Ngày 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp để đưa ra ngưỡng xét tuyển (điểm sàn Đại học 2015) cho các trường đại học, cao đẳng sử dụng để tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, tuy năm nay có nhiều tổ hợp xét tuyển đa dạng nhưng quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng quy định các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các tổ hợp truyền thống.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015. |
Mặt khác, ngưỡng đảm bảo đầu vào năm nay chỉ liên quan đến xét tuyển và chỉ tiêu của các trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Trong khi đó, có khoảng 200 trường đại học, cao đẳng có đề án tự chủ tuyển sinh sẽ dựa vào kết quả học tập phổ thông để xét tuyển một phần chỉ tiêu của mình.
“Vì vậy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ được xem xét chủ yếu dựa vào chất lượng nguồn tuyển”, Thứ trưởng Ga cho biết.
Dự kiến ngày 28/7 tới Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp để tư vấn cho Bộ trưởng công bố ngưỡng điểm để các trường dựa vào đó thông báo tuyển sinh.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là ngưỡng điểm tối thiểu mà thí sinh có thể học được bậc ĐH, CĐ, căn cứ vào chất lượng nguồn tuyển là chính.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng ngưỡng điểm đảm bảo đầu vào phụ thuộc vào mức độ khó dễ của đề thi. Khi mức độ khó của đề thi giảm, kết quả thi của thí sinh cao hơn thì dĩ nhiên ngưỡng này cũng nhích về phía điểm cao.
Do tính chất của kỳ thi, năm nay đề thi gồm 60% kiến thức cơ bản nên điểm thi đại học sẽ cao hơn năm ngoái.
Bộ sẽ bàn về nguyên tắc chung để xác định ngưỡng điểm đầu vào phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển đa dạng của trường mình.
Giải thích về việc quy định dành ít nhất 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết do các thí sinh đã định hướng khối thi từ 3-4 năm trước, nghĩa là các em đã tập trung ôn tập theo các khối yêu thích A, A1, B, C, D truyền thống.
“Nếu năm nay quy chế không quy định dành chỉ tiêu thích hợp cho các khối truyền thống thì thí sinh sẽ hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý. Các trường có thể bổ sung các tổ hợp xét tuyển mới phù hợp với yêu cầu ngành nghề để thí sinh quen dần”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thông tin.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc thí sinh nộp hồ sơ ảo sẽ không còn xảy ra như các năm trước.
Năm nay, trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ nộp 1 giấy báo kết quả thi vào một trường nên không gây ảo cho trường khác.
Mặc dù trong đợt này mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng nhưng chỉ giới hạn xét tuyển của 1 trường các trường có thể dễ dàng xử lý.
Bên cạnh đó, thường trong đợt xét tuyển đầu tiên, các trường tuyển được phần lớn chỉ tiêu. Những thí sinh đã trúng tuyển đợt này sẽ không còn trong danh sách tham gia xét tuyển đợt tiếp theo.
Do đó mặc dù trong đợt tuyển bổ sung thí sinh được phép nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi, mỗi giáy báo có 4 nguyện vọng xét tuyển, tỉ lệ ảo sẽ cao, nhưng số lượng thí sinh không còn nhiều, việc xử lý sẽ không có khó khăn gì lớn cho các trường.
Theo quy định, trước ngày 25/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT; cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ Giáo dục và Đào tạo và công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Trước ngày 27/7, Hiệu trưởng trường THPT cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.
Trước ngày 30/7, các Hội đồng thi do trường ĐH chủ trì, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị đăng ký dự thi in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đã đăng ký dự thi để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ.
Theo VTC News