Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí diễn biến phức tạp hơn tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam. Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định cách ly F0 tại nhà là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
|
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế. Ảnh: Phạm Thắng.
|
Quyết sách chưa từng có tiền lệ
- Là người theo dõi rất sát diễn biến dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát đến nay. Theo đánh giá của ông, hiện tại, tình hình dịch ở Việt Nam như thế nào?
- Dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Biến chủng Delta lây lan nhanh. Dịch bắt đầu xảy ra tại các tỉnh miền Bắc, trong khu công nghiệp, những địa bàn phức tạp.
Tại TP.HCM, dịch âm thầm lan nhanh, được phát hiện muộn gây nên tình trạng lây lan rất cao và ảnh hưởng đến nhiều địa bàn. Ngoài ra, nhiều ca dương tính được phát hiện ở các tỉnh miền Trung, Nam bộ cũng bắt nguồn từ TP.HCM. Điều đó cho thấy dịch vẫn theo chiều hướng diễn biến phức tạp.
- Ngay từ đầu mùa dịch, nhiều nước đã lựa chọn phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mới được Bộ y tế ban hành. Điều đó có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trước kia, số lượng bệnh nhân ở nước ta ít. Vì vậy, việc chuyển toàn bộ F0 đến điều trị tại các cơ sở y tế không chỉ đảm bảo an toàn cho tính mạng người bệnh mà còn cách ly được nguồn lây ra khỏi cộng đồng.
Trong những giai đoạn đó, các nước châu Âu, Mỹ đã ghi nhân số lượng lớn bệnh nhân. Vì vậy, họ đã cách ly F0 có triệu chứng tại nhà từ đầu dịch.
Khi tình hình dịch có sự thay đổi, chiến lược điều trị cũng cần linh hoạt để đáp ứng phù hợp với thực tiễn. Điển hình là tại TP.HCM, số lượng bệnh nhân được công bố hàng ngày trong thời gian qua đã lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Nếu tiếp tục đưa tất cả bệnh nhân vào cơ sở y tế để điều trị, hệ thống y tế chắc chắn sẽ bị quá tải.
Vì vậy, theo tôi, Bộ Y tế ban hành quyết định trong thời điểm này là phù hợp, đúng đắn. Đây cũng là quyết sách chưa từng có tiền lệ trong chiến lược chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, chúng ta cần thực hiện tốt việc phân loại F0. Vấn đề này đã được Bộ Y tế xem xét và có hướng dẫn cụ thể. Đó là trường hợp dương tính Covid-19 chỉ được cách ly tại nhà khi kết quả xét nghiệm cho thấy tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây lan ra cộng đồng.
- Bộ Y tế từng chọn Bắc Giang, Bắc Ninh để thí điểm cách ly F1 tại nhà. Sau đó, bộ tiếp tục hướng dẫn TP.HCM thí điểm thực hiện vấn đề này và đã ra quy định trên phạm vi toàn quốc. Theo ông, điểm quan trọng để phương án này đem lại hiệu quả là gì?
- Trong thời điểm dịch lây lan nhanh, số lượng F0, F1 rất lớn. Điều đó khiến các khu cách ly tập trung bị quá tải, không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự quản lý. Hạn chế này dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.
Vì vậy, việc Bộ Y tế từng bước đưa ra khuyến cáo, quy định về việc cách ly F1 tại nhà là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, công nhân làm việc tại khu công nghiệp thường sống trong các dãy trọ chật hẹp, gần dân cư. Trong khi đó, TP.HCM là địa bàn dân cư đông đúc, một số khu vực nhà cửa không được đảm bảo để tránh lây nhiễm chéo.
Để biện pháp này đem lại hiệu quả hữu hiệu, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế và có trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình, cộng đồng. Gia đình có F1 được cách ly tại nhà và cán bộ giám sát cũng cần tuân thủ đúng quy định và nhiệm vụ của mình.
- Với những quyết sách mới và quyết liệt như vậy, chúng ta có thể hy vọng tình hình dịch ở TP.HCM sẽ sớm có nhiều tín hiệu khả quan?
- Hiện tại, diễn biến dịch ở TP.HCM có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần quyết liệt hơn trong các biện pháp dập dịch.
Đặc biệt, việc thực thi các biện pháp giãn cách cần được người dân chấp hành nghiêm túc và sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Chỉ cần lơ là, nới lỏng ở một vài khu vực tưởng chừng an toàn, dịch rất có thể bùng phát trở lại nhanh chóng.
Trong thời gian tới, sau khi tiếp tục xét nghiệm, số ca bệnh ở TP.HCM sẽ còn tăng cao. Thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 là 14 ngày, trường hợp đã nhiễm trước khi phong tỏa, xét nghiệm lại vẫn có thể dương tính.
Nhiều chuyên gia đều nhận định rằng với việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16, TP.HCM có thể có những tia hy vọng, dịch bệnh cũng sẽ giảm xuống dần. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh muốn làm được điều đó người dân cần hưởng ứng đồng lòng trong việc giãn cách, phong tỏa.
|
Số ca mắc cao dẫn đến tình trạng quá tải các khu điều trị F0. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Người dân cần đồng lòng chống dịch
- Nhiều tỉnh, thành ghi nhận ca mắc liên quan TP.HCM, theo ông, điều này có đáng lo ngại?
- Tình trạng này đáng lo ngại vì thành phố và các địa phương không áp dụng được biện pháp quyết liệt ngay từ đầu. Điều đó khiến các bệnh nhân vô tình làm lây lan dịch bệnh ra các tỉnh, thành phố khác.
Về vấn đề này, Bộ Y tế đã sử dụng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt khi yêu cầu tất cả địa phương phải cách ly tại nhà người trở về từ TP.HCM trong 14 ngày. Dù vậy, điều quan trọng nhất đó là người dân phải làm đúng, nếu không tuân theo các chính sách, không thể nào dẫn đến thành công.
- Trong tình hình số lượng bệnh nhân tăng cao, hệ thống điều trị gặp nhiều khó khăn, theo ông người dân cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình?
- Mọi người đều cần thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền, địa phương, Bộ Y tế.
Nếu thuộc diện được tiêm vaccine Covid-19, bạn cần xem đây là trách nhiệm không chỉ với bản thân mà còn là gia đình, cộng đồng và đất nước.
Đặc biệt, việc làm đơn giản và thiết thực nhất là mỗi người phải tự giác thực hiện các biện pháp 5K. Mỗi người dân thực hiện tốt 5K là giải pháp hiệu quả giúp cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
- Đối với cơ quan chức năng, đâu là biện pháp cần quyết liệt thực hiện trong thời gian tới?
- Chúng ta cần thay đổi chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để vừa nhanh chóng phát huy F0 nhưng cũng tránh lãng phí sinh phẩm, vật tư y tế và công sức của nhân viên.
Vấn đề thứ hai là chiến lược giãn cách phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp để đảm bảo việc thưc hiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng hiệu quả. Đây là biện pháp giúp hạn chế tăng ca nhiễm mới.
Cuối cùng là tổ chức tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn, đảm bảo giãn cách. Đây là biện pháp quan trọng nhất trong việc ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục bùng phát.
Từ 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 19.405 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đây là địa phương có số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cao nhất cả nước.
Thành phố quyết tâm tận dụng hiệu quả nhất "thời gian vàng" 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân.
Đồng thời, thành phố sẽ xử lý nghiêm những vi phạm về phòng, chống dịch để người dân tự giác, chủ động chấp hành quy định. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đề nghị người dân việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
Theo Trà My/ Zing