Thi THPT quốc gia 2015: Rắc rối với việc chọn cụm thi

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều TS cho biết thấy rối với phương án chọn thi THPT quốc gia tại cụm địa phương để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có đề án tuyển sinh riêng.

Sau khi Bộ GDĐT công bố danh sách 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh cho biết thấy rối với phương án chọn thi tại cụm địa phương để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH - CĐ có đề án tuyển sinh riêng.
Thi cụm địa phương vẫn vào ĐH-CĐ
Được biết sẽ phải tham dự kỳ thi quốc gia tại Phú Thọ, em Nguyễn Hương Giang (lớp 12, Trường THPT Bắc Hà, Lào Cai) hết sức lo lắng. Giang cho biết: “Em muốn có kết quả thi để xét tuyển vào một trường ĐH bình thường nào đó vừa sức mình. nhưng nghĩ đến việc phải một mình đi thi thì lại sợ. Từ nhỏ đến giờ chưa ra khỏi huyện, bố mẹ quanh năm ở bản cũng không rành đường để đưa đi. Nếu được thi ở Lào Cai thì tốt quá”.
Thi THPT quoc gia 2015: Rac roi voi viec chon cum thi
 Nhiều thí sinh băn khoăn chọn cụm thi, xét tuyển các nguyện vọng. 
Đối với những thí sinh như em Giang, ông Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết, thí sinh đăng ký thi ở cụm thi do Sở GDĐT chủ trì vẫn có cơ hội vào ĐH-CĐ, tuy nhiên đó chỉ là những trường có đề án tuyển sinh riêng. Thí sinh phải theo dõi yêu cầu tuyển sinh của những trường có đề án riêng để biết trường tuyển ngành gì, bằng tổ hợp môn nào, thời gian xét tuyển, dùng kết quả học tập của 5 kỳ hay 2 học kỳ…
Ông Nghĩa cũng khuyên: “Các em phải cân nhắc mục đích tham dự kỳ thi quốc gia trước khi đặt bút viết. Trường hợp muốn xét tuyển vào 1 trong các trường có đề án tuyển sinh riêng thì mới chọn thi cụm địa phương”. Cũng theo ông Nghĩa, hiện có hơn 100 trường có đề án tuyển sinh riêng chấp nhận xét tuyển thí sinh thi ở cụm địa phương.
Mặc dù lãnh đạo Bộ GĐDT khẳng định sẽ không có sự khác biệt trong đề thi, tổ chức thi, chấm thi… ở hai loại cụm thi nhưng nhiều giáo viên, học sinh vẫn quan niệm về việc thi tại cụm địa phương sẽ “dễ thở” hơn thi tại cụm thi liên tỉnh, nếu vẫn có cơ hội xét tuyển ĐH-CĐ thì không dại gì không đăng ký thi tại tỉnh nhà.
Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên một trường THPT ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho rằng: “Tôi cũng khuyên nhiều học sinh có học lực trung bình nên chọn thi ở cụm địa phương, có kết quả thì nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào các trường có đề án tuyển sinh riêng, như vậy cơ hội đỗ cao hơn mà không mất công sức đi lại để dự thi”.
Nhiều hơn 16 nguyện vọng
Ngoài việc chọn cụm thi, nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay với quá nhiều nguyện vọng xét tuyển nhưng không biết làm thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất. Theo quy định xét tuyển năm nay, mỗi thí sinh sau khi nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng với các nguyện vọng (NV) sẽ được đăng ký tối đa 4 NV nhỏ vào 4 ngành khác nhau của một trường ở mỗi đợt xét tuyển. Riêng ở NV1, trong thời gian 20 ngày xét tuyển, thí sinh có quyền rút hồ sơ không giới hạn số lần để gửi vào trường khác nếu thấy kết quả xét tuyển không khả quan. Với quy định này, mỗi thí sinh có nhiều hơn 16 NV nếu “chịu khó”… rút hồ sơ. Đó là không kể đề án tuyển sinh riêng của các trường dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ.
Em Nguyễn Văn Minh – Trường THPT Ninh Giang (Ninh Giang, Hải Dương) cho biết: “Hầu hết các trường top trên, các khoa hot đều tuyển đủ hoặc gần đủ chỉ tiêu ở NV1, vì vậy trong thời gian xét tuyển NV1 nếu theo dõi cơ hội trúng tuyển không cao thì em sẽ rút hồ sơ để gửi sang trường khác. Xét tuyển ở các NV bổ sung em sợ sức cạnh tranh sẽ cao hơn nếu muốn vào khoa, trường mình thích”. Tuy nhiên, Minh cũng băn khoăn không biết nên rút hồ sơ vào thời điểm nào. Nếu trúng tuyển NV1 mà không thích, đổi ý muốn xét tuyển các NV bổ sung ở trường khác có được không?
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, đúng là thí sinh có nhiều hơn 16 NV nếu như biết tận dụng tất cả những ưu tiên trong xét tuyển. Thí sinh cần thường xuyên cập nhật thông tin xét tuyển trên website của các trường công bố 3 ngày 1 lần để xem mình đứng ở vị trí nào, có cơ hội trúng tuyển không để quyết định rút hồ sơ.
Tuy nhiên, ông Ga cũng lưu ý, thông thường, kết thúc NV1 đã có khoảng 70% thí sinh trúng tuyển, với các NV bổ sung chỉ còn khoảng 30% thí sinh, trong khi đó các NV bổ sung lại không được thay đổi: “Nếu đã trúng tuyển NV1 mà bỏ thì không có cơ hội xét tuyển các NV bổ sung vì phần mềm tuyển sinh của Bộ sẽ gạt tên thí sinh này khỏi danh sách xét tuyển các đợt sau” – ông Ga nói.
Về số lần rút hồ sơ, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng, thí sinh muốn rút hồ sơ thì phải đến trực tiếp các trường sẽ rất mất thời gian, công sức (nhất là với thí sinh ở xa) trong khi chỉ có 20 ngày. Vì vậy, theo ông Trinh, thí sinh sẽ biết cân nhắc khi đặt bút làm hồ sơ xét tuyển NV1 thay vì cứ liên tục gửi – rút hồ sơ.
Theo Dân Việt