Hơn 3 tháng sau khi vụ việc tiêm vắc xin khiến 3 trẻ nhỏ tử vong đột ngột tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị (ngày 20/7/2013), sáng ngày 25/10/2013, nhiều nguồn tin trên các báo điện tử đã đăng tải thông tin: đã tìm ra nguyên nhân tử vong của 3 trẻ nhỏ sau tiêm vắc xin.
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến việc tử vong đột ngột của 3 trẻ nhỏ sau tiêm vắc xin được cho là: “tiêm nhầm thuốc”. Nguồn tin trên báo Lao Động cho rằng, tại thời điểm tiêm chủng (20/7/2013), Bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá (Quảng Trị) mất điện nên nhân viên tiêm chủng đã dùng điện thoại soi tìm vắcxin. Do ở đây, vắcxin được bảo quản chung với thuốc gây co tử cung Oxytocin nên thay vì lấy vắcxin viêm gan B, họ đã lấy nhầm thuốc gây co tử cung tiêm cho 3 cháu bé.
Vì thế, 3 ca tử vong đều giống nhau. Điều này được làm rõ khi cơ quan chức năng lấy thuốc còn lại trong xilanh đã tiêm cho các cháu và kiểm tra.
Sai phạm thứ hai, khi tiêm chủng cho trẻ sơ sinh, nhân viên y tế đã không đưa vào phòng tiêm riêng cho trẻ mà vẫn để ở phòng tiêm cho người lớn.
|
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễ Thị Kim Tiến: Bộ chưa nhận được thông báo kết luận của cơ quan công an về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm vắc-xin ở Quảng Trị.
|
Để kiểm chứng thông tin này, sáng 25/10, bên hành lang Quốc Hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễ Thị Kim Tiến cho biết: “Bộ chưa nhận được thông báo kết luận của cơ quan công an về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau tiêm vắc-xin viêm gan B ngày 20/7 tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị)”.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho biết trước đó các chuyên gia y tế đã có những kết luận ban đầu và để việc điều tra nguyên nhân một cách độc lập, khách quan nhằm xác định đúng người, đúng việc, tránh tình trạng bao che, Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ theo đúng chức năng.
Trả lời phóng viên về trách nhiệm trong sự việc này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng với những cá nhân tập thể liên quan sẽ xử lý theo điều 99 của Bộ Luật hình sự. Cũng theo bà Tiến, việc tiêm nhầm thuốc cho trẻ đã từng ghi nhận ở một số nước trên thế giới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trả lời trên báo Người lao động, khẳng định: “mới chỉ biết thông tin kết luận vụ 3 trẻ tử vong qua báo chí chứ chưa nhận được thông báo từ cơ quan điều tra”.
Theo ông Phu: “Về tử vong sau tiêm chủng, trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp sau điều tra đã xác định nguyên nhân không phải do vắc-xin mà do lỗi thực hành tiêm chủng như tại Yemen năm 1997, đã tiêm nhầm Isullin cho 70 trẻ và gây tử vong cho 21 trẻ. Nếu việc tiêm nhầm như kết luận thì đây là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam”.
Ông Phu cho rằng đây là một sự cố hi hữu, đáng tiếc và cũng là sự việc bất thường nhưng đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong suốt quá trình 25 năm tiêm chủng mở rộng.
Lê Phương (TH)