|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời báo chí chiều 1/4. |
- Xin Phó Thủ tướng cho biết ông có phản ứng thế nào khi tiêm thử nghiệm vắc-xin NanoCovax và tình hình sức khỏe hiện nay ra sao?
- Sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Cơ thể cũng có phản ứng như các bác sĩ đã dự liệu. Trước khi tiêm, các bác sĩ đã nói rất rõ về những phản ứng có thể diễn ra. Thậm chí, mọi người được lấy ven tĩnh mạch để đề phòng có sốc phản vệ sau khi tiêm thì cấp cứu ngay. Nhưng theo tôi biết, tới nay, tất cả các tình nguyện viên không ai bị phản ứng tới mức phải cấp cứu như vậy.
Khi tiêm mũi vắc-xin NanoCovax thứ nhất, tôi chỉ bị phản ứng rất nhẹ, hầu như không đáng kể. Chỉ hơi váng đầu một chút. Không bị sốt. Khi tiêm mũi thứ hai, mức độ phản ứng rõ hơn. Tôi bị sốt nhẹ hơn 1 ngày. Đầu cũng cảm thấy vang váng rõ hơn, nhưng 2 ngày sau là hết.
- Ông có suy nghĩ hay đắn đo gì trước khi quyết định tham gia thử nghiệm vắc-xin?
- Suy nghĩ thì tất nhiên là có, còn đắn đo thì không. Từ đầu năm 2020, chúng tôi đã xác định là phải hết sức khẩn trương, quyết tâm thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước vì nước ta đông dân, không giàu có và phải tính tới tình huống dịch bệnh kéo dài, virus biến thể… Ngay khi đó, tôi đã xác định là một khi vắc-xin đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người là tôi sẽ xin tham gia.
Tới giữa tháng 12/2020, vắc-xin Nano Covax được thử nghiệm giai đoạn thứ nhất nhưng trong giai đoạn này chỉ các tình nguyện viên khỏe mạnh, dưới 50 tuổi được chấp nhận tham gia. Tôi không đáp ứng tiêu chí nên chỉ có thể tham gia từ giai đoạn thứ hai.
- Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì trong quá trình thử nghiệm và khi nào vắc-xin nội được tiêm chính thức?
- Vắc-xin vẫn đang được thử nghiệm. Kết quả thử nghiệm đến giờ phút này được báo cáo là tốt. Tôi được tiêm mũi thứ nhất vào cuối tháng 2, mũi thứ hai vào cuối tháng 3. Sau khi tiêm mũi thứ nhất, cơ thể tôi sinh kháng thể ở mức tốt. Tuy nhiên, tất cả đang trong quá trình thử nghiệm, vì thế, chúng ta không thể nói chắc chắn được là bao giờ Việt Nam có vắc-xin. Nhưng nếu các điều kiện thuận lợi thì cũng phải hết quý III, đầu quý IV mới có vắc-xin chính thức sản xuất được.
- Có ý kiến cho rằng việc tiêm thử nghiệm vắc-xin quá rủi ro về sức khỏe, vì thế lãnh đạo cấp cao không nên tham gia. Xin hỏi Phó Thủ tướng có suy nghĩ gì về ý kiến này?
- Mỗi người có đều suy nghĩ, đánh giá của mình. Tôi thì nghĩ đã là sức khỏe thì sức khỏe của ai cũng quý như nhau. Tôi là Phó Thủ tướng nhưng trước hết và mãi mãi là một người dân Việt Nam. Là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, tôi cần làm tất cả những gì có thể để chúng ta có thể có vắc-xin một cách sớm nhất.
Cảm ơn ông.
Nhiều bài học chống dịch từ Đà Nẵng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 1/4 đánh giá như vậy tại buổi làm việc về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đà Nẵng. “Ngoài 3 bệnh viện lớn của thành phố, Đà Nẵng chủ động xây dựng thêm 2 bệnh viện dã chiến để không bị động trong trường hợp số ca lây nhiễm quá đông. Nhiều bệnh nhân nặng Đà Nẵng tiếp nhận và điều trị thành công, phải kể đến bệnh nhân 1536. Riêng việc phong tỏa, Đà Nẵng làm rất nhanh, gọn, từng vùng một để giảm nguy cơ lớn về lây nhiễm”, ông nói. Bài học ở Đà Nẵng còn là bài học lớn mang tầm quốc gia, đó là bài học về sự kết nối, hội chẩn trực tuyến với các giáo sư, chuyên gia tại nhiều điểm cầu để được hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19, ông nhận định.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế trao bằng khen cho 3 tập thể và 10 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.
Theo Thái Hà/Tiền Phong