tủ lạnh, 1 tháng trong ngăn đá, 3 tháng trong tủ đông (mặc dù có thể làm giảm mất lượng kháng thể trong sữa nhưng vẫn có giá trị về dinh dưỡng).
Cách trữ sữa tại nhà và cấp đông đúng, đảm bảo dưỡng chất: Sau khi vắt sữa, bạn chứa sữa vào bình nhựa hoặc bình thủy tinh (đã luộc vô khuẩn) rồi xếp vào tủ cấp đông... Ghi chú từng bình ngày vắt để bé dùng từ cũ tới mới. Khi dùng cần rã đông bằng cách tự nhiên: bỏ sữa xuống ngăn mát vào tối hôm trước. Sau đó hâm nóng bằng cách ngâm bình sữa vào nước nóng cho đến khi nóng đều và cho bé bú ngay sau khi hâm nóng là tốt nhất. Tránh rã đông và hâm nóng bằng lò vi sóng vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng.
Chú ý: Khi làm lạnh sữa, chất béo sẽ tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa, bạn cần lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo trước khi trẻ ăn. (Theo tudu.com.vn).
Linh Chi