Khám răng cũng có thể lây bệnh
Lây nhiễm viêm gan B qua răng miệng: Bệnh viêm gian B ngoài lây truyền qua các con đường như: Lây truyền từ mẹ sang con; lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus, lây truyền qua đường tình dục … ngoài ra bệnh viêm gan B còn có thể lây truyền từ người sang người qua các dụng cụ vệ sinh trong đó có các dụng cụ chăm sóc răng miệng như: Dụng cụ chăm sóc răng, thiết bị y tế điều trị các bệnh về răng nếu không được tiệt trùng, thậm chí bàn chải đánh răng …
Virus HIV cũng có thể lây nhiễm qua răng miệng: Không chỉ có quan hệ tình dục không an toàn hay tiêm chích ma túy mà việc chăm sóc răng miệng không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ chăm sóc không đảm bảo yêu cầu cũng mang nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Khánh, việc mọi người lo ngại bị nhiễm HIV qua đường răng miệng là hoàn toàn có cơ sở. Vì bệnh HIV có lây nhiễm qua đường máu, nên khi dùng các dụng cụ y tế để chăm sóc răng miệng mà không tiệt trùng thì nguy cơ lây truyền từ người bị bệnh sang người không bị bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu lợi bị rách, chảy máu …
|
Dụng cụ chăm sóc răng miệng tiềm ản nhiều nguy cơ gây bệnh. |
Theo các nha sĩ, tất cả dụng cụ sau khi được sử dụng, dù cho có máu hay không đều phải ngâm với dung dịch tẩy rửa và diệt khuẩn chuyên dụng, hấp autoclave để tiệt trùng tất cả vi sinh vật, bào tử có thể có trong dụng cụ, cuối cùng là được đưa vào trong tủ tia cực tím để lưu trữ. Với quy trình như vậy thì hầu như khả năng lây nhiễm có thể bị loại trừ. Tại một số phòng khám răng lớn, thậm chí bệnh nhân còn được trang bị bộ dụng cụ dùng một lần để tránh hoàn toàn nguy cơ lây bệnh.
Vì vậy, khi đi khám răng, bạn đừng nên ngần ngại hỏi nha sĩ và y tá cách thức tiệt trùng các dụng cụ sẽ khiến bạn chảy dịch hoặc máu.
Phòng tránh bệnh răng miệng tại nhà
Một cách hạn chế lây bệnh khi đi đến các phòng khám rất hữu hiệu và rẻ tiền, đó là chăm sóc thật tốt răng miệng tại nhà. Một số cách dưới đây giúp nhận biết các triệu chứng bệnh răng miệng từ sớm:
Bênh sâu răng: Bệnh sâu răng chính là sự tiêu huỷ tổ chức cứng của răng (bao gồm men răng và ngà răng), tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Nguyên nhân gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường trong thức ăn và thời gian để vi khuẩn và đường tồn tại trong miệng.
Triệu chứng của bệnh sâu răng thông thường thì rất khó nhận biết vì khi các lỗ sâu răng xuất hiện thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, khi thấy đau là sâu răng đã bước sang giai đoạn trầm trọng. Nếu không điều trị thì tuỷ răng sẽ chết và có thể phát sinh những biến chứng như viêm quanh cuống răng, viêm xương, viêm hạch... Khi điều trị cần dùng vật liệu hàn để bịt kín lỗ sâu răng, ngăn không cho vi khuẩn hoặc các tác nhân bên ngoài như nhiệt độ, hoá chất tấn công, huỷ hoại tuỷ răng. Có 3 loại vật liệu được sử dụng nhiều nhất trong hàn răng là Composite, Glassionomer (Fuji), Amalgam.
Cách phòng tránh sâu răng là đánh răng kỹ 3 lần một ngày, dùng chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn còn lại trong kẽ răng, chải lưỡi và dùng nước súc miệng để diệt khuẩn.
Bệnh viêm lợi: Nguyên nhân do vi khuẩn ở trong mảng bám răng hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn ở mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn. Triệu chứng của bệnh là lợi của người bệnh bị sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng. Bệnh có thể điều trị bằng cách đánh răng, dùng chỉ tơ nha khoa và thường xuyên xúc miệng nước muối, chấm thuốc Sindolor. Lợi của bệnh nhân sẽ có khả năng khôi phục lại trạng thái khoẻ mạnh ban đầu.
|
Rất nhiều căn bệnh khác luôn "rình rập" hàm răng. |
Bệnh viêm quanh răng: Khi bệnh viêm lợi không được quan tâm và điều trị thì sẽ phát triển thành bệnh viêm quanh răng. Lợi sẽ dần dần tụt khỏi răng, tạo nên những túi lợi sâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm trầm trọng thêm mức độ của bệnh. Không những thế, bệnh còn làm cho xương và dây chằng bao bọc quanh răng cũng bị tiêu huỷ dần, khiến cho răng không có chỗ dựa, trở nên lung lay và cuối cùng sẽ rụng. Dấu hiệu của bệnh viêm quanh răng: hôi miệng, sưng, đỏ lợi, chảy máu lợi, cảm giác đau khi nhai, răng lung lay... Khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm lợi, không nên tự ý ra mua thuốc của nhà thuốc mà nên hỏi ngay ý kiến nha sĩ của bạn.
Chứng chảy máu chân răng: Nguyên nhân của căn bệnh này là do chăm sóc vệ sinh răng không tốt dẫn đến viêm lợi, đánh răng không đúng cách làm tổn thương lợi... Triệu chứng ban đầu là chân răng sưng, đỏ, đau. Khi nói hay thở, miệng có mùi hôi, chân răng sưng, răng dễ lung lay, động vào răng không đau nhưng đau vùng lợi xung quanh.
Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là phải đánh răng sau bữa ăn và xúc miệng bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng.
Cao răng: Cao răng là mảng bám đã được vôi hoá bởi các hợp chất canxi trong nước bọt, thường tập trung ở cổ răng. Bề mặt gồ ghề của cao răng chính là nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Nếu để lâu, cao răng phát triển dần về kích thước, lan dần xuống phía dưới chân răng, đẩy lợi tụt xuống, dần dần gây bệnh quanh chân răng, rụng răng. Thông thường mảng bám cần tồn tại trong miệng khoảng 1 tuần để biến thành cao răng. Vì vậy, nếu vệ sinh răng miệng thường xuyên thì cao răng sẽ không còn cơ hội hình thành. Định kỳ 6 tháng đến 1 năm nên lấy cao răng.
Răng khôn mọc lệch: Chúng ta có 4 răng khôn (2 răng ở hàm trên và 2 răng ở hàm dưới). Do không đủ khoảng trống để mọc lên theo hướng bình thường, răng tự tìm cho mình một con đường khác để mọc như: mọc ngược về phía xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng hàm ở bên cạnh hay nhú lên khỏi lợi được một phần và ngừng lại vĩnh viễn. Răng khôn mọc lệch khiến người bệnh sốt cao, mệt mỏi, đau vòm miệng, sâu răng, viêm lợi. Răng khôn mọc lệch cần phải phẫu thuật để tránh những rắc rối như huỷ hoại xương và răng xung quanh. Nha sĩ sẽ yêu cầu bạn đi chụp X-quang hàm để xác định độ lệch của răng, từ đó sẽ tiến hành cắt bỏ răng khỏi hàm. Phẫu thuật cắt bỏ răng khôn khá nguy hiểm, vì thế bạn nên đến các bệnh viện hay trung tâm lớn, có uy tín để thực hiện.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Anh Đào