Nhập viện vì viêm tụy cấp do uống nhiều rượu

Google News

Nhiều người sau khi uống rượu đã phải nhập viện cấp cứu vì viêm tụy cấp. Đặc biệt, bệnh dễ tái phát và gây nhiều biến chứng nguy hiểm...

- Nhiều người sau khi uống rượu đã phải nhập viện cấp cứu vì viêm tụy cấp. Đặc biệt, bệnh dễ tái phát và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp hoại tử, suy hô hấp,  suy gan thận, trụy tim mạch... với tỷ lệ tử vong 50%.

Bệnh nhân viêm tụy cấp đang được điều trị tại Bệnh viện 354.
Bệnh nhân viêm tụy cấp đang được điều trị tại Bệnh viện 354.
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354 cho biết, viêm tụy cấp là bệnh lý cấp tính trong ổ bụng thường gặp. Trước đây, bệnh gặp chủ yếu là do sỏi mật hoặc do giun chui ống mật hay kết hợp cả hai (nữ nhiều hơn nam), nhưng hiện nay gặp chủ yếu ở nam, tuổi từ 30 - 50 mà nguyên nhân là do uống rượu. Khoa đã từng phải cấp cứu 4 lần/năm cho bệnh nhân Phạm Văn T. (37 tuổi) là bộ đội chỉ vì bệnh nhân tiếp tục uống rượu và bệnh tái phát liên tục. Anh T. có nguy cơ bị đái tháo đường do tụy tổn thương nhiều lần.

Giải thích nguyên nhân rượu dẫn tới viêm tụy, BSCK II Vũ Đức Chung cho hay, uống nhiều bia, rượu, có thể gây hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy, đưa đến tắc nghẽn, cuối cùng gây ra viêm tụy cấp. Ở người nghiện rượu dễ gây viêm tụy mạn. Một đợt viêm tụy cấp cũng có thể xảy ra sau 1 lần uống nhiều rượu hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn. Điều đáng nói, bệnh thường xảy ra sau ăn uống nên nhiều người nghĩ bị ngộ độc thực phẩm và cơn đau bụng thường bị chẩn đoán nhầm là xuất huyết tiêu hóa hoặc viêm ruột thừa nên đôi khi "mổ nhầm".

Viêm tụy chia làm hai thể gồm viêm tụy thể nhẹ (phù tụy cấp) và viêm tụy cấp thể nặng (hoại tử tụy). Nguyên nhân thường gặp do sỏi mật, giun chui ống mật, rượu, rối loạn vận động cơ tròn oddi... Các nguyên nhân này làm hoạt hóa men của tụy tiết ra (men trypsin), men này hoạt hóa trong tụy làm tiêu hủy tụy tạng, gây viêm tụy cấp. Bệnh nhẹ, cấp cứu kịp thời, điều trị nội khoa có kết quả tốt. Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy gan thận, loét dạ dày tá tràng... điều trị rất khó khăn.

Đặc biệt, nếu viêm tụy nặng có nguy cơ hoại tử hoặc chảy máu trong tụy. Bệnh nhân có thể bị sốc biểu hiện như khó thở, vã mồ hôi, da xanh tái, đái ít, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, rối loạn thần kinh tâm thần, xuất huyết tiêu hóa... có khi phải phẫu thuật và nguy cơ tử vong rất cao (10 - 50%).
 
Thúy Nga
 
[links()]