Tuy nhiên, căn bệnh này lại đang bị chính người dân “lờ” đi. Mức độ nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm Whitmore được nhận định là dễ gây nhiễm trùng máu, thậm chí nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, có thể tử vong trong vòng 48 tiếng.
“Kẻ mạo danh” nguy hiểm
Bệnh không có biểu hiện rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Do vậy người bệnh thường được phát hiện muộn và tỉ lệ tử vong cao, lên tới 50% – 60%.
Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận những ca liên quan đến Whitemore. Tuy nhiên không phải trường hợp nào căn bệnh này cũng được phát hiện tức thì.
Điển hình là trường hợp, ngày 11/8 khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Thêm, 25 tuổi, quê Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, có biểu hiện suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị 11 ngày tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và chân phải sưng to. Sau khi được khoa Cơ Xương Khớp chẩn đoán, anh Thêm đã được đưa về khoa Truyền nhiễm điều trị. Tuy nhiên, phải qua 3 lần cấy máu với 10 ngày điều trị mới cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh whitmore, khi bệnh không có dấu hiệu chuyển biến và liên tục có những biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, kèm theo suy đa phủ tạng nặng. Hiện chức năng thận và gan đã được cải thiện, bệnh nhân vẫn còn tổn thương phổi nặng phải thở máy và dùng các thuốc vận mạch.
|
Hình ảnh khớp gối của bệnh nhân sưng to |
Lại thêm một trường hợp mới đây nhất là một người đàn ông 50 tuổi ở Hải Dương, vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng sốt kéo dài từng cơn và thường sốt về chiều, đau tức ngực trái, khó thở, kém ăn và mệt mỏi. Các bác sĩ đã "khoanh vùng" nguyên nhân nên nhanh chóng xác định "thủ phạm" là whitmore. Do vậy bệnh nhân sớm được điều trị theo phác đồ và ít để lại di chứng hơn.
Mặc dừ whitmore là một bệnh truyền nhiễm không dễ phát hiện nhưng ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Cần hiểu đúng và đủ về bệnh truyền nhiễm Whitmore
Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Ngoài ra, có thể lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.
|
Bệnh gây ra những thương tổn ở da và dễ nhầm với các bệnh khác |
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh cho đến người có hệ miễn dịch yếu. Người có nguy cơ nhiễm Whitmore nhiều nhất là nông dân nghèo, có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mãn tính về phổi và thận.
Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não. Khi bệnh diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Bệnh không có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng điển hình trên lâm sàng nên dễ nhầm với các bệnh khác, như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…Chỉ khi tiến hành các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy mới có thể xác định bệnh chính xác.
Whitmore được phát hiện ở Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ trước. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm là thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 9-11. Được biết từ đầu năm tới nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Anh Cúc (Tổng hợp)