Qua kiểm tra bước đầu, đã phát hiện nhiều loại thuốc quá date và cận date tại nhà thuốc bệnh viện (BV). Cụ thể, tổ xác minh phát hiện tại kho lẻ (kho chứa thuốc xuất bán) của nhà thuốc nhiều loại thuốc đã quá date và cận date gồm: Vidaup (loại viên) hạn dùng ngày 2.12.2012; Dozanavir (viên) hạn dùng 5.2012; Onfran (viên) hạn dùng 7.2010; Genecalcin (lọ) hạn dùng 9.2010; Beathricin (viên) hạn dùng 4.2011; Cyclonamin (ống) hạn dùng 6.2011. Còn tại kho chẵn (kho nhập vào) của nhà thuốc thì có: Onfran (viên) hạn dùng 10.2010; Glyceryl trinitrat (ống) hạn dùng 3.2010; Macwin (viên) hạn dùng 2.2010; Supervin (viên) hạn dùng 6.2010; Beathricin (viên) hạn dùng 4.2011; Neocoline (ống) hạn dùng 7.2012; Dolibarax hạn dùng 11.2012; Hepalon (viên) hạn dùng 3.2011; Correctol hạn dùng 5.2012.
Trong số những thuốc trên, đã có thuốc được bán ra cho người bệnh đến khám bệnh ngoại trú tại đây.
|
Nhà thuốc Bệnh viện 115 - nơi bị phản ánh bán thuốc hết hạn cho người bệnh |
Cho người xóa dấu vết?
Theo tìm hiểu của PV, sau khi sự việc bị phát hiện, quản lý và một số người của nhà thuốc tìm nhiều cách đối phó, “sửa sai” bằng cách cho người đến nhà bệnh nhân để trả tiền, đổi thuốc và nhờ xác nhận vào giấy viết tay. Sau đó, dược sĩ Huỳnh Hiền Trung, người phụ trách nhà thuốc có những giải trình, báo cáo không đúng sự thật với lãnh đạo BV. Lãnh đạo BV cho biết sẽ kiên quyết xử lý vụ việc này.
Đối với thuốc hết hạn dùng Dozanavir (thuốc kháng histamin), ông Huỳnh Hiền Trung cho rằng “nhà thuốc không giao thuốc cho bệnh nhân mà đã đưa thuốc vào khu biệt trữ”. Thế nhưng, thực tế qua đối chiếu các hóa đơn, số liệu kiểm kê và xuất bán tại các thời điểm tương ứng, tổ xác minh nhận thấy nhà thuốc đã bán thuốc Dozanavir (5 mg) quá hạn dùng (hạn dùng 18.5.2012), số lô 9238001, với hóa đơn bán thuốc CH10123299 ngày 23.10.2012 cho một bệnh nhân tại TP.HCM và hóa đơn số CH10127220 ngày 30.10.2012 cho một bệnh nhân ở tỉnh. Trên các hóa đơn cùng toa thuốc đều đóng mộc “đã giao thuốc”. Các chứng từ thẻ kho, xuất bán trong tháng 10.2012, biên bản kiểm kê đều thể hiện xuất bán thuốc cho các bệnh nhân trên. Khi bị phát hiện, ông Trung đã cho nhân viên của mình đến nhà hai bệnh nhân để trả lại tiền với lý giải là nhà thuốc giao thiếu thuốc (và giao thiếu đúng loại thuốc quá date nói trên (?!)), và nhờ bệnh nhân ghi giấy xác nhận việc trả lại tiền.
Đối với thuốc cận date là Vidaup (thuốc giảm mỡ máu), số lô số 016391, hạn dùng 2.12.2012, tổ xác minh của BV phát hiện nhà thuốc đã bán cho rất nhiều bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân được bán từ 30 - 60 viên để uống dài ngày và khi họ chưa uống hết thuốc thì thuốc đã hết hạn dùng. Tuy nhiên, người bệnh không thể biết vì nhà thuốc chỉ để số lô thuốc chứ không hề để hạn dùng của thuốc trên hóa đơn bán thuốc cho người bệnh!
Điều đáng nói là, đây không phải lần đầu nhà thuốc này bị phát hiện sai phạm. Trước đó cũng đã có những sai phạm xảy ra ở đây và đã bị dư luận phản ánh.
Được biết, doanh thu của nhà thuốc này là từ 8 - 10 tỉ đồng mỗi tháng. Việc trà trộn các thuốc quá date, cận date vào để bán cho người bệnh là rất nguy hiểm, chưa nói những người có liên quan hưởng lợi từ việc làm này là không nhỏ. Bởi chưa cần quá date, chỉ với những thuốc cận date thôi, có những công ty bán tháo với giá rất rẻ!
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Theo Thanh niên