Hoang mang thông tin cây vạn tuế gây ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây, dư luận được một phen hoang mang vì thông tin cây vạn tuế có chất gây ngộ độc, ung thư. Đặc biệt là phần lá, hạt và vỏ của cây.

Cây vạn tuế là loại cây được trồng rất nhiều ở Việt Nam cũng như các nước khác ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản … Cây này có có tên khoa học là Cycas revoluta Thunb, thuộc họ thiên tuế Cycadaceae.

Ở Việt Nam, cây vạn tuế được trồng rất nhiều làm cây cảnh. Thậm chí có những gia đình còn trồng loại cây này ở trong nhà để giúp không khí trong lành hơn. Vì vậy, khi nghe thông tin loại cây này có thể gây ung thư khi tiếp xúc, nhiều người tỏ ra hoang mang.

 Cây vạn tuế. Ảnh: Internet

Anh Lương Văn Hào - chủ vườn cây cảnh rộng gần một hecta ở Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, khá bất ngờ khi được hỏi về thông tin này. Anh Hào cho biết: “Tôi làm nghề nuôi và buôn cây cảnh đã gần chục năm nay, cây vạn tuế trong vườn nhà tôi không phải ít, tôi cũng thường đọc các loại sách để chăm sóc cây cho tốt, nhưng chưa thấy sách nào viết cây Vạn tuế có chất gây ung thư hay ngộ độc gì cả”. 

Bán tín, bán nghi về sự thật cây Vạn tuế có chất gây hại cho sức khỏe anh Hào nói:  “Nghe như anh nói thì nghiên cứu trên chỉ là nghiên cứu trên thế giới, còn ở Việt Nam thì sao? Tôi cũng như nhiều người đang trồng và chơi loại cây này rất cần sự vào cuộc của các nhà khoa học Việt Nam”.

Trước những thông tin đang được rất nhiều người quan tâm, báo Kienthuc.net.vn đã liên hệ với nhà thực vật học, Thầy giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm - nguyên giảng viên trường Đại học Nông Lâm Huế.

Theo ông Cẩm, thông tin cây Vạn tuế có độc tính gây ung thư khi tiếp xúc gần hoặc dùng tay bứt lá, hạt, vỏ vạn tuế là có cơ sở khoa học. Theo các nghiên cứu trên thế giới thì các hợp chất alkaloids trong thân cây có thể gây ung thư, acid amin là nguyên nhân làm rối loạn thần kinh mãn tính, ngay cả trong hạt Vạn tuế cũng có chất cycasin độc tính khá cao.

 Nhà thực vật học, Thầy giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm trong một cuộc nghiên cứu thực địa.

Theo thầy giáo Đỗ Xuân Cẩm thì, trong giới thực vật không riêng gì cây vạn tuế, trong hàng ngàn cây cảnh hiện được hàng triệu người khắp nơi trên hành tinh của chúng ta nâng niu chăm sóc hàng ngày, có hàng chục loài quen thuộc có độc tính.

Tuy thế, đây chỉ là những lời cảnh báo có nguy cơ gây bệnh, chứ không phải bất kể cây gì có độc cũng đều gây bệnh cho người và gây bệnh trong bất kỳ tình huống nào.

Điều đó có nghĩa là, các độc tố của cây phải có cơ hội vào người mới gây bệnh, cây vạn tuế lại là cây không có bộ phận hấp dẫn người ta đưa vào cơ thể bằng đường tiêu hóa, lại có lá cứng, đỉnh các thùy phiến nhọn chích vào da gây đau nên trẻ nhỏ cũng khó tiếp cận thường xuyên.

Vì thế, “khi chăm sóc cây, tránh trồng trong nhà, tránh trồng ở khu vui chơi giải trí của trẻ con là cần thiết, nhưng nếu hoang mang mà triệt phá, nhổ bỏ, đốt hủy... thì cũng cần xem lại. Vì bên cạnh vạn tuế, những cây trúc đào, thông thiên còn có những chất độc hại hơn nhiều... cần phải được quan tâm trước cả cây vạn tuế”, thầy Cẩm chia sẻ.

Lê Phương