Bệnh lý nguy hiểm
Bệnh nhân là bà Lê Thị T. (86 tuổi ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) đi khám vì đau âm ỉ ở vùng ngực trái. Bà T. cho biết, suốt một tháng nay, bà thường có triệu chứng đau ngực sau xương ức, lan sau lưng, đau liên tục và âm ỉ ngay cả khi nằm. Dù đã được điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, kết quả các xét nghiệm và chụp phim CT ngực - bụng có cản quang cho thấy, bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực. Đáng nói, túi phình của bệnh nhân có đường kính đến 6,5cm (bình thường dưới 4cm), vị trí túi phình ở đoạn quai xa và đoạn đầu động mạch chủ ngực xuống.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, động mạch chủ là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, đi xuống động mạch chủ ngực và động mach chủ bụng, cho các nhánh dẫn máu đến các tạng và các bộ phận trong cơ thể. Động mạch chủ ngực chia thành động mạch chủ ngực lên, quai động mạch chủ, động mạch chủ ngực xuống. Phình động mạch chủ là tình trạng thành động mạch chủ thoái hóa, yếu đi và phình to ra.
Khối phình sẽ tăng dần kích thước theo thời gian, lớn quá có thể chèn ép và làm tổn thương mạch máu, thần kinh lân cận, gây ra tình trạng rối loạn tưới máu khu vực. Cục huyết khối dễ hình thành trong túi phình, khi rời ra trôi theo dòng máu có thể gây tắc mạch làm tổn thương các tạng hoặc đột quỵ. Khi khối phình bị nứt hoặc vỡ sẽ gây xuất huyết nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
|
TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đang phẫu thuật cho bệnh nhân T. |
Áp dụng thành công kỹ thuật mới
Phương pháp điều trị tiêu chuẩn của phình quai động mạch chủ ngực là phẫu thuật mở, đòi hỏi phải ngưng tuần hoàn tạm thời, sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất lớn, nhiều nguy cơ, thời gian hồi sức kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nặng. Do đó, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã áp dụng phương pháp điều trị mới là đặt giá đỡ có phủ cho động mạch chủ ngực (phương pháp Tevar).
Túi phình nằm ở đoạn quai động mạch chủ là nơi xuất phát của những mạch máu nuôi não và tay, khi đặt giá đỡ sẽ cản trở dòng máu đi vào một số nhánh quan trọng nên trước khi đặt giá đỡ một vài ngày, cần thực hiện phẫu thuật kết hợp tức là làm một số cầu nối giữa giá đỡ với các nhánh lớn của quai động mạch chủ để bảo toàn việc tưới máu cho não và tay.
Để giảm thiểu nguy cơ, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành làm các cầu nối qua các đường rạch da ở cổ mà không phải mở ngực, giúp cho ca mổ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Sau khi được điều trị, bệnh nhân T. hồi phục nhanh chóng, tỉnh táo hoàn toàn, không yếu liệt tay chân, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh và được xuất viện sau 6 ngày. Tái khám sau một tuần sau, bệnh nhân cảm thấy khoẻ, có thể sinh hoạt bình thường, ăn uống được, không còn đau ngực, kiểm tra CT ngực cho kết quả tốt.
Đây là trường hợp đầu tiên bị phình động mạch chủ ngực được điều trị bằng phương pháp Tevar tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Trong tương lai, việc áp dụng phương pháp mới này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và hy vọng cho bệnh nhân vì ít biến chứng, tỷ lệ tử vong thấp, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ cao, cần được can thiệp tối thiểu.
Bùi Hương