Chẩn đoán sán lá gan dễ bị nhầm với bệnh ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện T.Ư Huế vừa phẫu thuật bắt được 3 con sán lá gan lớn gây tắc đường mật ở bệnh nhân Trần Thị T. (36 tuổi, ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến nhiều người lo sợ. Tại Việt Nam đã có trên 20.000 người bị nhiễm sán lá gan lớn và hiện đang nghi ngờ có sự kháng thuốc. 

Nhiều người bị mổ nhầm

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, việc sán lá gan có trong đường mật, gây tắc mật như chị T. không có gì là đặc biệt. Vật chủ chính của sán là ở trâu bò thì 100% cư trú ở gan mật. Trên người không phải là vật chủ chính nên khi ăn phải ấu trùng sán lá gan lớn vào đường tiêu hoá, sau 1 giờ, ấu trùng thoát kén và xuyên qua thành ruột vào gan, mật và nằm trong đó, nhiều nhất là ở nhu mô gan gây những ổ hoại tử lớn. Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại ở người từ 9 - 13,5 năm. Nhưng nếu người chưa là vật chủ thích hợp, sán non còn di chuyển xuống đại tràng hoặc ra thành ngực hoặc đến tuyến vú hoặc chui ra khớp gối, thậm chí xuống cả buồng trứng, tinh hoàn, màng phổi...

Bệnh sán lá gan lớn gây nên các khối u trong gan, mật hay một số nơi khác nhưng khó phát hiện, chỉ có 5% người mắc bệnh sán lá gan lớn mới có trứng trong phân. Trong khi đó, sán lá gan lớn thường gây nên những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị nên dễ nhầm với các bệnh về gan mật hoặc dạ dầy; người bệnh mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa. Hậu quả bệnh sán lá gan lớn có thể dẫn tới tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc... làm cho thầy thuốc chẩn đoán nhầm với u, đặc biệt nhầm với ung thư, dẫn đến xử lý không đúng và gây nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí có bệnh nhân bệnh viện trả về chờ chết.

Phẫu thuật lấy ra 3 con sán lá gan lớn từ đường mật bệnh nhân T. 

Cần kiểm tra lại sau khi uống thuốc

PGS.TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo, bệnh sán lá gan lớn được phát hiện trên 52 tỉnh, thành với trên 20.000 bệnh nhân. Thuốc trước đây chỉ cần uống một liều duy nhất là hết bệnh nhưng hiện nay đang nghi ngờ có sự kháng thuốc vì nhiều bệnh nhân uống một liều sau 6 tháng, sán lại chui vào ống mật, vào gan... Nhiều trường hợp phải uống 2 - 3 liều mới hết. 

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Đề khuyên, bệnh nhân bị sán lá gan sau điều trị 1 tháng phải đi khám lâm sàng và siêu âm... nếu khối u chưa hết thì phải uống tiếp liều nữa. 

Các chuyên gia Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng T.Ư cũng cảnh báo, bệnh sán lá gan tại đồng bằng sông Hồng có nơi đã lên tới 33%. Sán lá gan vào trong cơ thể sẽ làm ngăn cản sự lưu chuyển máu trong gan, làm cho gan không có khả năng sản xuất chất dinh dưỡng, không còn khả năng làm sạch máu và mất chức năng khử độc. Những người ăn cá sống thường xuyên sẽ có tần suất rủi ro bị xơ gan trên 50%. Phòng bệnh là nên ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn gỏi cá hoặc ra rau sống.

TIN LIÊN QUAN:


Nhật Hà