Ăn côn trùng: con dao hai lưỡi

Google News

(Kiến Thức) - Côn trùng đã và đang trở thành một trong những món đặc sản ở nhiều nơi nhưng cũng là hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe.

Mới đây, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra một ý tưởng nhằm góp phần giải quyết nạn đói toàn cầu là khuyến khích mọi người ăn... côn trùng. Theo LHQ, hiện nay con người mới khai thác một phần nhỏ tiềm năng “ẩm thực” từ côn trùng, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ về khủng hoảng lương thực vẫn đang đe dọa thế giới.
 Ảnh minh họa.

LHQ cũng cho rằng, ăn côn trùng ngoài đem lại giá trị dinh dưỡng còn góp phần tốt hơn cho môi trường, bởi theo cơ quan này, côn trùng ít tạo ra khí nhà kính có hại cho môi trường hơn so với các gia súc khác. Ngoài ra, "côn trùng có ở khắp mọi nơi và chúng sinh sôi rất nhanh chóng".

Để thúc đẩy cho ý tưởng mới của mình, các nhà hoạch định LHQ đã kêu gọi các nhà hàng góp phần đưa nguồn thực phẩm này trở nên phổ biến bằng cách thiết kế các món ăn và đưa chúng vào thực đơn của họ.

Món ăn từ côn trùng – con dao 2 lưỡi

Mặc dù ý tưởng ăn côn trùng có thể có vẻ kỳ lạ và thậm chí là ghê tởm đối với một số người, nhưng chúng được xem là món ngon và đặc sản ở nhiều nơi, tại Việt Nam cũng đã có một số Nhà hàng ẩm thực chuyên về những món ăn côn trùng rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, không ít hiểm họa đe dọa sức khỏe con người nếu cứ ăn côn trùng một cách vô tội vạ và không đúng cách. Không thể nhìn theo khía cạnh tích cực côn trùng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người, bởi nếu côn trùng trở thành thực phẩm chính của con người sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường cả về sinh thái lẫn sức khỏe.
 Ảnh minh họa.

Như chúng ta đã biết côn trùng có vai trò quan trọng đến đời sống con người cũng như trong hệ sinh thái, như là tác nhân giúp cho quá trình thụ phấn nhằm tăng sản lượng và chất lượng cây trồng; thiên địch đối với những loài có hại cho nông nghiệp; một số loài côn trùng ăn phân còn có tác dụng làm mùn hóa đất đai…  hãy cứ thử tưởng tượng, nếu cả nhân loại dùng côn trùng làm thức ăn chính, khi đó hệ sinh thái trái đất chắc chắn sẽ mất cân bằng, nguy cơ bùng nổ những căn bệnh nguy hiểm thành đại dịch là điều không thể tránh khỏi.

Bác sĩ Đặng Huyền Nga (Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội) cho biết, nhiều loại côn trùng có chứa nọc độc như bọ cạp, ong, nhện... trong khi kiến thức của người dân về chế biến các loại côn trùng này hầu như chỉ dựa vào kinh nghiệm, do đó sẽ không loại bỏ hết độc tố, khi ăn vào có thể gây dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc cấp tính, thậm chí là gây tử vong.

Ngoài ra, bác sĩ Nga khuyến cáo, trong cơ thể nhiều loại côn trùng còn có thể bị nhiễm loại nấm độc hay vi khuẩn ký sinh. Nếu ăn phải côn trùng bị nhiễm nấm độc có thể bị ngộ độc và dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng ngộ  độc chủ yếu là triệu chứng thần kinh, như chóng mặt, nôn ói, co giật tay chân, tăng tiết, cứng hàm, kích thích, lơ mơ, mê sảng, hôn mê... các triệu chứng nhiều hay ít tùy theo mức độ ngộ độc, lượng đã ăn, cơ địa người ăn.

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ việc dị ứng, ngộ độc, thậm chí là tử vong do ăn côn trùng. Gần đây nhất là trường hợp bốn nạn nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải đi cấp cứu khẩn cấp do ngộ độc ve sầu (ngày 24/4). Bốn nạn nhân gồm ông N.V.L. (63 tuổi), ông P.V.X. (57 tuổi), ông V.V.L. (35 tuổi) và ông L.V.C. (50 tuổi). Theo lời kể của gia đình nạn nhân, trưa ngày 23/4, trong khi đào đất để trồng cà trong vườn nhà thì ông L. phát hiện ra một ổ ve sầu. Sau đó, ông L. cùng các bạn là ông X., L., C. đã bắt ổ ve sầu, chiên giòn để làm mồi nhậu. 

Hay như trường hợp ngộ độc tập thể của 3 trường hợp bệnh nhân nhí ở Lai Châu phải nhập viện vì ngộ độc do ăn bọ xít hồi cuối năm ngoái tại Bệnh viện Bạch Mai. Những bệnh nhân này có những biểu hiện kích thích thần kinh, nói lảm nhảm và có nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận món ăn làm từ côn trùng có hàm lượng giá trị dinh dưỡng rất cao và tốt cho sức khỏe. Để côn trùng trở thành món ăn bổ dưỡng, “cần phải lưu ý các quy trình chế biến, dùng đúng cách, đúng thời điểm để côn trùng trở thành thành món ăn sao cho đảm bảo và loại bỏ mọi chất độc hại, ngoài ra những người có cơ địa dị ứng cần phải lưu ý với thức ăn làm từ côn trùng”, bác sĩ Nga nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy, Bệnh viện Chợ Rẫy, có rất nhiều loại côn trùng sống dưới đất như: ve sầu, dế mèn, bọ cạp,… có thể bị nhiễm các các bào tử nấm, trong đó có vô số bào tử nấm độc nguy hiểm. Nếu gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, thì những bào tử nấm sẽ nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng và phát triển rất mạnh. Chúng sẽ biến thân mình của những con côn trùng, ấu trùng này thành những nơi chứa đầy các sợi tơ nấm độc trong thân và gây ngộ độc nặng cho người nào ăn phải, nếu không kịp thời cứu chữa có thể gây tử vong.

Cẩm Linh