Muốn tiêm cũng không có!
Đến ngày tiêm chủng theo lịch, chị Nguyễn Thu Nga (ở xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) mang con đến trạm y tế xã để tiêm phòng thủy đậu. Xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đến lượt, nhưng khi vừa được gọi tên, chị thất vọng khi được biết văcxin này "hiện chưa về". Nghĩ rằng chỉ ngày hôm đó chưa có văcxin do trục trặc gì đó nên về chậm, đến đợt tiêm sau (cách khoảng nửa tháng) chị lại cho con tới trạm y tế, câu trả lời vẫn là: Chưa có văcxin này! Lần này hỏi kỹ hơn, chị Nga mới được biết: "Văcxin hết còn lâu mới có, ít nhất là hết đến cuối năm 2013!". Trao đổi điều này với mấy người bạn cùng nuôi con nhỏ, chị Nga mới biết nhiều người cũng nháo nhác vì chưa tiêm được văcxin này cho con.
Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70 phố Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội), câu trả lời khi có phụ huynh muốn tiêm phòng thủy đậu cho con cũng là: "Đã hết!". Một số phụ huynh tìm đến các địa điểm khác như điểm tiêm ở phố Trần Bình, Cầu Giấy hay một số phường lân cận thì cũng bị từ chối tiêm.
|
Tiêm chủng vẫn là cách phòng bệnh tốt nhất. |
Hết văcxin thủy đậu do nhà cung cấp
Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, văcxin thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nên hoàn toàn phụ thuộc vào nhà phân phối. Thường các nhà nhập khẩu phải đặt hàng từ đầu năm và dự trù cho cả năm. Năm nay do nhu cầu sử dụng nhiều nên thời điểm này đã hết.
Theo BS Nguyễn Nhật Cảm, không chỉ văcxin thủy đậu mà văcxin phòng cúm cũng đang hết. Dự kiến, trong cuối tháng 9 (hoặc chậm là đầu tháng 10) sẽ có văcxin phòng cúm. Riêng văcxin thủy đậu chưa biết bao giờ mới có vì tùy thuộc vào nhà sản xuất và đơn vị phân phối. Tuy nhiên, ông hy vọng là sang đầu năm 2014 sẽ có văcxin này để phục vụ nhân dân.
Trước lo lắng của nhiều bà mẹ về việc chưa tiêm phòng thì con dễ nhiễm bệnh, BS Nguyễn Nhật Cảm trả lời: Đúng là chưa tiêm phòng thì dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện văcxin đang hết, các gia đình nên chú ý chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho trẻ để tránh mắc bệnh. Khi mắc bệnh, trên da thường xuất hiện các nốt ban có dịch nước bên trong thì cần cho trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Văcxin thủy đậu và cúm là hai loại văcxin dịch vụ, vì vậy chúng được cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Việc sử dụng sẽ theo kế hoạch từ đầu năm để nhằm phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường có thể thay đổi, có năm nhiều người đi tiêm, có năm ít người tiêm... do đó, lượng nhập về thường không chính xác. Việc tiêm chậm một vài tuần cũng không có gì nguy hại. Nhưng nếu chậm tới vài tháng, hoặc cả nửa năm thì không tốt. Ông Bình khẳng định sẽ kiểm tra lại thông tin, nếu văcxin đã hết vài tháng là không ổn, ông sẽ tác động để sớm có văcxin phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Bình (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
Hoài Hương