Những loại dưa chua, hành muối nào không nên ăn?

Google News

(Kiến Thức) - Dưa, hành, kiệu muối là những món quen thuộc với mọi gia đình. Tuy nhiên, để không mắc bệnh ung thư vì những món này, bạn nên lưu ý một vài dấu hiệu.

Theo y học cổ truyền, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Củ kiệu giã dập vắt lấy nước uống hoặc đắp ngoài có tác dụng giảm đau, làm ấm bụng, chữa viêm mũi mãn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, chữa phỏng nhẹ (không bị tuột da), chữa đau bụng, tức ngực khó thở, sản phụ bị kiết lỵ, bổ khí, điều hòa nội tạng, tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh, phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng và hỗ trợ điều trị ung thư (phổi, dạ dày, tuyến vú).

Các loại dưa như hành củ, kiệu muối,… có vị chua ngọt rất dễ ăn. Nó có tác dụng giảm ngấy, kích thích vị giác ngon miệng hơn khi ăn những món ăn béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng… Chất xơ trong dưa món, củ kiệu còn có khả năng chống béo phì, cải thiện sự bài tiết cholesterol.

Tuy nhiên, dưa hành, củ kiệu nếu không biết sử dụng đúng cách, đúng đối tượng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh cho sức khỏe bạn.

 Không nên ăn nhiều dưa hành, kiệu muối không tốt cho sức khỏe.

Các chuyên gia về phòng chống bệnh ung thư khuyến cáo, mỗi người nên hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm ướp muối và hun khói như thịt, cá hun khói, hoặc các loại rau củ ủ chua, ngâm giấm như các loại dưa chua, hành muối.

Các loại thức ăn muối mặn như: Dưa chua, cà pháo, củ kiệu… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin. Song, ở những người ăn thường xuyên các thực phẩm đó thì mới có nguy cơ ung thư cao còn nếu biết cách ăn uống, ăn vừa phải và ăn kèm với các thực phẩm chống ung thư như: Rau xanh, hoa quả tươi thì không có gì đáng ngại.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết: “Cần lưu ý khi hành muối, kiệu muối để quá lâu bị nổi váng hoặc mốc đen thì tuyệt đối không nên dùng. Những vi nấm trong các loại thực phẩm bị mốc đó có một số loại nấm gây hại như aspergilus flavor. Vi nấm này sản sinh ra một loại độc tố là aflatocin.

Theo các tài liệu nước ngoài thì về lâu dài aflatocin có thể gây bệnh ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác. Độc tố này cũng có trong các loại hạt mốc như lạc, đỗ, hướng dương và bánh mỳ mốc”.

Vì thế, đối với hành củ, kiệu bị mốc nổi váng trắng thì có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm rửa sạch để ăn. Còn khi đã bị mốc nổi váng đen thì tốt nhất không nên ăn.

Đối với những trường hợp hay bị nóng trong người thì không nên ăn quá nhiều củ kiệu, bởi có thể gây hư tổn khí huyết và nóng gan.

Những trường hợp bị viêm loét dạ dày hoặc mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên thử món dưa hành (hoặc các loại dưa muối khác). Bản chất của dưa hành là chứa nhiều chất chua, khiến dạ dày tiết dịch vị nhiều hơn và làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Mặc dù, dưa hành, kiệu muối là loại thực phẩm ưa thích của nhiều gia đình trong dịp tết. Tuy nhiên, trong dưa hành, kiệu muối chứa muối nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thùy