- Zona thần kinh hay thường được gọi là giời leo, giời đái... bệnh thường gây biến chứng rối loạn cảm giác. Biểu hiện của bệnh này là đau dây thần kinh sau khi tổn thương ngoài da đã khỏi (khoảng 50% bệnh nhân trên 50 tuổi bị đau viêm dây thần kinh).
Tuỳ thuộc vào giai đoạn, mức độ thể trạng người bệnh mà dùng thuốc cho thích hợp. Trường hợp bị di chứng thần kinh gây đau, rát sau điều trị cần châm cứu để chữa trị.
Chọn huyệt theo kinh
Huyệt chính: Khúc trì, thân trụ, dương lăng tuyền, tam âm giao. Huyệt phối hợp: Vùng trán thêm thái dương, đầu duy, dương bạch. Gò má trên thêm tứ bạch, tình minh, hạ quan; vùng hàm dưới thêm giáp xa, địa thương, đại nghênh; vùng hố nách thêm kiên trinh, cực tuyền; vùng trên rốn thêm hợp cốc; vùng dưới rốn thêm túc tam lý.
Thanh niên, dùng phép châm tả, đối với người lớn tuổi, nên dùng phép bổ. Hai ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình.
|
Ảnh minh họa. |
Chọn huyệt theo á thị huyệt
Dùng á thị huyệt: Châm phía trên, phía dưới, bên phải, bên trái vùng tổn thương, châm xiên 15 - 30o hướng về chỗ tổn thương. Đắc khí thì lưu kim 30 phút, cứ 3 - 5 phút vê kim một lần. Ngày châm một lần. 10 ngày là một liệu trình sau đó, dựa vào biện chứng để chọn huyệt phối hợp. Huyệt chính: Can du, khúc trì, chi câu, a thị huyệt. Phối hợp: Do phong hỏa thêm kỳ môn, khúc tuyền, túc khiếu âm; do thấp nhiệt thêm nội đình, ngoại quan, hiệp khê; nhiệt nhiều thêm hợp cốc, âm lăng tuyền, thần môn, châm tả. Hai ngày châm một lần, 10 ngày là một liệu trình.
Nhĩ Châm (châm tai)
Chọn huyệt phế, thượng thận, vùng tương ứng vùng bệnh, phối hợp với thần môn, nội tiết, giao cảm, chẩm, dị ứng, can tỳ. Châm xong lưu kim 30 phút. Hai ngày châm một lần, 7 ngày là một liệu trình. Ngoài ra, tùy từng vùng bệnh kết hợp thêm các huyệt khác như hợp cốc, khúc trì; vùng chân thêm túc tam lý, tam âm giao và a thị huyệt. Gõ kim mai hoa quanh vùng tổn thương.
TS Võ Tường Kha (Bệnh viện Thể thao Việt Nam)