Ô nhiễm thực phẩm được hiểu là sự xuất hiện các yếu tố (hóa học, sinh học, lý học) không mong muốn, hoặc chủ động cho thêm vào thực phẩm có khả năng gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Với sự giao thương kinh tế giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ, phạm vi ảnh hưởng của việc ô nhiễm thực phẩm không bó hẹp trong phạm vi nhỏ, mà lan rộng ra thậm chí là toàn thế giới.
|
Ảnh minh họa.
|
Nhận thức được nguy cơ của vấn đề này, ngày 27/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 518/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Đề án dựa trên những cơ sở lý luận về bảo đảm an toàn thực phẩm và điều kiện thực tiễn trong bảo đảm an toàn thực phẩm tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của Nhật bản, EU, Mỹ, Thái Lan... Mục tiêu của Đề án tập trung vào việc: (i) Xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm trong toàn quốc một cách thống nhất, thường xuyên trong hoạt động khai thác, tạo lập thông tin - tiếp nhận thông tin - xử lý thông tin - cảnh báo thông tin về sự cố an toàn thực phẩm; (ii) Nâng cao chất lượng thông tin sự cố an toàn thực phẩm phục vụ hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh theo hướng chủ động và phải đạt chuẩn hóa (thông tin sớm và có giá trị khoa học); (iii) Phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với một số nhóm thực phẩm thông dụng ở Việt Nam.
Đề án "Xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm tại Việt Nam" được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2013 đến năm 2015 và từ năm 2016 trở đi duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn quốc với sự tham gia thực hiện và phối hợp của các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm được tổ chức thành 3 cấp độ: cấp Quốc gia, cấp Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Việc xây dựng Đề án dựa trên cơ sở tổ chức hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiện có để bổ sung nhiệm vụ, chuẩn hóa các nội dung hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và bổ sung trang thiết bị phù hợp, đồng bộ.
Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để phát hiện sớm, cảnh báo, dự báo sự cố an toàn thực phẩm cho các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm theo hướng hiệu quả và bền vững, góp phần chủ động bảo vệ sức khỏe con người, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội đặc biệt trong điều kiện hội nhập và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TS. Lâm Quốc Hùng