Dược liệu nhập khẩu: Có chất gây ung thư!

Google News

Vụ Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) vừa công bố: nhiều loại dược liệu đang sử dụng, lưu hành ở Việt Nam có nhiễm hóa chất, thậm chí cả xi măng...

- Vụ Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) vừa công bố: nhiều loại dược liệu đang sử dụng, lưu hành ở Việt Nam có nhiễm hóa chất, thậm chí cả xi măng... gây hại cho sức khoẻ. Nhiều loại dược liệu nhập từ Trung Quốc bị làm giả hoặc chứa hóa chất... Phóng viên đã trò chuyện với TS Lê Việt Dũng, Viện dược liệu, Bộ Y tế về vấn đề này.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tại sao lại rẻ như vậy!

Theo Vụ Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế): Kết quả lấy mẫu, kiểm nghiệm trên hơn 400 mẫu dược liệu được lấy tại 70 cơ sở khám bệnh, khoa y học cổ truyền tại năm tỉnh/thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương cho thấy, nhiều vị thuốc không đảm bảo chất lượng hiện đang được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tính riêng đợt một, với tổng số 193 mẫu, đã có tới 66% số mẫu không đạt chỉ tiêu so với tài liệu Dược Điển Việt Nam. Nhiều vị thuốc dễ gây sự nhầm lẫn giữa các loại (như khó phân biệt), trộn lẫn hóa chất, không đạt chỉ số về hoạt chất.
Theo ông, tại sao ở Việt Nam lại đi nhập dược liệu ở nước ngoài? Phải chăng vấn đề trồng và sử dụng dược liệu ở nước ta có khó khăn?

Y học cổ truyền sử dụng nhiều vị thuốc khác nhau. Số lượng dược liệu do vậy sử dụng rất nhiều, có tới hàng trăm loại. Tuy nhiên, cụ thể với từng loại dược liệu, nhu cầu thực sự lại không nhiều, chỉ là vài tấn đến vài trăm tấn. Chính vì vậy, đối với một đơn vị hay một doanh nghiệp, việc phát triển trồng chưa thu hút họ vì chưa đủ để nhìn thấy “đầu ra” về kinh tế.

Hiện nay, nguồn cung cấp dược liệu chủ yếu là từ thu hái tự nhiên trong nước (chiếm 20%), số được trồng chiếm 26%, số nhập khẩu chiếm 54%. Dược liệu nhập chính ngạch chỉ chiếm số lượng nhỏ. Việc dược liệu nhập theo con đường tiểu ngạch qua biên giới, sau đó bán ở các chợ đầu mối khiến chất lượng rất khó kiểm soát.

Cụ thể của việc khó kiểm soát chất lượng như ông nói là gì?

Tức là dược liệu nhập về có thể đã được chiết hoạt chất, chỉ còn cái “xác”. Bản thân Viện Dược liệu có đoàn đi tham khảo, khảo sát các chợ dược liệu ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Giá dược liệu tại đây đắt gấp nhiều lần so với cùng chủng loại nhập về Việt Nam. Tại sao cũng dược liệu ấy ở Việt Nam lại rẻ như vậy? Chắc chắn điều này có liên quan đến chất lượng của dược liệu nhập khẩu.

Không được phép không đảm bảo

Chẳng biết thuốc có tác dụng đến đâu mà uống vào lại uống cả hóa chất, xi măng thì sợ quá!

Nó cũng giống như rau quả, nếu vì sợ chẳng lẽ lại không dám ăn? Vấn đề là mua ở đâu, nguồn ở đâu, có chính ngạch không, có được kiểm soát hay không? Người dân khi đi mua dược liệu nên đến nơi đã được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường.

Được biết dược liệu được chia ra làm nhiều loại: Loại 1, 2, 3, 4. Và hiện nay có cơ chế đấu thầu dược liệu. Như vậy, nhiều cơ sở sẽ tham dược liệu rẻ.

Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Đấu thầu rẻ nhưng không được phép không đảm bảo chất lượng. Dược liệu lưu hành, sử dụng phải đạt tiêu chuẩn như trong yêu cầu của Dược Điển. Nếu mua dược liệu rẻ, không đảm bảo chất lượng, có thể người bệnh uống vào cũng không sao, nhưng đáng lẽ chỉ uống 5 thang lại phải uống nhiều hơn thế mới khỏi bệnh. Như vậy là làm nghèo người bệnh!

TS Lê Việt Dũng, Viện dược liệu, Bộ Y tế.
TS Lê Việt Dũng, Viện dược liệu, Bộ Y tế.

Dược liệu, rau sạch đều là vấn đề nhức nhối

Tình hình dược liệu được trồng ở Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Như đã trao đổi, dược liệu trồng chiếm khoảng 26% nhu cầu sử dụng trong nước. Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành khác đang khuyến khích và có những chính sách phát triển trồng dược liệu. Đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 40 cây thuốc có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường tại Quyết định số 15/QĐ-BYT ngày 04/01/2012.
 
Danh mục các cây thuốc được lựa chọn theo các tiêu chí sau: Có nhu cầu sử dụng lớn trên thị trường và được dùng làm nguyên liệu để sản xuất thuốc và dùng trong Đông y; cây thuốc có thế mạnh của Việt Nam, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế lớn; có khả năng nuôi trồng và phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp; các sản phẩm từ cây thuốc có thị trường hướng tới xuất khẩu nguyên liệu thô và các sản phẩm từ dược liệu. Tuy nhiên, để trồng và phát triển các dược liệu này, cần nguồn lực rất lớn.

Viện Dược liệu không tổ chức việc trồng dược liệu sao?

Viện Dược liệu có nhiều dự án nghiên cứu tạo giống, nhân giống, nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển vùng trồng. Ví dụ như nghiên cứu về sâm ngọc linh, đẳng sâm, hà thủ ô... Trong đó, có nhiều dự án rất thành công như dự án phát triển trồng Sa nhân trên đất bạc màu ở vùng Đại Từ, Thái nguyên do ADB tài trợ. Tuy nhiên, qua việc thực hiện các dự án, đầu ra cho người nông dân, doanh nghiệp vẫn là luôn là bài toán khó để việc phát triển trồng dược liệu được bền vững.

Nói như ông thì có thể hiểu: Việc nhập dược liệu sẽ vẫn còn tiếp tục?

Trên thực tế, đúng là thế. Một số dược liệu vẫn phải nhập do chúng ta không thể trồng được vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hoặc có trồng được nhưng không phải là thế mạnh, không cạnh tranh được với dược liệu nước ngoài. Như Sâm Triều Tiên nếu có nhân giống trồng ở Tam Đảo thì cũng cho sản lượng cũng như chất lượng không dám khẳng định là như trồng ở tại Triều Tiên. Đấy là chưa kể một số vị thuốc Bắc vẫn phải nhập từ Trung Quốc (như tam thất, đỗ trọng...) dù ở ta cũng có...

Như vậy, việc dược liệu không “sạch”, nhập tiểu ngạch, không đảm bảo chất lượng sẽ vẫn còn tái diễn...

Vấn đề dược liệu không đảm bảo chất lượng chỉ có thể hạn chế qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát, truy hồi nguồn gốc dược liệu. Trở lại vấn đề như rau sạch. Làm sao thống kê được rau nào sạch, rau nào không sạch. Dược liệu cũng như rau sạch đều là vấn đề nhức nhối của xã hội, cần tất cả các ban ngành, các cơ quan chức năng có liên quan, trong đó Bộ Y tế đóng vai trò chủ đạo phối hợp cùng người dân cùng tham gia... giám sát, kiểm tra chất lượng, xác định nguồn gốc. Người dân khi phát hiện nơi nào sản xuất, bán dược liệu không đảm bảo cũng cần có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan chức năng...

Xin cảm ơn ông.
Cả 3 loại dược liệu nhập từ Trung Quốc là bạch linh, thỏ ty tử và hồng hoa bị làm giả rất nhiều. Kết quả xét nghiệm mẫu bạch linh cho thấy, 80% được làm từ cacbonnat, thỏ ty tử có trộn bột xi măng và hồng hoa phát hiện chất gây ung thư và có cả hóa chất nhưng chưa rõ hóa chất gì nhưng việc sử dụng các hóa chất này đều gây tác hại cho gan, thận... Trong khi đó, đây là ba vị được sử dụng rất thường xuyên trong các thang thuốc. Như bạch linh chữa thẩm thấp, kị tỳ (sử dụng trong bài lục vị) chữa bệnh thận âm hư; hồng hoa dùng hoạt huyết cho phụ nữ; thỏ ty tử dùng bổ thận...
Hoài Hương (Thực hiện)
[links()]