Giám sát gắt gao, bác sĩ sẽ hết nhận phong bì?

Google News

(Kiến Thức) - Muốn thực hiện được triệt để vấn nạn phong bì thì tự thân các bệnh viện phải có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mình.

Trao đổi với Kiến Thức, TS.BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình của Bộ Y tế về nâng cao y đức đối với bác sĩ và “nói không với phong bì”, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp và bước đầu thu được kết quả tốt.

Ngoài những biện pháp chung do Bộ Y tế hướng dẫn triển khai như: Ký cam kết với toàn bộ các khoa và cán bộ trong bệnh viện về việc không nhận quà biếu trước và trong quá trình điều trị hay xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như nhận phong bì của bệnh nhân …Bệnh viện cũng đã áp dụng những biện pháp riêng để giải quyết vấn nạn này.
 Bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo ông Ánh, bệnh viện đã lập Ban giám sát y đức, đồng thời tiến hành họp lấy ý kiến của bệnh nhân 2 tuần một lần nhằm thông qua bệnh nhân để phát giác những hiện tượng tiêu cực và bệnh nhân cũng là một bộ phận tham gia bỏ phiếu tín nhiệm các bác sĩ, khoa, phòng. 

Không những thế, trong tất cả các phòng bệnh, phòng mổ và những nơi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân, bệnh viện tiến hành lắp camera giám sát toàn bộ hoạt động của nhân viên, điều dưỡng và các bác sĩ làm việc …

Tiến tới, bệnh viện sẽ áp dụng thanh toán tiền viện cho bệnh nhân qua thẻ. Bác sĩ Ánh khẳng định, với biện pháp này không những kiểm soát được nạn “hối lộ phong bì” trong bệnh viện mà còn giúp làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện, giúp chấm dứt tình trạng xếp hàng chờ đóng tiền viện phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, bệnh viện này đã triển khai triệt để tới các cán bộ y tế về “Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện” trước khi chương trình ký kết thí điểm cho 5 bệnh viện do Bộ Y tế phát động động trong thời gian gần đây.

Khi nói đến vấn nạn phong bì trong bệnh viện, vị giám đốc này trả lời: “Với tôi, phong bì chẳng là gì cả. Tôi khẳng định, chúng tôi hoạt động không vì phong bì mà vì cứu người, vì bệnh nhân”. Theo ông Quyết, chính cơ chế tài chính hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến tiêu cực đối với nhân viên y tế.

Đối với việc xử lý như thế nào để hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng này, ông Quyết cho biết, nếu bệnh viện Việt Đức phát hiện tình trạng nhận phong bì của bệnh nhân thì sẽ tiến hành kỷ luật thật nặng, thậm chí sẵn sàng đổi việc ngay lập tức. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó không phải là đơn giản, vì thế ngoài việc ký cam kết thực hiện “nói không với phong bì” thì cần phải huy động cả tập thể giám sát chứ chỉ có vài người thì không thể kiểm soát được.
 Một trong số những biện pháp mà Bệnh viện K áp dụng để giải quyết vấn nạn phong bì. Ảnh: Nam Phương.

Ngoài những cách triển khai theo chiều sâu ở các bệnh viện trên, ở một số bệnh viện khác việc triển khai phong trào “nói không với phong bì” cũng được đẩy mạnh. Tại các bệnh viện như Phụ sản Trung ương, bệnh viện K … còn phát động hẳn những hình thức rầm rộ như treo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “Sự hài lòng của bệnh nhân là niềm tự hào của chúng tôi”, “Không lạnh lùng và cáu gắt với người bệnh và người nhà người bệnh trong bất kỳ tình huống nào”; “không nhận tiền, quà biếu của người bệnh khi điều trị tại bệnh viện”…

Tuy nhiên, chỉ bằng tuyên truyền và giám sát gắt gao, sự cám dỗ từ những chiếc phong bì liệu có dẹp được, vẫn là mối nghi ngại lớn trong dư luận.


TIN LIÊN QUAN

Lê Phương