Chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh
Biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, có cả các đặc tính biến chủng Ấn Độ và Anh, có tốc độ lây nhanh, phát tán mạnh trong không khí, đang được ghi nhận ở Việt Nam. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, sáng 29/5.
Bộ trưởng Long cho biết hiện nay giải trình tự gene virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng thường thấy là Ấn Độ và Anh. Trong đó, chủng từ Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phát hiện một chủng mới có đặc tính giữa hai biến chủng trên. Trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn.
Như tại Công ty Hosiden Bắc Giang, môi trường không khí hạn hẹp, thông khí kém, đông người, có tới gần 1.000 người nhiễm trong số 4.800 công nhân. Vòng lây nhiễm của chủng virus này chỉ 1-2 ngày, tức là sau 1-2 ngày đã có một tầng F nữa nhiễm bệnh.
"Đây là một trong những lý do dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh khó kiểm soát dù đã thực hiện nhiều biện pháp chống dịch rất quyết liệt", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết tới đây sẽ công bố chủng mới này trên bản đồ gen thế giới.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus corona, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7 (biến chủng Anh), B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2 (biến chủng Ấn Độ).
Trong đó, chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan mạnh, là nguyên nhân xuất hiện số ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các tỉnh thành phía Bắc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), kết quả giải trình tự gen virus trên 5 bệnh nhân thuộc chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, cả 5 đều là biến chủng B.1.617.2, tức biến chủng Ấn Độ.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 4.163 ca, ghi nhận ở 33 tỉnh thành. Các tỉnh nhiều ca nhiễm nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Mời quý độc giả theo dõi video: Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết chống dịch
Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K
Trong bối cảnh hiện nay có thể có những “ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn”, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.
“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”, chuyên gia Trần Đắc Phu khẳng định.
Theo các chuyên gia, về chiến lược, chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì ngăn chặn - phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị. Trong từng khâu phải thực hiện chặt chẽ hơn. Ví dụ, ngăn chặn phải ngay trong khu cách ly bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh lây nhiễm chéo hoặc lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng. Bộ Y tế đã nâng thời gian cách ly lên 21 ngày, yêu cầu quản lý chặt chẽ sau cách ly. Hay trong phát hiện, chúng ta phải đa dạng hoá công nghệ xét nghiệm, đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát ở những khu vực có nguy cơ cao. Đặc biệt, mỗi người dân phải tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc…
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) vẫn đang diễn biến phức tạp, số người mắc mới chưa chịu dừng lại. Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân Việt Nam tiếp tục lan tỏa và thực hiện thông điệp 5K: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” để quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.
An Lê