|
Những tác động khủng khiếp của điếu thuốc được minh họa như những hóa chất cực động đi thẳng vào cơ thể người. Ảnh: smokescape.org. |
Mất chân vì hút thuốc lá
Một tác hại đáng ngại của việc hút thuốc lá nhiều và lâu dài đối với sức khỏe đó là bệnh viêm tắc động mạch chi dưới gây thiếu máu chi dưới dẫn đến hoại tử.
Bệnh viện 108 từng cấp cứu cho bệnh nhân Lưu Minh Hán (Phú Xuyên, Hà Nội) với tình trạng bệnh tương tự. Anh Hán hút thuốc lá được 8 năm, mỗi ngày anh hút từ 1-1,5 gói thuốc. Khi vào viện, các bác sỹ nhận thấy động mạch chân của bệnh nhân bị tắc, phải cắt cụt 3 ngón. Đáng chú ý là, tuy đã bị cắt cụt một số ngón nhưng nếu bệnh nhân tiếp tục hút thuốc thì bệnh sẽ tái phát và nguy cơ khôn lường. Bệnh nhân Hán sau khi mổ được vài ngày đã tiếp tục hút thuốc khiến phần động mạch vừa nối lại bị tắc lần 2.
Lần này các bác sỹ chỉ còn cách cưa tiếp từ bàn chân đến gót chân. Bệnh viêm tắc động mạch chi cũng từng được tác giả Leo Buerger (nhà nghiên cứu bệnh học, đồng thời là bác sỹ phẫu thuật và bác sỹ tiết niệu, người Áo) mô tả trong y văn từ năm 1908 với đối tượng là 11 bệnh nhân. Theo đó, bệnh phát sinh do tình trạng viêm nhiễm nặng nề của toàn bộ 3 lớp thành động mạch và các tĩnh mạch đi kèm, gây nên những di chứng là hoại tử. Mối liên quan là, phần lớn những bệnh nhân được theo dõi là những người nghiện thuốc lá nặng, họ hút trên 20 điếu mỗi ngày.
Còn theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) và Bệnh viện Massachusets (Boston, Mỹ) thì những người cai thuốc lá có thể giảm hơn 50% nguy cơ bệnh tim, đột quỵ hay tử vong do bệnh tim mạch. Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát của các chuyên gia về thói quen hút thuốc và sức khỏe tim mạch của hơn 3.000 người trong vòng 27 năm (từ 1984-2011).
Thuốc lá giảm 50% máu vào tim
Nói về tác hại của thuốc lá với bệnh tim mạch, TS.BS Nguyễn Hoàng Hà (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết: Khi hút một điếu thuốc lá, mạch máu vào tim sẽ co lại, lượng máu trong tim có thể giảm đi 50%. Trong suốt cuộc đời, thói quen hút thuốc lá sẽ làm mạch máu vào tim của bạn co đi giãn lại rất nhiều lần gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới tim.
Cũng bàn về tác hại của việc hút thuốc lá, PGS. TS Đoàn Quốc Hưng (Trưởng phòng Quản lý Đào tạo sau Đại học, ĐH Y Hà Nội) phân tích: Hút thuốc lá, thuốc lào là thói quen hàng nghìn năm nay, tác hại của nó cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh.
Theo đó, hút thuốc lá có tác hại đến nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó 2 bộ phận bị tác động nhiều nhất là hệ thống hô hấp và hệ thống tuần hoàn. Các nghiên cứu khoa học từ những năm 1950 đã chứng minh được rằng thuốc lá là tác nhân trực tiếp gây ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu của toàn bộ cơ thể. Cụ thể là mạch cảnh nuôi não, mạch vành nuôi tim và mạch đùi nuôi chi dưới.
Những người hút thuốc có nguy cơ bị hẹp mạch vành và nhồi máu cơ tim cao hơn gấp nhiều lần những người không hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá, thuốc lào ở Á Đông có nguy cơ bị bệnh mạch cảnh (mạch nuôi não) cao gấp nhiều lần.
Đặc biệt đối tượng là những người trẻ không có các dấu hiệu rối loạn chuyển hóa mỡ gây xơ vữa động mạch, thì việc hút thuốc lá của họ sẽ gây ra bệnh thiếu máu trầm trọng ở chi dưới, được gọi là hội chứng Buerger. Bệnh này xảy ra ở nam giới là chủ yếu, nếu họ hút thuốc lá nhiều về số lượng trong ngày, dài về thời gian sẽ bị bệnh rất nặng, bị cả hai bên. Cái nguy hiểm trong điều trị bệnh này là không có phương pháp điều trị hiệu quả, hội chứng Buerger không thể can thiệp bằng phẫu thuật.
Nếu như các bệnh lý tim mạch khác như bệnh lý mạch máu trong xơ vữa động mạch người ta còn có thể phẫu thuật, có thể long mạch… Nhưng đối với hội chứng Buerger thì việc can thiệp bằng phẫu thuật đều ít hiệu quả, và nó để lại hậu quả nặng nề. Hơn nữa nó lại xảy ra ở nam giới trẻ tuổi, là những người chủ lực trong gia đình, xã hội, khi đã bị bệnh là sẽ tàn phế cả đời.
Cơ chế ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đối với bệnh lý tim mạch: Khi hít khói thuốc lá vào trong cơ thể có những yếu tố: có thể gây ung thư, gây tắc mạnh, đặc biệt là chất gây hại như nicotin. Những chất độc trong thuốc lá sẽ khởi động men nằm ở trên thành tế bào, mạch máu khiến loại men này hoạt động, hoạt hóa làm cho các thành mạch dày lên, mạch hẹp lại dẫn đến tắc mạch, và hậu quả là máu ko đưa được đến các cơ quan trong cơ thể.
|
Hình ảnh cảnh báo tác hại thuốc lá của Cơ quan Sức khỏe Canada: "Khi bạn hút thuốc thì như thế này đây". |
Không phải hút nhiều mới ảnh hưởng
Một điểm đáng chú ý nữa trong việc hút thuốc lá đó là không phải cứ hút nhiều mới bị ảnh hưởng, nhiều khi hút ít cũng đã bị ảnh hưởng, đã kích thích và khởi động quá trình phát triển bệnh. Đặc biệt, những người hút thụ động cũng có tác hại không khác gì người hút thuốc chủ động, thậm chí còn gây hại hơn do họ không biết. Ví dụ những người hút thuốc lá trực tiếp thì khi hút họ hút qua đầu lọc, nhiều khi nó có thể làm giảm chất độc tác động vào cơ thể. Còn những người hút thuốc thụ động là những người ngồi bên cạnh không chủ động phòng tránh được.
Tác hại của thuốc lá với cơ thể phụ thuộc vào từng cá thể, xem độ nhạy cảm của cơ thể với chất độc hại đến đâu chứ không hoàn toàn phụ thuộc việc người đó hút nhiều hay ít, hút trong thời gian bao lâu, cũng không phụ thuộc vào lứa tuổi hay giới tính. Ví dụ có người nhạy cảm, dễ bị kích thích thì họ chỉ cần hút với số lượng ít, thời gian ngắn là họ đã bị ảnh hưởng, bị tim mạch, ung thư... Tuy nhiên, những người hút thuốc với số lượng nhiều và thời gian lâu dài thì yếu tố nguy cơ cao hơn.
Đối với thông tin một số nhà sản xuất thuốc lá đưa ra quảng cáo thuốc lá đã được lọc nicotine, theo bác sỹ Hưng thì quảng cáo chỉ là quảng cáo, bản thân bác sỹ cũng chưa được tiếp xúc với những nghiên cứu, đối chứng nào giữa những bệnh nhân hút thuốc lá có đầu lọc và những bệnh nhân hút thuốc lá không có đầu lọc xem những nguy cơ bệnh tim mạch giữa họ khác nhau như thế nào. Vì vậy, khó có được những thông tin chính xác. Tuy nhiên, dù người hút thuốc có đầu lọc (trong giả định có thể lọc được chất độc) thì họ cũng chỉ bảo vệ được bản thân họ thôi, còn đối với những người xung quanh thì không bảo vệ được.
ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN
L.H