- Sau khoảng 3 tuần điều trị, bệnh nhân N.Đ.T. (31 tuổi, ngụ tại xã Ae Ril, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị nhiễm cúm A/H5N1 đã hồi phục tích cực. Dự kiến, sáng 24/3 bệnh nhân sẽ được xuất viện - BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết.
Bệnh nhân N.Đ.T. nhập viện tối 5/3 trong tình trạng rất nặng: suy hô hấp, sốt cao liên tục, mệt mỏi, đau họng, nặng ngực, khó thở và tổn thương gần hết hai lá phổi. Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, T. dương tính với cúm A/H5N1.... Bệnh nhân ngay lập tức phải được thở máy và điều trị cách ly. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. bệnh nhân được hồi sức tích cực và điều trị bằng Tamiflu.
Bệnh nhân T. cho biết, trước đó bệnh nhân có làm và ăn thịt gà đã chết. 10 ngày sau, T. bị sốt, đau họng. Sau khi phát bệnh, T. tới điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk nhưng không hiệu quả.
|
Bệnh nhân N.Đ.T tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM chiều 23/3 |
BS Thanh Trường cho biết thêm, bệnh cúm A/H5N1 là bệnh không xảy ra nhiều nhưng rất nguy hiểm, tỷ lệ vong cao. Điều trị bệnh càng muộn khả năng bị biến chứng nặng và có thể dẫn tới tử vong.
Người dân không được chủ quan với bệnh này; không nên tiếp xúc gia cầm bị bệnh và khi nhà có gia cầm bị bệnh báo cho Trung tâm Y tế dự phòng địa phương xử lý. Người dân tại những nơi có dịch cúm gia cầm bị sốt cao, đau họng cần được đi khám tại các cơ sở y tế.
Tính từ đầu năm 2012, đây là trường hợp thứ hai bị cúm A/H5N1 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và được cứu sống. Đến nay, cả nước có bốn trường mắc cúm A/H5N1, trong đó có hai ca tại Kiên Giang và Sóc Trăng đã tử vong.
Bùi Hương
[links()]