Trước thông tin hạt hướng dương Trung Quốc có chất gây teo não, dư luận được một phen “hú vía”, vì đại đa số ai cũng thích cắn loại hạt này. Sau khi cơ quan chức năng (Cục An toàn thực phẩm) công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu hướng dương cho thấy, tất cả những mẫu hướng dương được kiểm tra đều không có loại hóa chất là phèn nhôm và bột talc gây teo não như ở Trung Quốc, thì những tín đồ của hạt hướng dương có vẻ thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, việc không phát hiện ra các hóa chất gây teo não trong hướng dương như ở Trung Quốc, thì không có nghĩa là toàn bộ hướng dương trên thị trường Việt Nam đều an toàn. Theo kết quả kiểm tra được Cục An toàn thực phẩm công bố thì trong các mẫu hướng dương được kiểm tra vẫn có mẫu nhiễm nhôm tổng hợp. Tuy nhiên, lượng nhiễm này ở một hàm lượng thấp.
Trong quá trình sử dụng hạt hướng dương các “tín đồ” cũng phải hết sức lưu ý, dù hạt hướng dương không nhiễm các loại hóa chất trên những vẫn có thể gây ra những tác hại cho cơ thể, nếu không sử dụng đúng cách và khoa học.
Theo Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Huyền Nga, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng an thần, chữa tinh thần uất ức, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau đầu do suy nhược, đi lỵ ra máu, sởi không mọc được…
Tuy nhiên bác sĩ Nga khuyến cáo, nếu sử dụng nhiều hoặc không đúng khoa học thì hạt hướng dương vẫn có thể gây ra những tác hại cho người sử dụng, nhất là những loại hướng dương đã được tẩm ướp các loại gia vị. Nếu ăn các loại hướng dương tẩm ướp các loại gia vị, dù không nhiễm các loại hóa chất độc hại gây teo não như trên nhưng sẽ gây ra hiện tượng chướng bụng đầy hơi, lâu sẽ gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
|
Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Huyền Nga, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội.
|
Ngoài ra, khi sử dụng hạt hướng dương nhiều còn mắc các bệnh về răng miệng và họng. Đặc biệt là chúng có thể phá huỷ men răng và tạo thành cao răng. Ngoài ra, trong cấu tạo của hạt hướng dương thường có ba lớp đó là lớp vỏ cứng, lớp vở lụa (màng) và lớp hạt. Tuy nhiên, khi ăn đa số mọi người chỉ bóc lớp vỏ ngoài mà vẫn sử dụng cả lớp vỏ lụa, đó là nguyên nhân tại sao sau khi ăn hướng dương thường gây ra hiện tượng mất tiếng, khàn giọng.
Trong hạt hướng dương cũng như các loại hạt khác như: hạt điều, hạt dưa, hạt bí … đều có chất gây dị ứng da. Bởi vậy khi ăn, những người có cơ địa hay bị dị ứng thì nên tránh xa những loại hạt như hướng dương.
Ngoài những nghiên cứu mà bác sĩ Nga thông tin thì trên thế giới cũng đã có nhiều công bố về tác hại của hạt hướng dương, kể cả khi không sử dụng hóa chất. Tờ Rian của Nga đưa tin: “Loại hạt mà nhiều người ăn, nhất là các cô gái thích ăn vặt, che giấu nhiều sự nguy hại đối với sức khoẻ của chúng ta. Trước hết, do chứa chất béo với hàm lượng khá lớn, hạt hướng dương cung cấp một lượng calo đáng kể. 100 gam hạt hướng dương chứa 500 kilocalo, tương đương một bánh sôcôla. Do vậy, chúng chống lại ý định ép cân, giảm trọng lượng của những người béo phì, đang áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm béo.
Trong quá trình sinh trưởng, hạt hướng dương thu nhận từ đất tất cả các nguyên tố vi lượng có trong đó, trong số này có nguyên tố cadmi có hại cho sức khoẻ với hàm lượng cao. Nếu nhấm nháp hạt hướng dương đã trở thành một thói quen thì có thể dẫn đến sự phá huỷ hoạt động của hệ thần kinh và thận mà thủ phạm chính là nguyên tố cadmi”.
Không những thế, hạt hướng dương chứa nhiều protein và các thành phần ức chế tinh hoàn, có thể gây teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản bình thường của nam và nữ.
Hy vọng những nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ là lời cảnh báo đối với các tín đồ đang nghiện món hướng dương này.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Lê Phương