Bệnh cổ xưa phát triển do muỗi
Theo kết quả điều tra của TS Phạm Thị Khoa, Trưởng phòng hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, mật độ ba loài muỗi như muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti, muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản Culex tritaenyorhynchus và muỗi truyền sốt rét Anopheles minimus tại một số địa phương như nội thành và Xuân Mai ở Hà Nội, Ninh Bình đều có mật độ cao vào các mùa từ tháng 3 - 10 hằng năm. Đặc biệt, tỷ lệ muỗi truyền viêm não Nhật Bản tại các địa phương rất cao như ở Từ Liêm, Hà Nội trung bình 127,5 con/giờ/người; Khánh Thành, Yên Khánh, Ninh Bình mật độ lên tới 305,5 con/giờ/người.
Cũng qua kết quả điều tra trong 2 năm gần đây, TS Phạm Thị Khoa chỉ rõ, muỗi truyền sốt xuất huyết thu thập từ quận Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Từ Liêm (Hà Nội) đã kháng với 3 loại hoá chất đang được người dân ưa dùng như permethrin 0,75%, lambda-cyhalothrin 0,05%, deltamethrin 0,05% và alphacypermethrin 30mg/m2. Tương tự, loài muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản Culex tritaenyorhynchus biểu hiện kháng cao với 4 loại thuốc diệt đang sử dụng.
Còn loài muỗi truyền sốt rét Anopheles minimus ở Văn Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình còn nhạy cảm với các hoá chất hiện đang sử dụng cho phòng chống sốt rét. Các khu vực lân cận như thôn Khời, xã Phú Cường, Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình muỗi đã tăng sức chịu đựng với hoá chất trên một cách rõ rệt.
Theo TS Phạm Thị Khoa, côn trùng nói chung và muỗi phát triển tính kháng hoá chất là một vấn đề nan giải của khoa học phòng chống dịch bệnh. Nguy hiểm hơn, quá trình chọn lọc tự nhiên của các loài đã diễn ra một cách nhanh chóng. Các cá thể có đột biến kháng hóa chất được tự nhiên chọn lọc và bảo tồn tạo ra những chủng trơ với hóa chất diệt. Nguy cơ bùng dịch luôn hiện hữu, cùng với đó một số bệnh từ cổ xưa nay có thể quay trở lại như bệnh chikungunia, viêm não Nhật Bản. Loài muỗi truyền giun chỉ Culex quinquefasciatus sống vùng nước ô nhiễm ao tù, cống rãnh, sông hồ, nước thải cũng được liệt vào danh sách loài muỗi đa kháng thuốc ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
|
Chú ý ra khỏi phòng khi sử dụng hương trừ muỗi. |
Phòng dịch ngay từ ra Tết
TS Phạm Thị Khoa phân tích thêm, nguyên nhân gây nên muỗi kháng thuốc do áp lực thuốc: Trên thực tế, khi dùng nhiều một loại thuốc diệt trong một thời gian dài cho một khu vực rộng lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng biến dị, sự kháng thuốc tự nhiên dần dần được nhân lên, thay thế những chủng loại nhạy cảm thuốc bị tiêu diệt dần; hiện tượng này còn gọi là quá trình sàng lọc của áp lực thuốc. Gen kháng thuốc của các loài côn trùng di truyền cho thế hệ con cháu. Chính vì kháng thuốc nên tỷ lệ người dân bị viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết có xu hướng tăng, trong đó không loại trừ trẻ em hay người lớn.
Để hạn chế muỗi truyền bệnh, các gia đình cần phòng dịch ngay từ ra Tết, tức các tháng 2, 3 là thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh do mật độ muỗi lên cao là tháng 4, 5, 9, 10, 11. Yếu tố quan trọng nhất để hạn chế muỗi chính là quản lý những ổ nước đọng, phân, rác thải... có ruồi muỗi đậu vào đẻ trứng và phát triển loăng quăng. Các gia đình nên khơi thông dòng chảy, rắc vôi bột vào những nơi ô nhiễm này. Ngoài ra, tùy vào mật độ muỗi trong khu vực thấy tăng dần cần có các biện pháp tổng hợp để tiêu diệt như đốt hương muỗi, dùng vợt điện, nằm màn. Chỉ sử dụng hóa chất dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia côn trùng học và khi thật sự cần thiết.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hương muỗi đang được bán rộng rãi có thể xua và diệt các loài muỗi kháng thuốc. Người dân nên lựa chọn loại hương có ghi nơi sản xuất rõ ràng, hoạt chất từ công ty hóa chất nổi tiếng như Nhật Bản, Mỹ. Hương ít khói, khi đốt hương đi ra ngoài, bật quạt để hương lan tỏa nhanh diệt tất cả con muỗi đậu vào xó xỉnh trong nhà. Sau 1 giờ vào nhà hương đã tắt, quét dọn di chết con muỗi còn sống nằm dưới sàn nhà. Hương có thể bảo vệ bạn trong 1 - 2 ngày không có muỗi trong nhà. Tuyệt đối không đốt hương trong khi ngủ, đặc biệt trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh kinh niên. |
Thu Hiền