Chuyên gia “bắt lỗi” La Vie: vị tanh chắc chắn nhiễm khuẩn

Google News

(Kiến Thức) - PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định, nước có vị tanh mùi hăng nồng chắc chắn bị nhiễm khuẩn, có hại cho sức khoẻ không nên sử dụng. 

Trước ý kiến đại diện Công ty TNHH La Vie cho rằng, có thể hai bình nước có vị tanh và mùi hăng nồng của gia đình anh Nguyễn Đức Cường là do thôi nhiễm từ cây nóng lạnh và nhà bếp, phóng viên đã tìm đến các nhà khoa học để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc.
Cây nước còn có chức năng lọc bẩn và khử mùi
Trả lời câu hỏi về liệu cây nước nóng lạnh có thể gây mùi hăng nồng và vị tanh cho hai bình nước nhà anh Cường, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KHCN Nhiệt Lạnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đó là do chất lượng nước không đồng đều chứ không thể do cây nước nóng lạnh. 
Theo TS. Lợi, hiện nay, cây nước nóng lạnh trực tiếp có hai loại là đứng, cao. Loại đứng có thêm ngăn làm lạnh được tiệt trùng bằng ozone hoặc bộ lọc nước. Phía trên cây nước bố trí cơ cấu để lắp bình nước uống tiêu chuẩn 19 - 20 lít. Một số cây nóng lạnh đứng còn được trang bị một hệ thống lọc để loại bỏ chất gây ô nhiễm; nâng cao hệ thống lọc làm giảm vị clo, mùi, trầm tích, ký sinh trùng nguy hiểm và động vật nguyên sinh như Cryptosporidium, hóa chất độc hại, kim loại nặng như chì và các khoáng chất nguy hiểm...
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi phân tích, rất khó có thể nguồn nước cũ từ trong cây nóng lạnh thẩm thấu ngược lên bình để gây mùi và biến đổi vị được. Bởi các bộ phận chính của bình nước nóng lạnh, cây nước gồm hệ thống bình đựng nước lạnh và nước nóng. Các bình này làm bằng inox có dung tích thường 0,5 - 1 lít, được bọc xốp cách nhiệt tránh tổn thất nhiệt ra môi trường. Các bình được nối với chai cung cấp nước từ phía dưới và nối với vòi rót nước từ phía trên để đảm bảo trong bình luôn đầy nước. 
Để khống chế nhiệt độ nước lạnh từ 6 - 100C, nhà sản xuất bố trí một rơle nhiệt đóng ngắt máy nén. Khi nhiệt độ nước đạt 60C, rơle ngắt và khi nhiệt độ nước vượt 100C thì rơle đóng. Ngoài ra, nhà sản xuất bố trí thêm rơle thứ 2 để bảo vệ, ngắt nguồn khi nhiệt độ nước xuống quá thấp có thể gây hỏng bình. Năng suất làm lạnh nước khoảng 1 lít/h. Nước thường còn lại trong bình inox của 2 bình nóng lạnh có khoảng 0,5 lít và khi ta lấy nước từ vòi, nước từ bình 20 lít sẽ lại chảy vào bình inox nên không có chuyện 0,5 lít nước này thẩm thấu ngược lên bình to và gây mùi và vị lạ được. 
Đề phòng trường hợp cây nước hỏng, chắc chắn tất cả các bình nước được đưa vào sử dụng đều có mùi chứ không thể có sự chọn lọc 2 bình nước La Vie dùng cách nhau như thế được. Đặc biệt, cấu tạo của bình nước trong cây là khép kín, không tiếp xúc với bên ngoài nên không thể ám mùi, vị lạ. Do đó, nước trong bình có mùi chắc chắn là do chất lượng nước trong bình chứ không thể do cây lọc nước.
PGS.TS Nguyễn Đức Lợi cũng khẳng định, mùi nhà bếp cũng không thể nhiễm vào bình nước được bởi cây nước và bình nước tiếp xúc kín. Hơn nữa, nếu mùi, vị lẫn được vào nước thì chắc chắn nhà bếp phải rất ô nhiễm và với mức độ ô nhiễm đó thì có thể gây ngất hoặc chết người. Vì vậy, cần loại trừ yếu tố môi trường mà xem xét lại chất lượng nước. 
Nhân viên bán hàng của Công ty La Vie đến kiểm tra bình nước hỏng tại nhà anh Cường. 
Có hại cho sức khoẻ
PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia phân tích về nước khẳng định, nước có vị tanh mùi hăng nồng chắc chắn bị nhiễm khuẩn, có hại cho sức khoẻ không nên sử dụng. Tuy nhiên, bị nhiễm chất gì và ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào phải lấy mẫu phân tích mới biết được. Thông thường nước có mùi tanh là do nhiễm sắt. 
Về quá trình bị lây nhiễm, theo PGS.TS Trần Hồng Côn chắc chắn không phải từ cây nước hay do ô nhiễm nhà bếp được. Bởi cấu tạo của cây nước là áp suất chảy xuôi, nên rất khó có chuyện nước từ cây chảy ngược lên bình gây hỏng nước. Mùi của nhà bếp cũng khó lẫn trong nước vì mùi không tan trong nước. Vì vậy, cả mùi và vị bị hỏng chắc chắn là do có sẵn trong bình nước. 
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, để biết nguyên nhân vì sao nước bị hỏng phải biết được toàn bộ quy trình sản xuất nước. Vì vậy, công ty có bình nước chứa mùi và vị lạ như phản ánh cần xem xét lại toàn bộ quy trình sản xuất, lưu thông, phân phối tìm hiểu rõ nguyên nhân gây hỏng nước, chứ không nên quy cho cây nước hoặc môi trường ở nhà bếp.
Gia đình anh Cường cho biết, đến ngày 23/8, phía công ty cũng vẫn chưa làm việc lại với gia đình để lấy mẫu xét nghiệm và trả lời những khúc mắc được nêu ra từ phía gia đình. Anh Cường đề nghị Công ty TNHH La Vie sớm phối hợp với tòa soạn và khách hàng để tìm nguyên nhân nước hỏng cũng như sự ảnh hưởng của 2 bình nước này đối với sức khoẻ của các thành viên trong gia đình anh.
Thúy Nga

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyen Doan -

Các nhà sản xuất không nên từ chối trách nhiệm
Là nhà sản xuất và cũng là người tiêu dùng tôi nghĩ trong trường hợp gặp phản ảnh của khách hàng. Dù là nguyên nhân gì thì cần nhìn thẳng vào sự thật. Nhìn cả bãi các thùng Lavie để phơi nắng, mưa ở ngoài bãi thì chất lượng chắc không phải bàn cãi.

Hiển thị thêm bình luận