Trước tình hình dịch bệnh mùa đông xuân có chiều hướng gia tăng, nhất là bệnh sởi, ngày 8/2, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã tiến hành Hội Nghị triển khai phòng và chống dịch mùa Đồng xuân năm 2014.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, ông Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện ngành y tế Dự phòng Hà Nội đang tích cực triển khai ngăn chặn sự phát tán của cúm A (H5N1), đề cao cảnh giác đối với dịch cúm A (H7N9),mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, ở nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc loại dịch cúm này.
|
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp - BV Xanh Pôn đang thăm khám cho bệnh nhi bị sởi. Ảnh: Lê Phương |
Đặc biệt, tại Hội nghị vấn đề được quan tâm nhiều nhất đó chính là dịch sởi đang hành hoành tại một số địa bàn ở thủ đô. Ông Cảm cho biết: “Sau 3 năm không có dịch sởi,cuối năm 2013 đầu năm 2014 dịch sởi đã xuất hiện trở lại. Cho đến thời điểm hiện tại, báo cáo các cơ sở y tế cho thấy, toàn thành phố đã khoảng 40 trường hợp dương tính với sởi. Trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Hiện, người mắc bệnh sởi nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là một bệnh nhi mới 6 tháng tuổi”.
Cũng theo ông Cảm, với con số 40 trường hợp mắc sởi được ghi nhận trong thời gian qua, điều này đáng được ghi nhận là một thành tựu y tế Thủ đô. “30 đến 40 trường hợp mắc sởi được ghi nhân trong thời gian qua, được coi là thành tựu vô cùng to lớn của hơn 6000 cán bộ y tế thủ đô. Điều đó có thể minh chứng tính hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua. Bởi, nếu không tỉ lệ mắc sởi trong thời gian này chắc không chỉ dừng lại ở con số 40”, ông Cảm cho biết.
Nguyên nhân chính dẫn đến dịch sởi quay trở lại chính là việc trong thời gian qua xảy ra nhiều sự việc liên quan đến vắc xin nên nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm vắc xin và câu trả lời chính là việc dịch sởi đã quay trở lại. Theo quy định, trẻ đủ 9 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1. Đến khi đủ 18 tháng tuổi sẽ tiến hành tiêm mũi 2.
Tuy nhiên trong thời gian qua vẫn có nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng vẫn mắc bệnh sởi. Giải thích vấn đề này, ông Cảm cho hay: “Nguyên nhân chính đó là do hệ miễn dịch của người mẹ kém. Ngoài ra, việc hiện nay nhiều bà mẹ không nuôi con từ sữa mẹ mà nuôi bộ cũng là lý do dẫn đến tình trạng trên”.
|
TS. Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y Tế HN: "Nếu chúng ta không cẩn thận sẽ có bùng phát dịch sởi, chứ không chỉ là rải rác như hiện nay". Ảnh: Lê Phương |
Đánh giá về tình hình dịch mùa đầu năm 2014, ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hiện nay đang nổi cộm lên là sởi và cúm A, nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan với các loại cúm mùa khác. Bài học điển hình đó chính là ổ dịch cúm tại trường THPT Trí Đức thời gian qua”.
Chính bởi lý do trên, GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trong toàn dân. Đó là trách nhiệm của các cán bộ y tế. “Nếu đơn vị nào để xảy ra đại dịch trên địa bàn thì người chịu trách nhiệm đầu tiên đó chính là thủ trưởng đơn vị trên địa bàn đó. Ngoài ra, nếu trưởng khoa nào không đảm bảo trình độ chuyên môn yêu cầu cơ sở y tế, bệnh viện đó phải thay ngay nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Hiền chia sẻ.
Liên quan đến việc phòng và chống dịch những ngày đầu năm, trao đổi với Kiến thức Ths.BS Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong thời gian qua bệnh viện cũng đã tiếp nhận và điều trị một số bệnh nhân mắc sởi, nhưng số lượng không nhiều. Còn về vẫn đề phòng và chống các dịch cúm A (H5N1, H7N9), BS. Cấp cho biết thêm, dù chưa tiếp nhận vá xử lý ca bệnh nào trong thời gian qua, nhưng bệnh viện luôn cảnh giác cao độ và sẵn sàng tác chiến khi dịch bệnh xảy ra.
Lê Phương