Vậy thì chương trình này sẽ được triển khai thế nào?
Chi tiết nhưng vẫn mông lung
Về mục tiêu, Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế đặt mục tiêu chung là phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cho cộng đồng.
Mục tiêu cụ thể là trong thời gian từ tháng 7 đến hết năm 2021 phải hoàn thành tiêm vắc xin tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021. Hết quý 1 năm 2022 phải tiêm được trên 70% dân số. Và phải đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, không hiểu do quá vội hay chưa lường hết, quyết định tiêm chủng của bộ y tế có khá nhiều điểm mù mờ trong kế hoạch tổ chức và đối tượng tiêm.
Chẳng hạn, về phạm vi triển khai Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế xác định tiến hành tiêm chủng trên quy mô toàn quốc. Trong đó ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
Sau đó đến các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ. Tiếp đó là các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư. Cuối cùng là các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Về đối tượng tiêm, Bộ Y tế xác định không phân biệt tiêm cho các đối tượng thuộc các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, bao gồm cả nhà nước và tư nhân. Trong đó, nguyên tắc được nhấn mạnh là ưu tiên (tiêm trước) cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.
Để dễ diễn đạt những phân tích phía dưới, chúng tôi nhận thấy cần trích nguyên văn các ưu tiên mà Bộ Y tế xác định trong Quyết định 3355/QĐ-BYT. Đó là:
“a) Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);
b) Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...);
c) Lực lượng Quân đội;
d) Lực lượng Công an;
đ) Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam4;
e) Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;
g) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;
h) Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;
i) Người mắc các bệnh mạn tính; Người trên 65 tuổi;
k) Người sinh sống tại các vùng có dịch;
l) Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;
m) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
n) Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp5 (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế...cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;
o) Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;
p) Người lao động tự do;
q) Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế”
Nhìn vào bố cục xắp xếp, có thể hiểu đây là thứ tự ưu tiêm tiêm trước hoặc sau. Nhưng đối tượng “chi tiết”, thì được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái, từ trên xuống dưới, theo các cụm đối tượng mà Bộ Y tế xác định có nguy cơ cao, cần được ưu tiên.
Việc không đánh số thứ tự ưu tiên có thể được diễn giải bằng cách cơ quan quản lý muốn có nhiều hơn sự linh hoạt trong tổ chức chiến dịch tiêm, thay vì “cứng hóa” trong một khuôn mẫu cứng nhắc.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ý kiến nhiều doanh nghiệp được hỏi cho biết, việc sắp xếp này có thể phát động một cuộc đua chạy chọt để được tiêm chủng trước, thay vì giúp doanh nghiệp tự xác định được mình thuộc đối tượng ưu tiên số mấy.
Thậm chí, trong điều kiện ưu tiêm tiêm cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu hay đối tượng thường xuyên tiếp xúc với nhiều người… còn bỏ sót khá nhiều đối tượng (gồm hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước). Chẳng hạn như nhân viên siêu thị, người bàn hàng tại chợ, nhân viên giao hàng…
Nguy cơ vỡ trận ?
Trao đổi với một doanh nghiệp tại Hải Phòng (đề nghị không dẫn tên) được biết, doanh nghiệp này đang vô cùng lo ngại trước nguy cơ suy giảm lao động nếu diễn biến dịch thêm phức tạp.
“Dù Hải Phòng chống dịch tốt, ít ca nhiễm, nhưng công ty chúng tôi cũng có khoảng 5% lao động nghỉ việc do lo sợ bị nhiễm Covid-19. Vì xưởng sản xuất luôn tập trung đông công nhân, dễ lây nhiễm. Chúng tôi cũng đã đề đạt nguyện vọng được tự bỏ tiền tiếp cận nguồn vắc xin, hoặc thuê tiêm dịch vụ cho công nhân… để đảm bảo sản xuất, nhưng được trả lời là cứ chờ đã. Công ty rất lo lắng và thực ra không có phương án khác đối phó tình trạng công nhân nghỉ hàng loạt nếu dịch lan rộng” - đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Tại TPHCM và các tỉnh lân cận, nơi dịch COVID-19 đang diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, có nguy cơ lây lan vào các hệ thống chuỗi cung ứng, bán lẻ và các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều doanh nghiệp cũng có lo ngại tương tự.
Theo đại diện Masan, doanh nghiệp này hiện mới có khoảng 6.500 trong tổng tổng số 40.000 nhận sự được tiêm vắc xin. Đây là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu, với 30 nhà máy, chủ yếu là các tổ hợp chế biến thực phẩm tại hàng chục tỉnh thành. Đồng thời cũng là doanh nghiệp vận hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với gần 2.500 điểm.
Trước và trong dịch, hệ thống các nhà máy sản xuất của Masan đã vận hành gấp nhiều lần công suất để phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài việc đã số các nhà máy đã vận hành vượt công suất, sản xuất ca kíp liên tục thì hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp này đã cung cấp mặt hàng thực phẩm rau củ hoa quả tăng 20 lần, hàng tươi sống tăng gấp 7-8 lần so với trước.
“Chúng tôi đang dốc toàn lực để cung ứng đầy đủ và thường xuyên hàng hóa nhu yếu phẩm, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Khó mấy chúng tôi cũng phải xoay xở cố gắng làm để đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu đang tăng cao” - đại diện Masan cho biết.
Tuy nhiên, xác nhận đang gặp khó với việc tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân, đại diện Masan từ chối cho biết bao giờ doanh nghiệp này hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ số lượng công nhân. “Nguy cơ với nhân viên của chúng tôi là rất cao. Do nhân viên siêu thị phải làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều người, cường độ cao do nhu cầu tăng vọt. Nhân viên sản xuất cũng tương tự do làm việc nơi tập trung đông người. Nhưng hiện các đối tượng này không thể hiện rõ trong danh sách ưu tiên tiếp cận vắc xin. Chúng tôi đang nỗ lực tối đa để tìm kiếm nguồn vắc xin tiêm cho công nhân đảm bảo sản xuất, bán lẻ” - vị này cho biết.
Đại diện Masan xác nhận lo ngại hiện tượng công nhân bỏ việc do sợ nhiễm Covid-19. Đặc biệt khi doanh nghiệp có nhiều nhà máy trong vùng dịch và nhân viên bán lẻ phải thường xuyên tiếp xúc khách hàng. Tình hình nhân sự các khâu sản xuất, chuỗi cung ứng và bán lẻ đang rất căng thẳng, nếu nhân viên nghỉ việc hàng loạt chắc chắn Masan không thể đảm bảo nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch lan rộng, diễn biến khó lường như hiện nay - đại diện Masan xác nhận.
Dũng Quốc