|
Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang chụp ảnh với MC và hai khách mời: bác sĩ Trần Liên Anh và bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu. |
9 tháng mang nặng, giờ phút đẻ đau và niềm vui vỡ òa khi nhìn đứa con bé bỏng... chỉ có những người từng làm mẹ mới thấu hiểu gánh nặng và sự vô giá của những khoảnh khắc không gì so sánh. Và có lẽ không một người mẹ nào không khát khao một sự đơm hoa kết trái tròn trịa, hoàn hảo khi đứa con bé bỏng chào đời.
Tuy nhiên, như người ta thường nói: "cửa sinh là cửa tử", biết bao nguy cơ rình rập thai nhi và bà mẹ trong suốt thai kỳ và sinh nở. Kể cả khi đã "mẹ tròn con vuông", thì người mẹ và em bé sơ sinh yếu ớt vẫn có thể đột ngột chịu những tai ương bất chợt, như chú chim vừa ra ràng đã gặp bão tố.
Với mong muốn cập nhật và giải đáp những thông tin về những giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với những ai đang và sắp làm cha mẹ: thai kỳ - sinh nở - chăm sóc trẻ sơ sinh,
báo điện tử Kiến Thức phối hợp với Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, dưới sự tài trợ của nhãn hàng Pro-Mom, tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến: "
Tầm soát thai nhi, bé khỏe chào đời".
Tham gia cuộc giao lưu có các vị khách mời:
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu – Khoa sản Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.
Bác sĩ Trần Liên Anh – Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.
Sau đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến:
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Cảm ơn các bác sĩ đã tham gia giao lưu với chúng tôi hôm nay. Xin được bắt đầu với những vấn đề về tầm soát và sinh nở.
Thưa bác sĩ, rất nhiều độc giả của chúng tôi quan tâm đến chẩn đoán sớm để phát hiện những bất thường của em bé trong bụng mẹ. Vậy xin được hỏi bác sĩ, chẩn đoán sớm thực chất là gì?
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Tỉ lệ dị tật bẩm sinh nói chung trên thế giới là 1.6% (1995), tại Việt Nam khoảng 3% (Theo Bộ LĐTBXH).
Mục đích chính của công tác chẩn đoán tiền sản là sàng lọc và chẩn đoán trước sinh nhằm giúp phát hiện những thai bất thường càng sớm càng có thể để giảm bớt gánh nặng cho xã hội nói chung và gia đình nói riêng. Việc phát hiện sớm những bất thường của thai kỳ để người bác sĩ điều trị có thể tìm ra nguyên nhân và tham vấn với gia đình và từ đó có biện pháp xử lý thích hợp.
Ngoài ra, chẩn đoán tiền sản không chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán bất thường của thai kỳ hiện tại mà còn có một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng là tham vấn cho gia đình về kế hoạch cho các đứa con khác trong tương lai nếu bố hoặc mẹ có các bất thường liên quan đến di truyền…
|
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu trả lời câu hỏi của độc giả báo điện tử Kiến Thức. |
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một bạn hỏi: “Em nghe nói chọc ối giúp phát hiện chính xác dị tật cho em bé. Vậy biện pháp này có an toàn không và có nên thực hiện không?” (giangchau…@gmail.com)
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Chọc ối là thủ thuật đưa kim rất nhỏ vào bên trong buồng ối dưới hướng dẫn của siêu âm để hút lấy một ít dịch ối qua đường thành bụng. Dịch ối có chứa các tế bào nguồn gốc từ thai nhi, các tế bào này có thể sử dụng để cấy phục vụ cho các xét nghiệm chẩn đoán.
Trước khi chọc ối, thường sản phụ sẽ được siêu âm nhằm đánh giá khả năng sống của thai, tuổi thai, số thai, thể tích ối, cấu trúc bất thường của thai nhi nếu có, vị trí thai và bánh nhau nhằm chọn vị trí phù hợp nhất để đưa kim vào buồng ối. Cơ thể sẽ tái tạo lại ngay lượng nước ối được lấy ra và thai nhi không bị bất thường gì nếu thực hiện đúng kỹ thuật.
Một số sản phụ sẽ bị đau bụng nhẹ sau khi chọc ối, bác sĩ sẽ cho bạn thuốc uống và bạn nên nghỉ ngơi vào ngày chọc ối, ngày hôm sau bạn sẽ thấy mọi chuyện khá hơn nhiều. Nguy cơ quan trọng nhất của chọc ối là có thể làm bạn sẩy thai, theo các nghiên cứu gần đây nguy cơ sẩy thai khi chọc ối là 1/800 (có nghĩa là cứ 800 sản phụ chọc ối sẽ có 1 người bị sẩy thai) so với với nguy cơ sẩy thai trong cộng đồng chung cho một thai nhi bất kỳ ở lứa tuổi này khoảng 1-2%.
Các biến chứng khác hiếm gặp hơn bao gồm: dò ối, nhiễm trùng, sang chấn thai nhi do kim chọc trúng.
Chọc ối thường được tiến hành vào khoảng 15-16 tuần tuổi thai.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, ngoài chọc ối thì còn có những phương pháp chẩn đoán tiền sản nào?
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Các bất thường nhiễm sắc thể (NST) Trisomy 13 (T13) và Trisomy 18 (T18) có nhiều bất thường biểu hiện về mặt hình thái học thai nhi. Khuyết tật ống thần kinh thai nhi cũng có thể phát hiện qua siêu âm. Những bất thường này có thể quan sát được qua siêu âm lúc thai 20 – 24 tuần, và siêu âm hình thái có khả năng phát hiện các bất thường đến 90%.
Riêng hội chứng Down thì chỉ có thể được phát hiện qua siêu âm hình thái học khoảng 50-57%, như vậy có khoảng 43-50% trẻ bị hội chứng Down (HCD)không biết được qua siêu âm hình thái.
Các tiến bộ về y khoa đã không ngừng tìm tòi nhằm tìm đến một giải pháp khắc phục hạn chế này. Người ta nhận thấy có sự liên quan giữa thai nhi có HCĐ và sự gia tăng trong máu mẹ một số chất trong thai kỳ (được gọi là chỉ điểm huyết thanh – CĐHT). Đó là Triple test và Double test.
Những năm thập niên 1980, Triple test đã ra đời nhằm sàng lọc HC Down cho các sản phụ. Xét nghiệm Triple test này được thực hiện qua việc lấy máu người mẹ khi thai được khoảng 15 – 20 tuần tuổi, nhưng trong khoảng 16-18 tuần tuổi của thai nhi sẽ cho kết quả chính xác nhất. Triple test giúp phát hiện 65% những bất thường kể trên. Kết hợp Triple test và siêu âm hình thái học làm tăng khả năng phát hiện bất thường thai nhi. Tuy nhiên, điểm bất lợi của phương pháp này là phát hiện muộn, việc xử trí sẽ khó khăn nếu có chỉ định bỏ thai.
Chính vì vậy, năm 1997 Double test (Free beta hCG và PAPP-A) ra đời và được thực hiện khi thai mới khoảng 11 đến 13 tuần 6 ngày tuổi. Do vậy nếu phát hiện có bất thường thai nhi sẽ có biện pháp xử lý sớm hơn.
Ngoài ra, trong các trường hợp HC Down, nhận thấy độ mờ gáy trên siêu âm khi thai từ 11-13 tuần 6 ngày sẽ tăng. Do đó, các nghiên cứu đã kết hợp các giá trị này từ Double test và độ mờ da gáy với tuổi mẹ và tuổi thai để tính ra nguy cơ mắc hội chứng Down của thai nhi. Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc quí 1 (từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày) nguy cơ thấp thì không cần phải xét nghiệm sàng lọc 3 tháng giữa thai kỳ. Sàng lọc trong 3 tháng giữa thai kỳ nhờ vào Triple test chỉ được chỉ định trong những trường hợp chưa sàng lọc trong 3 tháng đầu.
Các biện pháp nói trên là những phương pháp sàng lọc không xâm lấn, nghĩa là các phương pháp chẩn đoán tiền sản này chỉ dựa vào việc lấy máu và các thông số độ mờ da gáy qua siêu âm. Tuy nhiên, các phương pháp sàng lọc này vẫn chưa có ý nghĩa chẩn đoán xác định mà chỉ mới chỉ ra liệu thai nhi có nguy cơ cao có dị tật bẩm sinh hay không. Nếu có, bước quan trọng kế tiếp là sẽ chọc ối hay sinh thiết gai nhau.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Theo lời bác sĩ thì chẩn đoán tiền sản rất có ích trong việc phát hiện sớm dị tật thai nhi, vậy những trường hợp nào nên chẩn đoán tiền sản và nên đi chẩn đoán ở đâu, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Những trường hợp sau nên thực hiện chẩn đoán tiền sản:
- Mẹ > 35 tuổi.
- Tiền sử sinh con DTBS, thai lưu, sẩy thai liên tiếp (kể cả lần lập gia đình trước đây của vợ hoặc chồng).
- Tiền sử mắc một số bệnh nội khoa: tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý tuyến giáp.
- Tiền sử gia đình có dị tật.
- Bản thân bố hoặc mẹ có khuyết tật bẩm sinh.
- Mẹ bị nhiễm siêu vi trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Bố hoặc mẹ có tiếp xúc các yếu tố gây DTBS.
- Bố mẹ phải điều trị vô sinh.
- Các trường hợp đa ối cấp,thiểu ối, song thai 1 buồng ối.
Trước những nhu cầu cần thiết cho các thai phụ trong việc tầm soát dị tật thai nhi, bệnh viện quốc tế Vinmec đã triên khai chiến lược chẩn đoán tiền sản bằng các phương tiện hiện đại nhất để hạn chế đến mức tối thiểu các rủi ro trong thai kỳ cho các sản phụ như: Double test, Triple test, siêu âm đo độ mờ da gáy (NT), xét nghiệm dịch ối, siêu âm hình thái học chuyên sâu…
Đặc biệt, chúng tôi có sẵn bộ phận tư vấn tiền sản để có thể trao đổi với các thai phụ trong các trường hợp có nguy cơ bất thường nhằm đưa ra giải pháp thỏa đáng nhất cho việc kéo dài hay đình chỉ thai kỳ.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Cảm ơn bác sĩ. Xin gửi đến bác sĩ câu hỏi của một bạn tên là Hương Lan, ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội:“Bác sĩ cho biết đái tháo đường thai kỳ là gì? Nếu được bác sĩ chẩn đoán là ĐTĐTK thì sau khi sinh song có khỏi được không? Làm thế nào để nhận biết được bệnh?”
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Đái tháo đường thai kỳ(ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào và, hoặc tăng đường huyết khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Kể cả trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước khi mang thai nhưng chưa được phát hiện.
- Những thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh con sẽ có hai khả năng xảy ra:
+ Thứ nhất: Glucose máu trở về bình thường.
+ Thứ hai: Glucose máu vẫn tăng và trở thành Đái tháo đường typ2 phải tiếp tục dùng insulin để điều trị.
Do vậy những thai phụ có đái đường thai kỳ sau khi sinh, mà đường máu bình thường thì sau sinh từ tuần thứ 6-12 vẫn cần phải tầm soát lại ĐTĐ theo tiêu chuẩn người không mang thai để chẩn đoán và tiếp tục theo dõi sau đó để kịp phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ.
- Đái tháo đường thai kỳ thông thường không có triệu chứng lâm sàng của tình trạng tăng đường máu, một số sản phụ nhận thấy tăng cân nhanh, hoặc khám thai thấy trọng lượng thai to hơn tuổi thai, hoặc bắt thường thai…
Do vậy phải tầm soát ĐTĐTK bằng làm nghiệm pháp dung nạp glucose ở tuần thứ 24-28 để chẩn đoán.
|
MC Nguyễn Miền Biên Thùy (trái) chuyển đến bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu câu hỏi của độc giả gửi qua đường dây nóng. |
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Cảm ơn bác sĩ. Một bạn gửi câu hỏi đến cho biết, bạn đang bị đái tháo đường thai kỳ và băn khoăn liệu có nguy hại đến thai nhi hay không? Có chữa trị được không? (Meyeucon@... com)
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Những rối loạn chuyển hóa trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng cả thai nhi và cả mẹ. Nếu không được phát hiện để điều trị kịp thời, đối với thai nhi có thể gây:
1. Dị dạng thai: Bệnh lý ống thần kinh, thoái triển vùng đuôi, xương sống chẻ đôi, não úng thủy, vô não. Dị dạng ở tim: Thông liên thất, thông liên nhĩ. Di dạng đường tiêu hóa: Teo hậu môn, trực tràng. Dị dạng thận
2. Thai to: Khi mang thai mẹ tăng cân nhiều nên thai càng to, trọng lượng thai to trên 4000 gam do vậy khi sinh thường gặp: Tai biến như trật khớp vai và Phải mổ lấy thai. Khi sinh ra trẻ thường có tăng bilirubin máu, đa hồng cầu, bệnh cơ tim phì đại. Nhưng nếu mẹ có bệnh tăng huyết áp dễ nhiễm độc thai nghén thai nhi sẽ nhỏ.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một bạn đọc hỏi: “Xin bác sĩ cho biết phương pháp đẻ gây tê màng cứng là như thế nào? Nếu sinh bằng phương pháp này ở bệnh viện Vinmec thì quy trình ra sao?” (Việt Phương - Cầu Giấy - Hà Nội)
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê vùng thường được sử dụng trong quá trình chuyển dạ.
Gây tê ngoài màng cứng được tiến hành khi cơn co tử cung mạnh hơn và mẹ không có những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu cũng như sức khỏe tốt để cuộc chuyển dạ diễn ra bình thường.
Sau khi sử dụng thuốc tê và một số thuốc khác, mẹ sẽ mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân nhưng vẫn tỉnh hoàn toàn và có thể cử động hai chân bình thường. Vì vậy, mẹ vẫn nhận biết được khi có cơn co tử cung và đặc biệt là mẹ vẫn rặn đẻ được bình thường.
Bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau sẽ là người thực hiện thủ thuật giảm đau ngoài màng cứng cho mẹ trong trường hợp mẹ sinh bé đường tự nhiên hoặc mổ đẻ.
Gây tê màng cứng sẽ bắt đầu khi cổ tử cung mở 2-3cm và/hoặc mẹ đau nhiều.
Tại Vinmec có 10 phòng sinh, mỗi phòng sinh có 1 giường riêng biệt (đây là giường chuyên dụng có chức năng làm bàn đẻ, mẹ sẽ sinh em bé tại giường đó), mẹ sẽ được nằm theo dõi tại giường luôn sau khi gây tê màng cứng. Thời gian từ lúc gây tê đến lúc đẻ khó xác định cụ thể vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố: Sinh con lần thứ mấy? Tư thế của em bé trong tử cung, trọng lượng thai, độ mở của cổ tử cung, phụ thuộc rất nhiều vào từng cá thể.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một bạn đọc tên Hoa, ở Ba Đình, hỏi, gây tê màng cứng có nguy hiểm gì cho em bé và sức khỏe của mẹ sau này không?
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Thuốc gây tê làm giãn mạch máu nên có thể gây giảm huyết áp của người mẹ. Vì vậy, mẹ sẽ được truyền dịch để giữ cho huyết áp ổn định đồng thời huyết áp của mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ.
Khó thở: Hiếm gặp và mẹ sẽ được thở oxy đồng thời bão hòa oxy trong máu của mẹ sẽ được theo dõi liên tục bằng máy theo dõi chuyên dụng.
Thuốc gây tê ngấm vào mạch máu có thể tạo ra cảm giác khó chịu, vì vậy, bác sĩ gây mê hồi sức giảm đau luôn luôn bơm từng lượng thuốc nhỏ một và hỏi mẹ có cảm giác khó chịu hay cảm giác lạ gì không.
Một số rất ít bà mẹ thấy đau ở lưng, chỗ chọc gây tê ngoài màng cứng.
Trong một số trường hợp cá biệt, mẹ thấy đau đầu sau khi sinh em bé, trong trường hợp đó, mẹ nên cho nữ hộ sinh biết để thông báo cho bác sĩ gây mê hồi sức giảm đau có biện pháp điều trị hiệu quả cho mẹ.
Bác sĩ gây mê hồi sức giảm đau sẽ hướng dẫn các bà mẹ tất cả những biện pháp cần thiết để phòng chống những nguy cơ có thể xảy ra, vì vậy, đừng ngần ngại trao đổi với bác sỹ cảm giác và những băn khoăn của mình.
Những nguy cơ cho em bé: Các nghiên cứu từ lâu đã chứng minh gây tê ngoài màng cứng là phương pháp an toàn cho mẹ và bé. Tuy nhiên, vai trò của bác sĩ gây mê hồi sức giảm đau ở đây là rất quan trọng và đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm trong thực hiện thủ thuật này.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu, bạn Hoàng Mai (Hà Nội) vừa gửi tới đường dây nóng câu hỏi: Phụ nữ mang thai cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất như thế nào là tốt nhất?
Bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu: Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết không chỉ cho sự phát triển của thai nhi mà còn cần thiết cho cả bà mẹ. Ở Việt Nam, tỉ lệ các bà mẹ thiếu máu, thiếu sắt trong quá trình mang thai khá cao. Do vậy, các bà mẹ cần được uống sắt để dự phòng trường hợp mất máu.
Ngoài ra, canxi rất cần thiết cho sự hình thành xương của thai nhi nên bà mẹ cần phải được bổ sung canxi trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, chất ảnh hưởng tới việc hình thành ống thần kinh của em bé là axit folic. Lượng axit folic này cần được cung cấp trước khi mang thai chứ không phải trong quá trình mang thai. Điều đó có nghĩa là khi bạn dự định mang thai cần phải bổ sung axit folic trước 3 tháng, và ít nhất là 1 tháng.
Tốt nhất là khi mang thai, hàng ngày, bạn nên sử dụng viên đa nhân tố tổng hợp chứa 3 nguyên tố: sắt, canxi và axit folic.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Rất cảm ơn bác sĩ Võ Thị Thùy Diệu. Như tôi được biết, hiện trên thị trường đang có sản phẩm Pro-Mom được bào chế đặc biệt cho phụ nữ mang thai và cho con bú để đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng tăng lên của cơ thể; rất có ích cho bà mẹ và em bé trong giai đoạn trước khi thụ thai, đang mang thai và sau khi sinh.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa các bạn, trong hơn 20 phút vừa qua, chúng ta đã cùng nghe bác sĩ trao đổi về vấn đề chẩn đoán sớm và sinh sản. Xin được tiếp tục chương trình với các câu hỏi liên quan đến một vấn đề rất được nhiều độc giả quan tâm: Chăm sóc em bé sau khi chào đời với sự tư vấn của bác sĩ Trần Liên Anh – Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.
Mời các bạn tiếp tục gửi câu hỏi và trao đổi với chúng tôi qua số điện thoại nóng: 0965237756 hoặc gửi email tới chương trình tại địa chỉ: giaoluu@kienthuc.net.vn
Thưa bác sĩ Trần Liên Anh, bạn đọc Minh Hương, Vĩnh Phúc, hỏi: “Thưa bác sĩ, cho em hỏi có nên tắm sạch chất gây của trẻ sau khi sinh không? Cách tắm cho em bé như thế nào?”.
Bác sĩ Trần Liên Anh: Thông thường trẻ sơ sinh sinh ra có một lớp bao phủ bên ngoài gọi là chất “gây”. Lớp chất “gây” trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh.
Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch.
Khi tắm cho trẻ cần chú ý tắm bằng nước đun sôi để nguội, nhiệt độ nước tắm khoảng 37 độ C, có thể sử dụng dầu tắm trẻ em/lá chè xanh đun sôi, mướp đắng, hay ít nước cốt chanh vào mùa nóng để phòng rôm sảy. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước chanh về dễ kích ứng da.
Một số trường hợp có nguy cơ viêm da phải sử dụng xà phòng để tắm. Chúng ta nên chọn loại xà phòng chứa dầu thực vât, dầu dừa hay dầu cọ hay chiết xuất từ thảo dược để tắm cho bé. Xà phòng diệt khuẩn trẻ em chỉ sử dụng khi trẻ đã bị viêm da có mủ. Thông thường chỉ tắm cho trẻ khoảng 5 phút, không nên ngâm trẻ quá lâu trong nước. Bố mẹ nên hạn chế sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da cho trẻ.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, nhiều bà mẹ mới sinh, đặc biệt là những người sinh lần đầu, thường rất lúng túng trong thời gian đầu cho con bú. Xin bác sĩ giải thích rõ tại sao sau khi sinh, phụ nữ nên cho con bú mẹ ngay?
Bác sĩ Trần Liên Anh: Trẻ có thể bú ngay sau khi sinh 30 phút, một tiếng đến vài tiếng đồng hồ. Đừng chần chừ hành động này vì nó rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Mấy tiếng sau khi sinh, bầu vú của mẹ sẽ căng mọng lên, sữa non bắt đầu về, đó là thời điểm mẹ nên cho trẻ bú.
Nên cho trẻ bú sữa non vì sữa non là loại sữa tốt nhất, giàu dinh dưỡng nhất, và cung cấp một lượng lớn calo cùng kháng thể giúp trẻ xây dựng hệ thống miễn dịch. Một vài trường hợp sau khi sinh vài giờ, cơ thể mẹ chưa sản sinh sữa, vẫn nên cho trẻ bú vì trẻ bú sớm sẽ tạo điều kiện tốt để kích thích tuyến sữa của mẹ phát triển và sản xuất nhiều sữa. Cho trẻ bú sớm cũng giúp tử cung của người mẹ co hồi tốt hơn.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Vâng, đúng là rất nhiều người quan tâm đến cách cho em bé bú thế nào là đúng. Thưa bác sĩ, một bạn đọc hỏi, cháu tôi mới được 1 tuần tuổi nhưng rất lười bú, hay ngủ khi bú và thường phải khua bé dậy để ăn. Cháu tôi nên bú sữa bao nhiêu mỗi ngày thì đủ?
Bác sĩ Trần Liên Anh: Một bé khỏe mạnh bình thường ăn 7-8 lần trong 24 giờ trong 8 đến 10 tuần đầu và có thể ăn đêm. Một số trẻ sẽ ăn lượng lớn hơn trong vài ngày đầu. Hầu hết trẻ sơ sinh bú 3 giờ mỗi lần, một số trẻ có thể bú 2 giờ mỗi lần. Nếu mẹ chưa đủ sữa có thể cho trẻ ăn thêm sữa công thức theo nhu cầu của trẻ, tổng lượng sữa ăn trong ngày khoảng 1/5 trọng lượng của trẻ. Tuy nhiên, việc bú thường xuyên trong vòng vài ngày sẽ làm tăng nguồn cung cấp sữa.
Để đánh giá trẻ bú đủ có thể dựa vào các dấu hiệu như: Trước khi cho bú bầu ngực của mẹ căng cứng, sau bữa bú bầu ngực của mẹ mềm đi, trẻ đi tiểu sau khi bú, trẻ làm ướt 5-8 bỉm mỗi ngày, trông trẻ khỏe mạnh và tỉnh táo, da không bị vàng nhiều sau 5 ngày sinh, trẻ không muốn uống sữa bình nhiều hơn sữa mẹ và sau tuần đầu tiên sụt cân sinh lí trẻ sẽ tăng cân.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một bạn đọc ở địa chỉ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM hỏi làm cách nào để mẹ có nhiều sữa cho con bú?
Bác sĩ Trần Liên Anh: Việc tiết sữa cũng tùy thuộc vào từng thai phụ. Trong thời kỳ có thai, người mẹ cần được ăn uống đủ chất, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái để tăng cân tốt và có nhiều sữa sau khi sinh.
Khi nuôi con bú, trước hết người mẹ cần được ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường. Hằng ngày ngoài ăn cơm, thịt, cá, trứng, rau, đậu nên ăn thêm quả chín. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.
Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước, nhất là cháo, nước quả, sữa... (mỗi ngày khoảng 2,5- 3 lít). Ðể sữa được tiết ra một cách thuận lợi, tinh thần người mẹ phải thoải mái, tự tin, tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Khi cho con bú, người mẹ nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa...
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn đọc có nick name rất dễ thương là Thỏ Mẹ ở địa chỉ Nhuloan…@yahoo.com cách cho con bú đúng tư thế?
Bác sĩ Trần Liên Anh: Muốn cho trẻ bú tốt cần cho trẻ bú đúng. Tùy theo tư thế thoải mái của mẹ có thể nằm hoặc ngồi cho con bú. Để mẹ và trẻ phối hợp tốt với nhau được thì khi cho trẻ bú bạn nên ngồi trên ghế thấp, cách mặt đất khoảng 40 cm, không có tay vịn. Ở tư thế này, hai chân mẹ sẽ được nâng cao, giúp hỗ trợ đỡ thân trẻ, trẻ không phải “với” cao mới bắt được vú mẹ và mẹ cũng không phải cúi xuống cho con dễ bú, và tránh mẹ bị mỏi lưng khi cho con bú.
Bạn nên chú ý đỡ đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng trên cánh tay của bạn, bụng trẻ áp sát với bụng mẹ. Mặt trẻ đối diện với vú, môi đối diện với núm vú, miệng trẻ mở rộng, cằm chạm vào vú mẹ, môi dưới đưa ra ngoài, trẻ ngậm cả quầng vú, má trẻ phồng ra, khi bú đúng, trẻ sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và bạn có thể nghe tiếng nuốt "ực" của bé.
Khi cho trẻ bú ở vị trí thích hợp, trẻ vừa cảm thấy thoải mái khi bú lại vừa giúp giảm thiểu đau nhức núm vú cho mẹ. Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới đổi bên vú để trẻ bú được cả sữa đầu lẫn sữa cuối. Sau khi bú cần vỗ ợ hơi để tránh trẻ bị nôn trớ hay chướng bụng.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Vâng thưa bác sĩ, tôi thấy nhiều em bé ăn sữa rất tốt nhưng cứ ăn xong là trớ. Nhiều bác sĩ nói đó là do bé đầy hơi. Có cách nào giúp bé ăn xong không bị trớ, bị đầy hơi không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Liên Anh: Nếu bé đang bú một cách ngon lành thì cứ để bé bú thẳng cữ. Sau khi bé ngừng bú để đổi vú hoặc khi bé bú xong, bạn có thể giúp xoa ợ hơi cho bé. Mỗi bà mẹ đều có cách riêng của mình mà họ nghĩ là tốt cho em bé, nhưng sau đây là một vài gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
Mẹ ngồi trên ghế, hơi ngả người về sau, đặt bé lên vai, lấy một tay đỡ mông bé, giữ bé ở tư thế thẳng đứng ngả theo người mẹ, chân bé duỗi thẳng, đó là tư thế ợ hơi tốt nhất, dùng tay còn lại vỗ lưng hoặc xoa lưng cho bé.
Cho bé ngồi vào lòng của bạn, dùng cánh tay ôm bé, để bé chồm người về phía trước một chút, bụng bé dựa vào cánh tay của bạn. Tư thế này có thể ép nhẹ bụng em bé, giúp đẩy hơi ra, dùng bàn tay kia vỗ lưng hay xoa lưng bé. Đặt em bé nằm sấp trên lòng bạn, một tay giữ chắc bé, tay kia vỗ lưng hoặc xoa lưng cho bé.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Xin cảm ơn bác sĩ! Vâng thưa các bạn, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh là vấn đề rất được nhiều bạn đọc quan tâm. Hy vọng những câu trả lời trên của các bác sĩ thỏa mãn phần nào nhu cầu tìm hiểu của quý vị và các bạn khi mang thai và sinh em bé. Còn bây giờ, xin chuyển sang chủ đề cuối cùng của cuộc giao lưu hôm nay: Chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ sơ sinh.
Thưa bác sĩ, xin bắt đầu bằng một câu hỏi về một bệnh khá lạ, hạ đường máu trẻ sơ sinh: “Bác sĩ ơi hạ đường máu của bé sơ sinh là bệnh gì? Chẩn đoán và chữa trị như thế nào?”
|
Bác sĩ Trần Liên Anh |
|
Bác sỹ Trần Liên Anh: Trẻ sơ sinh bị hạ đường máu trong các trường hợp: thai nhi bị stress, mẹ dùng một số thuốc khi mang thai , con bị nhiễm trùng đặc biệt do vi khuẩn gr(-), trẻ sinh ra bị ngạt, bị SDD thai, đa hồng cầu, đẻ non, hay già tháng.
Có một số nguyên nhân hạ đường máu dai dẳng ở con làm tăng tiết insulin như u đảo tụy, hội chứng Beckwwith, adenomatosis, loạn sản tủy… hay do thiếu hormone (tăng trưởng, ACTH, giáp trạng…) hoặc mắc một số bệnh di truyền bẩm sinh như bệnh dự trữ đường typ I, không dung nạp fructose, Galactosemia …
Dấu hiệu khi bé bị hạ đường máu là có cơn ngưng thở, thở không đều hay tím tái, giảm vận động, giảm cơ lực, bú kém, run giật, kích thích, thậm chí là hôn mê
Phòng tránh hạ đường máu cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn sớm ngay sau đẻ . Với trẻ có nguy cơ cao mà chưa có triệu chứng của hạ đường máu thì cũng cần phải cho ăn sớm ngay trong giờ đầu sau sinh, kiểm soát lượng đường trong máu bằng thử test đường hay gửi máu tới labo (phòng thí nghiệm) 30 phút sau mỗi lần cho trẻ ăn, và các bữa ăn cũng thường xuyên hơn, sau 2-3 giờ, có thể phải cho trẻ uống thêm nước đường. Với những trẻ bị hạ đường máu có triệu chứng lâm sàng hay bị hạ đường máu dai dẳng cần được truyền đường tĩnh mạch, hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa nội tiết để dùng thêm thuốc hỗ trợ hay can thiệp ngoại khoa cắt tụy khi đã có chẩn đoán xác định.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một bạn đọc hỏi: “Bác sĩ ơi, em nghe nói một số em bé khi ra đời có thể bị nhiễm trùng rất nguy hiểm, em lo quá vì sắp sinh rồi. Xin bác sĩ cho biết vì sao em bé mới sinh lại bị nhiễm trùng và dấu hiệu ra sao?”
Bác sỹ Trần Liên Anh: Yếu tố nguy cơ nhiễm trùng sớm sơ sinh có thể là mẹ bị vỡ ối trước 18 giờ, nước ối lẫn phân su, có dấu hiệu suy thai, mẹ bị sốt trên 38 độ trước sinh hay bị các bệnh về đường tiêu hóa, đường tiểu, mẹ có các can thiệp sản khoa, khâu cổ tử cung, chuyển dạ sớm, bị nhiễm GBS (liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B) ở các lần có thai trước hay lần này.
Trẻ bị nhiễm trùng sớm thường do bị lây nhiễm phải một số vi khuẩn, virus có sẵn ở đường sinh dục của mẹ (ngược dòng) hay lây nhiễm sớm hơn nữa qua nhau thai, qua đường máu, đặc biệt là khi mẹ bị nhiễm các loại siêu vi trùng nhóm TORCH (Toxoplasmosis, Coxsakievirus, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes Simplex). Với nhiễm trùng muộn thì loại vi khuẩn trẻ có thể bị nhiễm là tụ cầu không đông huyết tương, các loại vi khuẩn gr (-), GBS.
Với nhiễm trùng muộn có thể là: trẻ phải nằm viện lâu, phải can thiệp nhiều như đặt nội khí quản, đặt kim luồn… bị lây chéo trong bệnh viện, có dị tật bẩm sinh ở đường tiểu hay ống thần kinh.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm trùng thường không đặc hiệu, có thể là da tái, li bì , ăn kém khó tiêu , chướng bụng, thân nhiệt không ổn định, tăng hay giảm đường máu , có cơn ngưng thở , tím, rên , thở nhanh, nổi vân tím trên da hay có ban xuất huyết. Về thần kinh trẻ có thể rất li bì hay ngược lại kích thích, thóp phồng, sốt, thậm chí có thể co giật.
Để dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh người mẹ cần phải được quản lí thai sản tốt, tránh sinh non, tránh các tai biến sản khoa, điều trị dự phòng kháng sinh khi nhiễm GBS, vỡ ối sớm và các bệnh nhiễm trùng sinh dục khác, tiêm phòng và có biện pháp đề phòng các bệnh do siêu vi trùng lây qua đường hô hấp.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Xin bác sĩ cho biết trẻ sơ sinh rối loạn tiêu hóa thì có biểu hiện như thế nào?
Bác sỹ Trần Liên Anh: Dấu hiệu gợi ý bệnh lí về tiêu hóa như: trớ sữa, bú kém, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, … Thông thường trẻ sơ sinh ăn 3 h/ 1 lần và đi ngoài 5-10 lần trong một ngày, phân sệt, màu vàng sậm, trẻ tăng cân tốt. Trẻ ăn không đúng cách, ăn quá nhiều trong 1 bữa, số bữa quá dày hay có bệnh lí dị dạng đường tiêu hóa (teo thực quản, teo tắc ruột, phình đại tràng bẩm sinh…) trẻ rất dễ nôn trớ.
Một số trẻ ngậm bắt vú kém, mẹ không có sữa, sử dụng núm ti bình không phù hợp, tư thế bú không đúng làm cho trẻ bú kém, chướng bụng. Khi trẻ chướng bụng có thể nghe thấy tiếng sôi bụng, trẻ dễ nôn trớ, đánh hơi nhiều, tiếng đánh hơi to. Trẻ quấy khóc, khó chịu, hay vặn người, nằm không yên, về sau trẻ đi ngoài nhiều lần, phân có bọt. Khi trẻ đi ngoài trên 10 lần, phân toàn nước, có bọt, không có cái phân là dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy.
Ngoài ra, một số trường hợp trẻ có thể táo bón, 3-4 ngày mới đi ngoài – phân đặc thành khuôn; hay gặp ở trẻ ăn sữa công thức. Riêng các trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh thường đi ngoài phân su muộn, sau đó bị táo bón kéo dài kèm chướng bụng.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Thưa bác sĩ, một số bạn đọc gửi cùng một câu hỏi: Vàng da của bé sơ sinh là do đâu ạ?
Bác sỹ Trần Liên Anh: Ngoài các nguyên nhân gây vàng da sinh lí như tăng tạo bilirubin do thay thế hồng cầu mang HbF, tăng chu trình gan ruột, chức năng gan chưa hoàn chỉnh thì em bé có thể bị vàng da bệnh lí, có thể do:
- Huyết tán : bất đồng nhóm máu ABO (nếu mẹ nhóm máu “O”, con “A” hoặc “B”, Rh (mẹ Rh “ _” con Rh (+), thiếu men G6PD, bệnh lí hồng cầu-Hb (thalasemia)
- Đa hồng cầu
- Nhiễm trùng, ngạt sau đẻ
- Tiêu các khối máu tụ, xuất huyết não màng não, bướu máu
- Bệnh có tính chất gia đình (thiếu men chuyển bilirubin thành trực tiếp tại gan
- Vàng da liên quan đến sữa mẹ (ăn thiếu, tăng cân chậm hay do sữa mẹ)
- Một số thuốc mẹ dùng có thể làm tăng bilirubin máu ở con: Aspirin, Sulfomids, ocytoxin, bethametazone.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Bác sĩ có nói đến vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý, hai loại này phân biệt như thế nào, điều trị ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sỹ Trần Liên Anh: Vàng da sinh lí trẻ chỉ bị vàng từ mặt đến rốn, thường xuất hiện từ ngày thứ 2 -3 sau đẻ, màu da vàng cũng rất nhạt như màu quả chanh chín, trẻ không có các biểu hiện bất thường về thần kinh, ăn ngủ và màu phân vàng bình thường.
Vàng da bệnh lý (quá mức) thường xuất hiện sớm hơn sau đẻ (có thể trong vòng 24 giờ đầu sau sinh). Vàng da đậm như màu nghệ, tăng nhanh, lan xuống thân, chân tay, đồng thời có kèm các biểu hiện bất thường như li bì, bỏ bú (đây là giai đoạn báo động của tổn thương não). Nếu trẻ được phát hiện sớm ở giai đoạn này và được điều trị kịp thời bằng chiếu đèn thì không những tránh phải thay máu mà còn có tiên lượng rất tốt. Ngược lại, nếu đã bị vàng da đậm toàn thân, có các biểu hiện tổn thương não nặng như bỏ bú, cơn co cứng toàn thân, cơn soắn vặn chân tay, cơn ngừng thở, sốt mà không được điều trị thì tiên lượng xấu hơn.
Có 3 phương pháp chính để điều trị trẻ vàng da. Đó là dùng thuốc, chiếu đèn, và thay máu. Tuỳ từng trường hợp , có thể phải phối hợp cả 3 phương pháp để điều trị cho 1 trẻ bị vàng da nặng. Chiếu đèn: là liệu pháp ánh sáng, được sử dụng rộng rãi trong điều trị trẻ vàng da rất hiệu quả. Bilirubin trong máu là tinh thể có màu vàng, khi hấp thu ánh sáng (chiếu qua da) sẽ chuyển thành một hợp chất hoà tan trong nước và nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Chiếu đèn rất an toàn , dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn.
Thay máu là biện pháp cuối cùng trong điều trị trẻ vàng da nặng khi chiếu đèn không hiệu quả hay trẻ bị vàng da nặng đến muộn, có nồng độ bilirubin trong máu quá cao. Khi thay máu ta có thể lấy được nhanh bilirubin đang lưu hành trong lòng mạch, dẫn đến giảm bilirubin trong máu và nhờ đó cũng giảm được bilirubin ở ngoài tổ chức.
MC Nguyễn Miền Biên Thùy: Cảm ơn bác sĩ. Xin được gửi đến bác sĩ câu hỏi của bạn Thu Hương, Đống Đa, Hà Nội: “Con của bạn tôi 2 tuần tuổi đã bị suy hô hấp, mặc dù lúc mới sinh bé rất khỏe mạnh. Xin hỏi tại sao bé sơ sinh bị suy hô hấp, cách phát hiện và xử lý tức thời như thế nào?”
Bác sỹ Trần Liên Anh: Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Rối loạn nhịp thở: trẻ thở nông, nhanh, thở không đều, nhịp thở nhanh trên 60 lần/ phút hoặc thở chậm dưới 40 lần/ phút.
- Trẻ có biểu hiện khó thở: co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, lõm hõm ức hay mũi ức; di động của ngực và bụng không nhịp nhàng theo nhịp thở, cánh mũi phập phồng, có tiếng rên ở thì thở ra.
- Tím: tím toàn thân ,quanh môi hay tứ chi.
Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ gồm:
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương:
- Bệnh lý về tim mạch: Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là tam chứng, tứ chứng fallot.
- Bệnh của hệ hô hấp: bệnh màng trong, xẹp phổi, chảy máu phổi, viêm phế quản, viêm phổi, tắc lỗ mũi sau, có chướng ngại vật ở đường hô hấp (đờm dãi, sữa).
- Trẻ bị hạ đường huyết hoặc hạ thân nhiệt.
Ta phải tìm cách để em bé dễ thở hơn bằng cách thay đổi vị trí nằm của bé, hút dịch nếu bị tắc mũi,… và nhanh chóng đưa em bé đến bệnh viện.
|
Phó TTK báo điện tử Kiến Thức và các bác sĩ, MC chương trình giao lưu trực tuyến "Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời". |
Thưa các bạn, trong hơn 1 giờ vừa qua, chúng ta đã được biết đến rất nhiều thông tin hữu ích từ chăm sóc thai nhi, chẩn đoán sớm, chăm sóc bé sơ sinh và những bệnh trẻ sơ sinh có thể mắc phải và cách điều trị.. Còn khá nhiều câu hỏi của độc giả liên quan đến chủ đề hôm nay: “Tầm soát thai nhi – Bé khỏe chào đời”, nhưng do thời lượng chương trình có hạn, chúng tôi sẽ gửi đến các bác sĩ để trả lời quý vị và các bạn sớm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec và nhãn hàng Pro-Mom đã nhiệt tình tham gia chương trình.
Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm theo dõi!
Xin hẹn gặp lại ở cuộc giao lưu trực tuyến lần sau!
Kiến Thức