Mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố kết quả kiểm tra các mẫu gà nhập lậu trên thị trường và phát hiện 5 mẫu gà có tồn dư lượng kháng sinh độc hại bị cầm sử dụng từ lâu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, có tên chloramphenicol.
Thông tin này đã gây tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, vì hiện nay gà ngoài thị trường rất khó phân biệt đâu là gà trong nước đâu là gà nhập lậu, thải loại.
Đã vặt lông, gà ta cũng như gà loại
Theo quan sát của PV tại một số chợ ở khu vực Hà Nội, số lượng gà làm sẵn bán ngoài thị trường là rất lớn và rất khó để phân biệt đâu là gà ta, đâu là gà nhập lậu. Vì khi bán ra thị trường, đại đa số gà đã được bỏ phần cổ cánh và chân. Thậm chí ngay cả một số chủ sạp gà cũng không biết đó là gà công nghiệp nuôi thịt hay gà đẻ đã thải loại ra ngoài thị trường.
Chủ một sạp bán gà tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: “ Chúng tôi nhập gà theo ô tô từ 4 giờ sáng, tất cả gà được bảo quản trong thùng xốp, khi dỡ gà ra bán và giao chúng tôi chỉ quản lý theo số lượng và khối lượng, còn đâu là gà công nghiệp nuôi thịt, đâu là gà đẻ trứng thải loại thì chúng tôi cũng chịu, vì khi đã vặt lông rồi gà ta cũng giống như gà loại vậy, rất khó phân biệt”.
|
Tại các chợ đầu mối các "đậu nậu" thường nhập gà đóng sẵn trong thùng xốp. |
Khi gà đã được chia nhỏ ra thị trường thì càng khó để nhận biết hơn, chị Thu, chủ sạp bán lẻ gà ở Chợ tạm Ngã Tư Sở cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận nguyên mình gà cho dễ bán chứ không nhận đầu, nhận chân vì như thế rất mất đầu cân, mà bộ phận đó rất khó bán. Nếu ai muốn ăn gà chuẩn thì tốt nhất nên mua gà còn lông về tự thịt là tốt nhất”.
Người bán đã vậy, người mua lại càng mù mờ hơn. Người đi mua chủ yếu chọn gà theo kinh nghiệm, cẩn thận hơn thì mua gà còn sống và thuê người làm.
Chị Lựu, khách mua gà ở chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: “Khi mua gà tôi thường chọn gà nhỏ, nhìn thân gà gầy chứ không chọn gà béo, da căng. Hy vọng như vậy sẽ chọn được gà ta”. Tuy nhiên, với giá chỉ 50.000 đến 55.000 đồng/1 kg gà đã mổ sẵn thì theo các chuyên gia, cách chọn như chị Lựu lại càng nguy hiểm.
Đối với những loại gà giá rẻ, nhỏ con thì nguy cơ rất lớn là gà thải loại, tồn dư thuốc kháng sinh. Vì gà đẻ trứng khi đã già thường không béo, đặc biệt khi gà “ngậm” càng nhiều kháng sinh thì không thể nhiều mỡ vàng như gà nuôi công nghiệp để thịt.
Gà thải loại không chỉ nhiễm kháng sinh
Theo các chuyên gia về thú y, việc tiêm kháng sinh chống dịch bệnh cho gia cầm là việc nên làm, tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh quá nhiều sẽ gây ra hiện tượng tồn dư trong cơ thể gia cầm và người tiêu dùng khi sử dụng sẽ gây nên những tác hại khôn lường cho sức khỏe.
Theo quy định khi tiêm kháng sinh vào gia cầm thời gian ít nhất để có thể sử dụng là 28 ngày kể từ ngày tiêm. Tuy nhiên thực tế thì hoàn toàn không phải vậy.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết: “Gà nuôi công nghiệp phải thường xuyên bơm kháng sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Đối với gà công nghiệp, nuôi lấy thịt, lượng tiêm kháng sinh dồn dập, cứ cách 5-7 ngày là bơm một lần với liều cao. Còn gà đẻ, người nuôi không dám bơm dồn dập mà phải cách 2 tuần mới bơm một lần. Tuy nhiên, do thời gian nuôi lâu nên lượng kháng sinh tồn dư trong gà đẻ rất cao, có thể gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng”.
“Nguy hiểm hơn, nguồn gà đẻ thải không chỉ nhiễm kháng sinh mà còn bị nhiễm vi sinh, gây hại đến hệ tiêu hoá, gây nôn mửa, đau đầu chóng mặt, thậm chí còn có nguy cơ gây dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, người chăn nuôi còn sử dụng phẩm màu công nghiệp trộn vào thức ăn để gà đẻ trứng có lòng đỏ đậm cho giống với trứng gà ta. Điều này rất nguy hiểm vì nếu ăn phải thực phẩm có chứa màu công nghiệp tích tụ lâu ngày sẽ mắc nhiều chứng bệnh ung thư nguy hiểm”, bác sỹ Ký cảnh báo.
Cùng quan điểm trên PGS.TS Nguyễn Hữu Đoàn, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, để phòng nhiều bệnh do vi khuẩn gây nên, hằng tháng, thậm chí là hằng tuần, người ta phải cho gà ăn kháng sinh định kỳ. Trong số đó, có kháng sinh thuộc danh mục cấm lưu hành do gây độc hại cho vật nuôi và con người.
Đôi khi gà bị ốm, người ta còn tiêm kháng sinh trực tiếp vào lườn gà. Tất cả các loại văcxin và kháng sinh nói trên không được đào thải hết ra khỏi cơ thể gà mẹ mà tích tụ dần dần, cho đến khi bị loại thải thì trong cơ thể gà có quá nhiều thuốc và kháng sinh tồn dư gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
|
Rất khó để phân biệt gà thải loại và gà ta. Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet |
Các chuyên gia cũng cho biết bằng mắt thường cũng như bằng các giác quan thông thường như màu sắc, mùi, vị... người tiêu dùng không thể phát hiện ra gà có tồn dư thuốc kháng sinh. Để phát hiện được cần phải sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm. Bởi vậy, công tác kiểm tra chất lượng gà trước khi đưa ra thị trường là vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Trả lời phỏng vấn báo chí ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, gà nhập lậu thường là gà thải loại, nuôi từ 1-1,5 năm, vì vậy người nuôi thường tiêm vaccin, trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho gà. Sau thời gian dài, tồn dư kháng sinh trong thịt gà thải loại rất cao. Với chất cloramphenicol vừa phát hiện trong 5 mẫu là kháng sinh độc hại, từ lâu đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Khi vào cơ thể, cloramphenicol gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, gây thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch và gây còi xương, chậm lớn ở trẻ.
Điều đáng ngại là nếu ăn phải thức ăn có dư lượng kháng sinh nói chung và cloramphenicol nói riêng thì sẽ gây kháng kháng sinh ở người. Tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giới hạn khả năng điều trị nhiễm trùng, một số trường hợp còn dẫn đến tử vong vì không có thuốc nào cứu được.
Anh Đào