Người chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa “tiếp sức” cho chị Nguyệt

Google News

(Kiến Thức) - Là người chống tiêu cực không mệt mỏi trong ngành giáo dục và cũng chịu không ít thiệt thòi, thầy giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ sự cảm phục và gửi lời động viên tới chị Hoàng Thị Nguyệt thông qua Kiến Thức.

Liên quan đến vụ việc chị Hoàng Thị Nguyệt tố cáo việc “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, và đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, như bị nhắn tin hù dọa, bị tố cáo “ngược” … báo điện tử Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Người đương thời, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng nổi tiếng vì dũng cảm đứng lên tố cáo những tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục từ năm 2006 đến nay và cũng gặp không ít khó khăn trong công việc và cuộc sống sau khi tố cáo.
- Thầy có nhận xét gì về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức gây rúng động dư luận thời gian qua?
- Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: Trước hết, về vấn đề này, tôi chỉ dám nhận định dưới phương diện là một người dân, khi biết sự việc, vì tôi không phải là bác sĩ nên không có nhận xét về chuyên môn. Về vụ việc trên, theo tôi đây là vụ việc cực kỳ nguy hiểm, vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, vì xảy một li, đi cả mạng người. Tôi cho rằng những người dám “nhân bản” kết quả xét nghiệm là quá liều lĩnh và coi thường tính mạng người bệnh. Những thành phần như vậy phải loại ra khỏi ngành y ngay lập tức.
 Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, nơi xét nghiệm nhân bản bị chị Hoàng Thị Nguyệt tố cáo
- Việc tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt về những sai phạm của ngành y có những tương đồng với hành động tố cáo những tiêu cực của thầy đối với ngành giáo dục trước đây, thầy có ý kiến như thế nào?
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Hai việc này giống nhau quá đi chứ! Vì sự việc tôi tố cáo tiêu cực, gian lận trong giáo dục là sao chép từ phao thi vào bài thi …, còn sự việc chị Nguyệt tố cáo trong ngành y cũng là sao chép, sao chép kết quả xét nghiệm của người này sang người khác (cười). 
Nhưng về bản chất thì lại khác nhau hoàn toàn, việc việc sao chép trong giáo dục chỉ là lấy điểm thi, và nói về mức độ ảnh hưởng thì nó sẽ kéo dài đối với học sinh, vì cứ như vậy học sinh sẽ không có kiến thức. Còn đối với ngành y thì họ sao chép để lấy tiền bảo hiểm, và hậu quả là ngay trước mắt, có thể là chết người, có thể là lây bệnh …
- Thầy có đánh giá như thế nào về hành động dũng cảm, kiên trì của chị Nguyệt khi phải mất rất nhiều thời gian để thu thập tài liệu, chứng cứ tố cáo những sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức?
“Mình đã đấu tranh với sự thật rồi thì hãy tiếp tục đấu tranh, nhân dân cả nước đang theo dõi và cảm ơn chị. Vẫn biết, ở xã hội này còn nhiều cái xấu, nhiều cái bất cập những mong chị hãy vững tin. Rất mong chị hãy vững vàng vượt qua mọi thử thách trong thời gian tới” (thầy giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa).

 

- Thầy Đỗ Việt Khoa:
Phải nói hành động dũng cảm của chị Nguyệt khiến không chỉ tôi, nhân dân Hoài Đức, mà nhân dân cả nước phải khâm phục. Phải nói là chị ấy dũng cảm hơn tôi (cười). Vì, chị ấy dám đứng lên tố cáo những sai phạm ngay chính nơi mình làm việc, tố cáo những sai phạm và đối đầu với chính lãnh đạo của mình. Điều đó không phải ai cũng làm được.
- Mới đây, chị Nguyệt đã được Sở Y tế Hà Nội tặng giấy khen về hành động dũng cám của mình, theo thầy sự khen thưởng đó đã kịp thời và hợp lý chưa?
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Tôi nghĩ lãnh đạo thành phố có hình thức khen thưởng đối với chị Nguyệt là xứng đáng lắm. Nhưng giá như khen thưởng sớm hơn thì tốt vì sự việc đã rõ rành rành rồi. Về cấp độ khen thưởng theo tôi, Sở Y tế Hà Nội cũng nên đề xuất Bộ Y tế khen thưởng cho chị Nguyệt.
- Nhiều ý kiến cho rằng, với chị Nguyệt, người có công lớn trong việc phanh phui những tiêu cực ở một bệnh viện tuyến huyện mà chỉ nhận được giấy khen và 320.000 đồng là chưa xứng đáng. Thầy có nhận định như thế nào về ý kiến này?
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Theo tôi, khen thưởng là một hình thức khích lệ tinh thần là chính, mọi người không nên nhìn vào vật chất. Cái quan trọng là lãnh đạo, người dân ghi nhận những đóng góp trong việc vạch trần những sai phạm ở BV ĐK Hòa Đức của chị Nguyệt là chị ấy hạnh phúc lắm rồi. Trước đây, tôi cũng chỉ nhận được giấy khen của Bộ GD & ĐT, cùng 300.000 đồng cũng có sao đâu.
Người đương thời Đỗ Việt Khoa, người đã dũng cảm tố cáo những sai phạm trong thi cử của ngành giáo dục năm 2006 
- Gần đây, tại BV ĐK Hoài Đức, có khoảng 40 người ký vào đơn tố cáo ngược đối với chị Hoàng Thị Nguyệt, thầy đánh giá sao về hành động này?
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Theo tôi, những cán bộ, bác sĩ ký tên vào đơn tố cáo “ngược”, lãnh đạo Sở cũng phải xem xét lại. Có thể họ chưa ý thức được và nghe theo lời xúi giục, nhưng hành động đó là không thể chấp nhận được. Cũng may họ đã rút đơn và có lời xin lỗi chị Nguyệt.
- Hiện tại, chị Nguyệt đang phải chịu nhiều áp lực. Là một người đã từng trải qua trường hợp tương tự và cũng là người dũng cảm trong đấu tranh chống lại tiêu cực, thầy có những kinh nghiệm và lời khuyên gì đối với chị Nguyệt cũng như những người tố cáo bệnh viện Hoài Đức?
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Có lẽ ai tố cáo xong cũng sẽ có người ghét, mà người ghét đầu tiên là những người bị tố cáo, nên việc gặp phải những khó khăn là không thể tránh khỏi. Tôi cũng đã từng như vậy, nên tôi rất hiểu tâm trạng của chị Nguyệt hiện nay. Nhưng có điểm khác là tôi là nam giới, nên có thể sức chịu đựng của tôi sẽ tốt hơn. Nhưng tôi đặt lòng tin rất lớn ở chị Nguyệt, và tôi cũng tin chắc rằng chị Nguyệt sẽ vượt qua những khó khăn để đấu tranh bảo vệ cái xấu đến cùng.
Điều quan trọng giờ đây là những người thân của chị phải luôn luôn ủng hộ và động viên chị, đồng nghiệp, cộng đồng phải bảo vệ chị vì không ai biết ngày mai chuyện gì sẽ sảy ra. Không chỉ có vậy, cơ quan chức năng cũng cần phải có phương án bảo vệ chị. Đặc biệt, nếu trường hợp vì áp lực quá mà phải nghỉ việc hoặc không có việc làm, thì rất mong các cơ sở y tế hãy giúp đỡ.
Cuối cùng tôi xin gửi lời này tới cá nhân chị Nguyệt: “Mình đã đấu tranh với sự thật rồi thì hãy tiếp tục đấu tranh, nhân dân cả nước đang theo dõi và cảm ơn chị. Vẫn biết, ở xã hội này còn nhiều cái xấu, nhiều cái bất cập những mong chị hãy vững tin, trong xã hội có 3 loại thầy: thầy giáo, thầy thuốc và thầy cúng, tôi và chị đã đấu tranh với 2 loại thầy rồi đấy. Rất mong chị hãy vững vàng vượt qua mọi thử thách trong thời gian tới”.
- Xin cảm ơn thầy.
Lê Phương