Hoài Linh ung thư tuyến giáp nguy hiểm thế nào?

Google News

Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ung thư tương đối phổ biến, giai đoạn đầu không có triệu chứng nên khó phát hiện. Nhiều người nổi tiếng trong đó có nghệ sĩ Hoài Linh cũng mắc căn bệnh này.

Hoài Linh bị ung thư tuyến giáp
Tối 25/5, đại diện của nghệ sĩ Hoài Linh công khai bệnh án ung thư tuyến giáp. Cụ thể, ngày 22/9/2020, nam nghệ sĩ được người thân đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám sau khi phát hiện điều bất thường ở cổ.
Ngày 24/9, kết quả xét nghiệm cho thấy, hạch cổ nhóm II của Hoài Linh bị di căn 3 hạch cổ trên 5 hạch, trong khi hạch cổ nhóm VI di căn 2 hạch trên 2 hạch. Trong khi hạch cổ nhóm VI di căn 2 hạch trên 2 hạch.
Hoai Linh ung thu tuyen giap nguy hiem the nao?
 Hình ảnh nghệ sĩ Hoài Linh phải phẫu thuật tuyến giáp các đây vài tháng
Kết luận, các bác sĩ chỉ định theo dõi ung thư giáp thùy phải di căn hạch cổ phải và chỉ định mổ cắt toàn bộ tuyến giáp.
Ngày 15/10/2020, Hoài Linh được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp đồng thời nạo hạch cổ phải tuyến 2-3-4-5-6. Sau phẫu thuật sức khỏe Hoài Linh ổn định.
Được biết sau phẫu thuật, ngày 19/10/2020 nghệ sĩ được xạ trị lần 1, nghỉ ngơi 2 tuần. Đến ngày 13/4/2021 trước khi định thực hiện một chuyến từ thiện, Hoài Linh vào thuốc lần 2.
Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM xác nhận Hoài Linh được thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng tại bệnh viện.
Ung thư tuyến giáp là gì? Có những loại nào?
Trước hết, cần biết tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình cánh bướm nằm ở vùng cổ phía trước và dưới. Nhiệm vụ của tuyến giáp là tiết ra hóc môn có tác dụng giữ ấm, làm cho não, tim, các cơ và nhiều cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định.
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, khi có sự hình thành của tế bào ác tính tạo thành khối u ở vùng tuyến giáp, ảnh hưởng tới chức năng điều tiết hóc môn.
Ung thư tuyến giáp là căn bệnh phổ biến thứ 9 ở Việt Nam nhưng so với các loại ung thư thường gặp khác thì căn bệnh này có tiên lượng rất tốt, tùy thuộc vào tính chất của loại u ác tính.
Hoai Linh ung thu tuyen giap nguy hiem the nao?-Hinh-2
Vị trí tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có nhiều loại với mức độ ác tính khác nhau.
1. Ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm từ 70-80% số ca mắc, với đặc điểmtiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Dù là loại di căn nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng điều trị tốt.
2. Ung thư tuyến giáp thể nang chiếm từ 10-15% số ca bệnh. Loại thể nang cũng có khả năng di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
3. Ung thư tuyến giáp thể tủy chiếm từ 5-10%, liên quan đến di truyền trong gia đình và các vấn đề nội tiết.
4. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là thể ác tính nhất đồng thời đáp ứng kém với điều trị. Chỉ khoảng 2% số ca bệnh mắc thể này.
Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp?
Theo PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xạ trị Quốc gia, Trưởng khoa Xạ đầu cổ, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), đây là ung thư tuyến nội tiết chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 92-95%, thường gặp ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới. Do đó, thông tin nghệ sĩ Hoài Linh bị ung thư tuyến giáp khiến công chúng không khỏi bất ngờ.
Ung thư tuyến giáp hay gặp ở phụ nữ trung tuổi, 2/3 trường hợp dưới 55 tuổi và 25% gặp ở trẻ em. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: Người có bướu giáp nhân đơn độc, tiền sử bướu giáp (bướu giáp địa phương), giảm tiết hormon giáp có thể làm bộc phát ung thư giáp, đặc biệt sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn phần...
Về dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, người bệnh mới có thể nhận thấy một số triệu chứng như:
Sờ thấy khối u hay nhân giáp, nhân to nhanh, mật độ cứng, không đau, phần còn lại của nhu mô giáp không bị phì đại. Nếu là ung thư toàn khối giáp sẽ gây chèn ép, có hạch cổ ở một hoặc cả hai bên.
Không chỉ sờ thấy khối u ở cổ, người bệnh có thể phát hiện bất thường ở hạch cổ. Hạch cổ là biểu hiện đầu tiên, đơn độc của ung thư giáp, đặc biệt thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi. Các hạch, hoặc chỉ có một hạch, có thể ở các vị trí vùng động-tĩnh mạch cảnh, cơ thanh quản (cơ nhị thân, cơ trâm) mặt trước, hoặc cơ trên đòn.
Ngoài ra còn một số triệu chứng ung thư tuyến giáp khác ở giai đoạn tiến triển dễ gây nhầm lần với các bệnh thường gặp như khàn tiếng, nuốt vướng, khó thở...
Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, chọc hút tế bào xét nghiệm để khẳng định bạn có bị K tuyến giáp hay không.
Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất với tiên lượng sống trên 5 năm cho là gần 100%. Tỷ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%.
Trong số các loại ung thư tuyến giáp, thể nhú có tiên lượng sống sau 5 năm đạt 80-90%, thể nang được tiên lượng sống sau 5 năm từ 50-70%, thể tủy được đánh giá có 40% sống sau 5 năm và thể không biệt hóa sau 5 năm dưới 50%, trung bình từ 6-8 tháng.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tùy thuộc vào thể bệnh và giai đoạn phát hiện. Phương pháp phổ biến nhất áp dụng với hầu hết bệnh nhân là phẫu thuật. Bệnh nhân được cắt bỏ khối u sau đó điều trị bằng I131 và hormon thay thế. Việc này nhằm bổ sung hormon tuyến giáp duy trì hoạt động của cơ thể đồng thời giảm nồng độ TSH giúp duy trì bệnh ổn định lâu dài.
Phương pháp thứ hai xạ trị có vai trò bổ trợ trong điều trị ung thư tuyến giáp không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy. Việc xạ trị nhằm mục đích giảm tốc độ phát triển và lây lan của tế bào ác tính.
Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới đang được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển.
Hóa trị hiện được ứng dụng hạn chế trong điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp bởi lẽ việc truyền hóa chất khó trúng đích.
Phương pháp điều trị phổ biến và tân tiến nhất hiện nay là bằng iod phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chặn sự lây lan, phá hủy các tế bào tuyến giáp còn lại.
Trước khi điều trị, bệnh nhân thường được khuyên nên hạn chế, thậm chí ngưng bổ sung iốt vào cơ thể. Khi bệnh được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu việc điều trị sẽ có hiệu quả tốt và có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Theo Hà Ly/ Doanh nhân Việt Nam