Cuộc phẫu thuật chửa ngoài tử cung “đầu đời”

Google News

Cách đây khoảng 8 năm cụm từ "chửa ngoài tử cung" vẫn còn mới mẻ và là nỗi lo sợ của nhiều bệnh nhân.

- Chửa ngoài tử cung hiện nay nếu được phát hiện sớm sẽ không nguy hại và bệnh nhân vẫn có thể có con tự nhiên được. Thế nhưng, cách đây khoảng 8 năm cụm từ "chửa ngoài tử cung" vẫn còn mới mẻ và là nỗi lo sợ của nhiều bệnh nhân. Khi ấy, bệnh nhân chửa ngoài tử cung 2 lần nhưng vẫn có thai và sinh con là chuyện hiếm có ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
 
Dù chỉ 1% cũng tin tưởng

ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh đã công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 20 năm, anh từng làm việc ở nhiều khoa khác nhau và hiện tại đang là Trưởng khoa Phụ. Đối với ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh, bệnh nhân Nguyễn Thị Hợi (22 tuổi ở Bắc Giang) là trường hợp đặc biệt nhất mà anh thường gọi vui là "nỗi trăn trở đầu đời" khi làm nghề của anh.

Tháng 10, năm 2004, anh tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Hợi. Cách đó hơn 1 năm, bệnh nhân này chửa ngoài tử cung và bị cắt buồng trứng phải. Chỉ còn lại một buồng trứng bên trái, chị Hợi rất hoang mang, lo lắng không biết mình có hy vọng được làm mẹ hay không.

Nghe bệnh nhân tâm sự, chồng chị là bộ đội và chị là dâu trưởng trong gia đình, dòng họ, chị sợ một ngày sẽ phải chia tay chồng vì không thể làm tròn trách nhiệm dâu con, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh rất thương cảm cho hoàn cảnh của chị.
 
Sau thời gian điều trị, niềm hạnh phúc mong manh đã đến với bệnh nhân này khi chị bị chậm kinh 10 ngày. Nhưng liền đó, bệnh nhân kêu đau bụng và lại ra huyết. Linh tính báo điều không may mắn đến với chị, giống lần mang thai thứ nhất... Khi siêu âm, làm xét nghiệm beta HCG thì ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh kết luận chị bị chửa ngoài tử cung lần 2.

ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh cho biết: "Lúc bấy giờ chửa ngoài tử cung thường được cắt tử cung, còn việc bảo tồn vẫn là điều mới mẻ. Có trường hợp bảo tồn được, có trường hợp bảo tồn xong bệnh nhân bị dính, tắc vòi trứng cũng không chửa tự nhiên được.
 
Tôi khuyên bệnh nhân là vẫn có cơ hội làm mẹ nhưng phải thụ tinh nhân tạo. Nhưng 2 hàng nước mắt bệnh nhân Hợi trào ra, năn nỉ và cho rằng từ ngữ thụ tinh nhân tạo, đối với vùng quê chị vẫn còn xa xăm, họ không tin đứa con đó là của chồng mà sợ là con của người khác...".

Không còn cách nào khác, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh đã nói với chị: "Tôi có thể bóc tách khối chửa cho chị mà vẫn bảo tồn tử cung và cố gắng tránh để tình trạng dính, tắc tử cung, nhưng không dám hứa trước điều gì. Nếu thuận lợi, việc có con tự nhiên chỉ hy vọng khoảng 15%".
 
Bệnh nhân khẳng định dù chỉ còn 1% cũng tin tưởng theo cách của ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh. Vậy là ngay chiều hôm đó, chị Hợi được bóc tách khối chửa ngoài tử cung mà vẫn giữ được buồng trứng còn lại.

ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh đang chẩn đoán cho bệnh nhân chửa ngoài tử cung.
ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh đang chẩn đoán cho bệnh nhân chửa ngoài tử cung.

"Em có chửa rồi anh ạ..."

Sau thời gian phẫu thuật, tâm trạng của bệnh nhân vẫn chưa ổn định, chị sợ hãi nếu lại mang thai lần tiếp theo. Thế nhưng, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh đã động viên, giúp đỡ chị hết lòng.
 
Và 6 tháng sau, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh còn nhớ như in lúc đó khoảng 5 giờ sáng mùa đông, cả gia đình bác sĩ vẫn còn chưa thức giấc thì đã nghe tiếng điện thoại báo tin của bệnh nhân: "Em có chửa rồi anh ạ, đi siêu âm bác sĩ bảo trong tử cung...".
 
Ánh mắt hạnh phúc khi nhớ lại, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh nói: "Vợ tôi khi ấy chưa hiểu chuyện, nghe điện thoại như vậy tưởng chồng có vấn đề gì nên cũng ghen đấy...".

Nói về ca bệnh chửa ngoài từ cung, ThS.BS Đỗ Khắc Huỳnh chia sẻ, quan trọng nhất là phải chẩn đoán sớm và chính xác bệnh, nếu để muộn hoặc bệnh nhân có thể bị vỡ khối chửa, chắc chắn phải cắt tử cung và có thể nguy hại đến tính mạng.
 
May mắn của bệnh nhân Hợi là chị được phát hiện sớm, chậm kinh 1 - 2 tuần mà có dấu hiệu đau bụng, ra huyết thì nghĩ nhiều đến vấn đề chửa ngoài dạ con. Trường hợp chửa ngoài dạ con 2 lần như chị Hợi mà sau đó vẫn có con được luôn là rất hiếm, đó cũng là một phần may mắn của bệnh nhân. Khi bệnh nhân muốn có thai trở lại phải sau 3 tháng, không rất dễ tái phát.

Phạm Hằng
 
Bài đọc nhiều: