Đa số trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt

Google News

Trẻ tự kỷ có tài năng đặc biệt về âm nhạc, hội họa, tin học… là có thật, nhưng làm thế nào để phát hiện và duy trì khả năng thiên bẩm đó, lại là việc không dễ chút nào.

Đó là ý kiến của Bác sĩ Quách Minh Thúy, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương khi trao đổi với PV báo Infonet về những khả năng được cho là đặc biệt của trẻ tự kỷ.

Thưa bà, có phụ huynh có con tự kỉ phát hiện ra con mình có những "tài năng" đặc biệt và họ rất hy vọng có thể phát triển tài năng đó cao hơn. Bà có ý kiến gì về những trường hợp đặc biệt này?

Thông thường, tự kỷ có 2 loại đó là tự kỷ trí tuệ kém và tự kỷ trí tuệ khá hoặc trung bình. Trong đó tự kỷ chậm trí tuệ chiếm phần lớn. Có khoảng 5-7% trẻ có chứng tự kỷ chức năng cao. 

Những trẻ tự kỷ được gọi là chức năng cao khi trẻ có trí tuệ vào loại khá, nhiều trẻ có năng khiếu đặc biệt như biết đọc số, đọc chữ từ rất sớm hoặc cộng, trừ nhân chia giỏi, có thể nhớ số điện thoại rất tốt. Nhưng đọc xong trẻ không hiểu, trẻ tính toán rất nhanh nhưng đó chỉ là sự máy móc.

Một số cháu có năng khiếu đặc biệt về điện tử, hội họa, đàn và âm nhạc. Cháu không quan tâm tới bất cứ lĩnh vực xã hội nào khác mà chỉ biết và yêu thích 1 lĩnh vực nhất định trẻ có năng khiếu.

Điều này được lý giải là do sự phát triển không đều và sự liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các vùng của não trẻ tự kỷ. Thông thường, ở những đứa trẻ bình thường có những vùng não phát triển tốt hoặc phát triển không cân bằng nhau nhưng sự liên hệ giữa các vùng thì chặt chẽ và logic. 

Tuy nhiên, ở những cháu tự kỷ có khả năng đặc biệt có vùng não nào đó phát triển tốt nhưng giữa các vùng của não liên hệ với nhau rất kém. Não có nhiều vùng như: vùng trán, vùng chẩm, vùng thái dương, vùng trung tâm, vùng cảm giác, vùng vận động… Những đứa trẻ tự kỷ chức năng cao đó chỉ có 1 vùng phát triển nhưng sự liên kết giữa các vùng kém, liên kết giữa các vùng bán cầu não trái và phải không chặt chẽ, lỏng lẻo. 
 Bác sĩ Quách Minh Thúy, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương: Khả năng phát triển thành "thiên tài" ở trẻ tự kỷ là có nhưng đếm trên đầu ngón tay. Ảnh NL

Bác sĩ đã từng gặp ca trẻ tự kỷ nào có những khả năng đặc biệt này?

Tôi đã gặp có trường hợp cháu bị tự kỷ nghe ai nói gì thì đều nhớ ngay. Có trẻ còn nhỏ tuổi, khi hỏi về bệnh đái đường, cháu đọc được toàn bộ những vấn đề liên quan đến bệnh lý này: về cơ chế, những biến đổi sinh học, những sinh hóa rất dài và những kết hợp rất khó nhưng cháu bé nhớ và thuộc hết. Bé nói vanh vách. Nếu không có sự kiểm chứng thì bố mẹ, người thân cứ ngỡ đó là thần đồng, là thiên tài thực sự. 

Nhưng việc nhớ và đọc lại như vậy là do trí nhớ máy móc còn bản chất thì không hiểu. Bộ não như rô bốt, có thể nói và đọc lại tất cả những gì nó đã đọc dù chỉ là một lần. Còn có những cháu hỏi số điện thoại của mọi người thân hay địa chỉ nhà, bé nhớ rất tốt nhưng khi hỏi những thứ đơn giản như tên gì, học trường nào, lớp nào… thì không nhớ. Điều đó có nghĩa là có sự phát triển bất thường của một vùng nào đó.

Khả năng đặc biệt là có, vậy người lớn chúng ta có thể làm cho trẻ phát triển thành thiên tài thực sự như bé Nguyễn Thế Vinh, 13 tuổi, thần đồng Piano?

Trong những đứa trẻ tự kỷ chức năng cao để phát triển thành "thiên tài" hay "thần đồng" về lĩnh vực nào đó, thực sự là có nhưng rất hiếm. Phần lớn trẻ chỉ có khả năng nhớ máy móc, có năng khiếu về khía cạnh nào trong thời gian không ổn định chứ không toàn diện.
 Trung bình mỗi buổi sáng ở khoa tâm bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương khám từ 50-60 trẻ có triệu chứng tự kỷ nhưng số trẻ tự kỷ điển hình không nhiều và trẻ tự kỷ chức năng cao cũng rất hiếm gặp.       Ảnh NL

Trường hợp thần đồng Piano 13 tuổi Nguyễn Thế Vinh đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, phải nói là rất hiếm. Cả nước mới có 1 trường hợp như vậy. Hay như trong ngày thế giới nhận biết trẻ tự kỷ (2/4), cháu Nguyễn Trung Hiếu (cậu bé chậm phát triển trí tuệ, lên 5 tuổi mẹ vẫn xúc cơm cho ăn, học từng chữ một cách khó khăn và khi kích động thì đâm đầu vào tường) đã làm cả khán phòng ngỡ ngàng trước tiếng đàn ngọt ngào mà sâu lắng cùng với những bức vẽ sinh động về cuộc sống. 

Tuy nhiên, theo tôi, phải dạy cho trẻ cách hòa nhập với cộng đồng, bạn bè và môi trường xung quanh thì con người mới phát triển toàn diện được. Không thể để trẻ cả đời chỉ mỗi chơi đàn hay vẽ tranh mà thôi.

Vậy chúng ta phải làm gì để năng khiếu đặc biệt của trẻ tự kỷ có thể phát huy được?

Đã là năng khiếu thì do bẩm sinh, nhưng nếu được bồi dưỡng trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Trẻ tự kỷ không phát triển toàn diện được như những trẻ khác nhưng cần động viên khuyến khích tài năng của trẻ để trẻ tự tin hơn. Nếu có phương pháp dạy và tích cực rèn luyện cho tài năng ấy, trẻ tự kỷ sẽ đóng góp tài năng cho xã hội, không trở thành những người vô dụng.

Nhưng làm thế nào để phát triển tài năng của trẻ là điều không dễ. Trước hết, trẻ có khả năng gì thì tập trung phát triển tài năng đó cho trẻ để tránh rơi vào quên lãng. Ví như trẻ có năng khiếu về âm nhạc, hội họa hay CNTT, bố mẹ phải hướng cho cháu theo nhưng bên cạnh đó vẫn phải hướng dẫn trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường một cách tối thiểu nhất chứ không thể sống riêng một mình trong xã hội được.

Các bậc phụ huynh cần tích cực dành thời gian cho con, đi học lớp hướng dẫn nuôi dạy trẻ tự kỷ để biết cách chơi với con, không nên để con chơi một mình. Cần giảm bớt thời gian xem ti vi và chơi máy tính của cháu.

Điều này là tối cần thiết vì khi dành thời gian chơi và chăm sóc con, bố mẹ sẽ phát hiện và bồi dưỡng được tài tăng của trẻ. Chỉ có cha mẹ gần và hiểu con nhất còn cô giáo chuyên biệt thì cũng chỉ hỗ trợ 1 phần trong việc phát triển tài năng của trẻ.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Theo Infonet