Ở tuổi 17, Sonali Mukherjee dường như có mọi thứ trong tầm tay: trẻ, xinh đẹp, thông minh, học hành xuất sắc và đầy tham vọng.
|
Sonali xinh tươi, tự tin trước ngày định mệnh. |
Cô là Chủ tịch của Hội sinh viên, đội trưởng Đội thiếu sinh quân quốc gia và là một sinh viên triển vọng cho bằng tiến sĩ xã hội học, dù hoàn cảnh gia đình khiêm tốn. Cha Sonali từng là nhân viên an ninh ở bang Jharkhand phía Đông Ấn Độ và mẹ cô là nội trợ.
"Tôi đã thấy cha mẹ mình đấu tranh để có được những thứ tối thiểu nhất, vì vậy tôi đã cố gắng đạt được một cái gì đó lớn lao hơn để có thể chu cấp cho gia đình tôi một cuộc sống tốt hơn", Sonali nói.
Tuy nhiên, cuộc sống Mukherjee đã thay đổi lớn sau khi 3 nam sinh viên trong trường đại học bắt đầu quấy rối cô. Vì không đáp ứng đòi hỏi của chúng, ba kẻ này đã đe dọa hủy diệt cô.
Lúc đầu, Sonali không cảm thấy nguy hiểm. Trong suốt thời gian ở đội thiếu sinh quân - một tổ chức huấn luyện quân sự cho sinh viên các trường học và cao đẳng ở Ấn Độ, Sonali đã giành được nhiều giải cho các kỹ năng bắn súng.
Vào một ngày mùa hè nóng nực, khi Sonali ngủ say trên mái nhà của mình, 3 người đàn ông đã ném một bình axit vào cô gái trẻ. Trong vài giây đầu tiên, cô đã bị sốc và không biết những gì đã xảy ra.
"Tất cả những gì tôi có thể cảm nhận được là liên tiếp những cơn đau khủng khiếp, như đang thiêu đốt, như ai đó đã ném tôi vào lửa", Sonali kể lại trên kênh truyền hình CNN 10 năm sau vụ tấn công (xảy ra năm 2003).
Chỉ trong tích tắc, axit đã làm tan chảy khuôn mặt và một phần trên ngực cô, Sonali bị mất khả năng nhìn, nghe, ăn, đi bộ và nói chuyện.
Giờ đây, cô gái Sonali Mukherjee 27 tuổi nói rằng, cô trông và cảm thấy giống như một xác chết.
|
Ảnh trước và sau khi Sonali bị tạt a xít. Trong phóng sự về Sonali, CNN đã phải bắt đầu bằng cảnh báo: "Những hình ảnh trong phóng sự có thể làm người xem rúng động".
|
"Sự cố đó đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống của tôi. Có cảm giác như ánh sáng đã biến đi một cách đột ngột và bóng tối đã bao vây tôi mọi phía. Tôi không còn hy vọng, không biết phải làm gì", cô tâm sự.
Ngay sau biến cố đó, người ông đau khổ của Sonali đã qua đời và mẹ cô rơi vào trầm cảm, chỉ có cha cô vẫn kiên cường.
Cha Sonali nhớ lại: "Tôi không thể kể tôi đã đau khổ bao nhiêu khi nhìn thấy con gái của tôi trong tình cảnh thái này, nhưng là trụ cột của gia đình, tôi không thể gục ngã". Và với ý chí và quyết tâm phi thường, người cha và con gái tiếp tục đấu tranh vì công lý và sự hồi phục.
"Tôi quyết định rằng tôi không muốn chết hoặc sống như thế này. Tôi quyết định tôi không thể từ bỏ, tôi phải làm tốt hơn, tôi phải trừng phạt những gã đàn ông đó và tôi phải hỗ trợ gia đình của tôi. Tôi nắm tay cha và từng bước trở lại cuộc sống", Sonali nói.
Cha Sonali đã bán đất tổ tiên của gia đình, vàng và dành từng đồng xu tiết kiệm để điều trị cho con gái. Hiện Sonali đã trải qua lần phẫu thuật tái tạo thứ 27.
Năm 2012, Sonali Mukherjee quyết định tham gia game show nổi tiếng: "Ai là triệu phú" phiên bản Ấn Độ.
Cô cho biết, cô tham gia vì cần tiền và muốn cả thế giới biết hoàn cảnh của cô như một nạn nhân của vụ tấn công axit kinh hoàng.
Cô nói với MC game show này, Amitabh Bachchan, một siêu sao màn ảnh lớn của Ấn Độ: "Tôi xem phim của anh và bây giờ tuy tôi không thể nhìn thấy nhưng tôi có thể cảm thấy anh".
Cô đã giành giải độc đắc trị giá 40.000 USD (hơn 800 triệu VNĐ). Với số tiền này, cô đã đến New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, để tiếp tục điều trị.
|
Sonali tại chương trình "Ai là triệu phú", phiên bản Ấn Độ - nơi bằng trí thông minh xuất sắc của mình, cô đã giành phần thưởng cao nhất. |
Bác sĩ Sanjeev Bagai, Bệnh viện BLK nhớ lại: "Khi cô ấy đến với chúng tôi, 98% cơ thể bị bỏng. Cô không có tai, không có mắt, không có mí mắt, không mũi, không có môi, không da đầu và không có ngực".
Bagai và nhóm y bác sĩ đã cố gắng tái tạo môi, mí mắt, mũi cho Sonali, nhưng thách thức hiện nay là tạo cho cô "một kiểu khuôn mặt bình thường, gần với vẻ ngoài một con người bình thường", ông nói.
Trong khi đó, những kẻ hủy hoại gần như mạng sống của Sonali được phóng thích chỉ sau 2 năm tù giam.
Sonali Mukherjee đã kháng cáo quyết định của tòa án nhưng nhiều năm đã qua, cô vẫn chưa có được lịch hẹn của tòa.
"Cha tôi đã dành từng đồng xu, hy vọng tôi sẽ có được công lý. Nhưng cuối cùng chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ, trong khi những tên tội phạm đã thoát khỏi đó", Sonali nói.
Ấn Độ vừa thông qua một luật mới hồi tháng Tư vừa qua, quyết định thủ phạm của các vụ tạt axit sẽ bị phạt 10 năm tù kèm phạt tiền.
Năm 2012, một người phụ nữ ở Afghanistan đã bị tạt a xít sau cô này từ chối kết hôn.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
H.M (theo CNN)