Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca viêm não Nhật Bản hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi TW, Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW. Hiện nhiều bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
|
Bệnh nhi điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW.
|
Trước tình hình trên, để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và trung tâm y tế cấp quận huyện xã tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng, kịp thời phát hiện các ca mắc để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào các tháng mùa hè. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh.
Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn.
Cha mẹ lưu ý không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều.
Video: Dấu hiệu nhận biết sớm viêm não mô cầu:
Hồng Nhung