Hiện nay, việc bệnh nhân xếp hàng trong các bệnh viện công tuyến đầu để khám, chữa bệnh không còn là chuyện hiếm. Khi nói về lý do của vấn đề này, lãnh đạo ngành y tế thì luôn “biện minh” cho mình một lý do muôn thủa đó là: quá tải. Nhưng về phía người đi khám cũng đang “lầm tưởng” về việc khám ở bệnh viện công sẽ tốt hơn và được khám bởi các giáo sư đầu ngành.
"Sao giáo sư trẻ thế?"
Theo điều tra nhanh của phóng viên báo điện tử Kiến Thức tại một số bệnh viện Trung ương hiện nay, rất nhiều bệnh nhân dù mất rất nhiều thời gian để đợi đến lượt khám bệnh nhưng vẫn cố vì mong muốn được các bác sĩ giỏi, các giáo sư đầu ngành khám bệnh.
Có mặt tại Khoa khám bệnh tự nguyện, Bệnh viện Bạch Mai, nhìn cảnh người nhà bệnh nhân xếp hàng đợi đến lượt khám bệnh, phóng viên thắc mắc thì được biết nguyên nhân.
“Khu này toàn các bác sĩ giỏi, giáo sư, tiến sĩ nên rất nhiều người đến đây khám nhằm làm sao chẩn đoán bệnh nhanh nhất, dù tiền khám bệnh có mắc hơn một chút”, anh Hoàng Đình Khoa, một bệnh nhân quê ở Ý Yên, Nam Định chia sẻ.
Thậm chí có những bệnh nhân chỉ được nghe những người khác nói cũng đổ xô đến khám tại khu vực này: “Thực ra tôi chỉ nghe một người ở cùng quê nói là ở Khoa khám bệnh tự nguyện này có các giáo sư, tiến sĩ khám nên tôi cũng vào đây khám, chứ tôi đã đến lượt đâu mà biết mặt giáo sư, bác sĩ đó như thế nào”, một bệnh nhân chia sẻ.
|
Phòng khám giáo sư tại Bệnh viện Bạch Mai |
Tuy nhiên, sự thật thì không giống như kỳ vọng nhiều người. Bác Đặng Thủy (Lê Thanh Nghị, HBT, HN) cho biết: "Bác tới từ sáng rồi, khám xong rồi giờ ngồi đợi kết quả. Vào đây toàn bác sĩ khám, hơn thì có thạc sĩ chứ nào có giáo sư”.
Theo bác Thủy, nếu bệnh nhân nào muốn được các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành chẩn bệnh thì phải hẹn lịch trước, phải thêm tiền dịch vụ khám bệnh thì mới mong có GS.BS đến khám.
Chính vì không hiểu, cứ nghĩ đóng tiền khám bệnh tại khoa khám bệnh tự nguyện là được các bác sĩ giỏi khám nên không ít người bệnh, nhất là người bệnh từ tỉnh lẻ lên bị “hớ” và sau khi khám bệnh xong ra ngoài vẫn phàn nàn: “Sao giáo sư trẻ thế?”.
Đông cũng cố chờ vì "an toàn"
Giống như Bệnh viện Bạch Mai, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tình trạng xếp hàng đợi đến lượt khám dường như là đã quá quen thuộc. Nhưng lý do mỗi bệnh nhân cố ngồi đợi, thậm chí là đợi cả một ngày mới đến lượt cũng khác nhau.
Chị Lê Thị Nụ (Phúc Thọ, Hà Nội) ngồi chờ từ sáng cho đến 2h chiều vẫn chưa được vào khám, lý do là chị muốn đợi đến ca trực của bác sĩ quen để khám bệnh cho an toàn.
“Thực ra, tôi có hẹn với một bác sĩ đang làm trong viện này, muốn đợi đến ca trực rồi cho cháu vào khám, như thế yên tâm hơn, vì được khám kỹ lưỡng, cẩn thận hơn, nên cố ngồi đợi”, chị Nụ chia sẻ.
|
Xếp hàng đợi đến lượt đưa con vào khám tại BV Nhi Trung ương |
Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi: sao không đến nhà bác sĩ hoặc phòng khám của bác sĩ đó khám thì chị Nụ thẳng thắn chia sẻ: “Nhà bác sĩ thì xa, phòng khám thì tôi không biết có hay không? Nhưng tốt nhất là đến viện cho chắc chắn, nhỡ có chuyện gì xảy ra hoặc bệnh tình của cháu nặng phải điều trị lâu dài”.
Ngoài chuyện quen biết và có hẹn với bác sĩ, không ít gia đình khi đưa con vào viện Nhi vì muốn khám theo đúng tuyến, và khám theo bảo hiểm xã hội.
Anh Đinh Công Hùng ( Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Vào đây, khám theo bảo hiểm xã hội sẽ đỡ chi phí hơn rất nhiều, tất nhiên là phải chấp nhận đợi lâu, xếp hàng rồi. Nhưng nếu phải điều trị thì điều trị tại viện cũng không sao vì nghe đâu trẻ con dưới 6 tuổi không mất viện phí. Chứ ra mấy phòng khám tư, chẳng biết bác sĩ giỏi đến đâu, nhưng bị “móc túi” là cái chắc”.
Như vậy, khi nó về lý do bệnh nhân xếp hàng để đợt đến lượt khám dù cho bệnh viện quá tải thì có rất nhiều nguyên do, trong đó, lý do bệnh nhân vẫn tin tưởng vào hệ thống bệnh viện công, và tin vào bác sĩ vẫn là trên hết.
Kỳ tới: Thực hư bác sĩ công "ăn cắp" giờ để khám tư
Anh Đào - Ngô Ngọc