Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra. Đây là kỳ thi lớn nhất nước nhằm để xét tốt nghiệp THPT và để các trường đại học, cao đẳng trên cả nước lấy kết quả xét tuyển vào trường. Hiện nhiều học sinh lo lắng cần ôn thi như thế nào cho hiệu quả. Kiến Thức gửi tới các bạn một số bí quyết dưới đây:
1. Học có thái độ, động cơ rõ ràng
Cho dù thời gian bạn dành cho việc học nhiều hay ít thì đây là yếu tố quan trọng nhất tác động đến việc học của bạn. Bạn sẽ không thể nào học được một cách hiệu quả nhất nếu không có được một thái độ học tập đúng. PGS.TS. Tâm lý học Lê Đức Phúc cho rằng thái độ học tập, trong đó động cơ là yếu tố quyết định. Có động cơ bên trong và động cơ từ bên ngoài. Người đi thi bị áp lực từ gia đình, bạn bè, thậm chí cả dòng họ. Tuy nhiên, nếu các bạn xác định cho mình động cơ học tập đúng đắn, học là để cho bản thân phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ... thì bạn tự cởi bỏ được những áp lực.
2. Phương pháp học hiệu quả
a. Có mục tiêu và kế hoạch cụ thể
- Theo quy luật 90/10, cứ 10 phút bạn bỏ ra để lập kế hoạch thì bạn sẽ tiết kiệm được 90% thời gian hoàn thành và hiệu quả công việc.
- Từ bây giờ bạn hãy lấy một tờ giấy và xác định lại mục tiêu của mình:
+ Bạn định thi đỗ trường nào?
+ Số điểm dự kiến là bao nhiêu?
+ Bạn thực sự muốn chiến thắng?
- Sau đó bạn hãy lên lịch cho từng công việc cụ thể để tiến tới mục tiêu đó. Có ai đó đã nói rằng chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm tất cả mọi việc, nhưng luôn có đủ để làm những việc quan trọng nhất. Mỗi ngày bạn đừng tham lam làm hết tất cả mọi việc, ôn hết tất cả các môn mà hãy lập ra một bảng ưu tiên các môn và kế hoạch ôn từng ngày.
Khi bạn thi đại học, đương nhiên các môn thi đại học vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng bạn cũng đừng có bỏ quá nhiều thời gian vào đó. Khoa học đã chứng minh rằng, nếu bạn học một môn liên tục quá 45 phút thì khả năng nhớ sẽ giảm rất nhanh trong thời gian sau đó. Tóm lại bạn hãy lên một cái lịch cụ thể cho hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, vài tháng. Định ra việc gì là quan trọng hơn thì làm trước.
|
Học nhóm cũng là một cách giúp các bạn ôn thi hiệu quả cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Ảnh minh họa. |
b. Cách tư duy hiệu quả
Tại sao có người học kém? Tại sao có người học giỏi? Thực ra học kém hay giỏi không phải là bản chất, mà phần nhiều là do họ chưa biết cách điều khiển bộ não của mình mà thôi. Não bạn có 2 bán cầu, não trái chủ yếu cho tư duy logic, ngôn ngữ còn não phải là cho tưởng tượng hình ảnh. Từ trước đến giờ người ta dạy các bạn là đa số tác động vào não trái, tức là giảng toàn chữ nên trong giờ học, não phải của bạn không có việc làm, cứ tưởng tượng mông lung dẫn đến không tập trung gì cả.
Vì vậy, muốn học hiệu quả chúng ta phải tìm cách vận dụng cả 2 não của mình. Một phương pháp đơn giản nhất giúp học các môn học thuộc dễ hơn cả chính là tưởng tượng. Từ bây giờ bạn hãy tìm cách tưởng tượng thật nhiều vào.
c. Cách ghi nhớ hiệu quả
Làm sao để nhớ cả bảng hệ thống tuần hoàn? Nhớ tất cả các sự kiện lịch sử trong sách? Bạn hãy thực hiện theo cách sau:
- Ghi thành dàn bài:
Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học 1 lần - 2 lần - hoặc cũng có thể là 3 lần. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu cầu bài mới thôi. Sau đó, bạn tóm tắt bài đó thành 1 dàn bài đại cương gồm nhiều mục như 1, 2, 3; trong các mục này lại có các ý nhỏ hơn được đánh dấu bằng a, b, c… Mỗi mục này bạn đều phải đặt tiêu đề cho nó.
- Nhẩm trong óc:
+ Lần đầu tiên, bạn hệ thống bài bằng cách "nhẩm trong óc" nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ tiếp tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ, đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.
+ Lần thứ hai, bạn bắt đầu nhẩm lại tất cả có hệ thống toàn bài hơn. Lần này bạn ghi nhận phần đã bị quên. Bạn mở sách xem lại, ghi ra giấy hoặc đánh dấu những phần đó. Bạn tìm ý những chỗ quên sót để rồi học lại cho nhuần nhuyễn.
+ Lần thứ ba, bạn hệ thống lại bài và bạn đặt thành câu hỏi rồi tự giải quyết trong óc câu hỏi ấy. Bạn xem lại việc trả lời có thông suốt phân minh chưa. Nếu chỗ nào vướng mắc lật dàn bài ra xem.
- Ghi ra giấy:
Nhất là những công thức, những định lý, định đề. Khi ghi, bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở trang giấy ra nhắc nhở lại bạn hệ thống bài học bằng trí nhớ mà không cần mở sách. Tránh ghi rườm rà, dư thừa, vừa mất thời gan vô ích mà lại phí sức. Nói chung làm thế nào để bạn có thể tổng hợp các phương pháp (nhẩm nhớ - ghi chép - và lập dàn bài) sao cho tạo được điều kiện để bạn đọc bài mau thuộc đó là điều quan trọng nhất.
3. Dành đủ thời gian cho việc học
Đừng bao giờ “bỏ quên” kỳ thi cho đến tận những ngày cuối cùng mà hãy lập ngay cho mình một thời khóa biểu phù hợp. Viết cụ thể những môn thi và ngày thi để lên kế hoạch ôn luyện hàng ngày. Đồng thời biết cách cân bằng thời gian và tâm trí của mình đối với từng môn học, nhất là khi bạn muốn dành những khung thời gian học khác nhau cho mỗi môn học.
4. Ôn lại bài kiểm tra cũ
Bạn cũng nên nhớ lại các bài kiểm tra trong những kỳ thi trước để hình dung các dạng câu hỏi thường gặp, từ đó xây dựng dàn ý, cách trình bày các vấn đề lớn – nhỏ một cách logic và dành thời gian thích hợp cho các vấn đề đó trong điều kiện thời gian bị hạn chế của kỳ thi.
5. Chăm chỉ học nhóm
Bạn đang sống trong một xã hội hòa nhập, và vì thế, đừng thu mình vào vỏ ốc mỗi khi kỳ thi đến. Hãy chăm chỉ học nhóm với nhóm bạn đáng tin cậy, các bạn sẽ có điều kiện để cùng ôn bài, tự hỏi – tự trả lời cho nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Đặc biệt, với phương thức thi mới như hiện nay, một số môn có phần thi tự luận yêu cầu thí sinh nêu quan điểm, phản biện về các vấn đề đời sống, xã hội... thì các bạn càng nên tổ chức học nhóm để đưa ra và thảo luận các vấn đề nhằm tăng óc phân tích, kỹ năng phản biện, thuyết phục.
6. Nghỉ ngơi hợp lý
Không nên bắt mình ngồi ôm quyển sách 24/24 giờ một ngày. Kể cả khi bạn đang tập luyện cho cuộc thi chạy maratong, bạn cũng sẽ không thể chạy liên tục trong 24 tiếng đồng hồ được. Nghỉ ngơi cũng là một cách cho não bạn tái tạo khả năng làm việc và xua tan căng thẳng, mệt mỏi. Thay vào đó, hay tự vẽ nên “con đường học” phù hợp với chính bạn. Nếu bạn cảm thấy linh hoạt nhất vào buổi sáng, hãy dậy sớm học bài rồi ăn cơm trưa. Sau đó nghỉ ngơi hoặc làm gì đó một chút vào buổi trưa và tiếp tục học bài vào buổi chiều, buổi tối.
Đồng thời, bạn cũng không nên tự cảm thấy có lỗi hay áy náy vì đã xả hơi một lúc ngoài trời. Đừng quên vitamin D là vi chất có ích cho não bộ của bạn làm việc hoàn hảo.
7. Ăn đủ chất
Thực đơn tốt cho những ngày thi chính là tránh xa các loại đồ ăn nhanh và tích cực tiêu thụ những loại quả hạch. Các loại quả hạch sẽ giúp bạn duy trì vóc dáng cân đối cũng như cung cấp dưỡng chất quan trọng cho não bộ hoạt động. Kể cả trong khi bạn ngồi học, cơ thể bạn vẫn cần được cung cấp năng lượng, nên không có lý do gì mà quên bồi dưỡng cho mình những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: cá, quả hạch, sữa chua và quả mâm xôi.
8. Uống nhiều nước
Bên cạnh việc ăn uống đầy đủ cho não bộ làm việc tốt nhất thì bạn cũng đừng quên uống nước thường xuyên, đặc biệt là khi kỳ thi của bạn rơi vào những ngày hè nắng oi ả.
Minh Hiếu (Tổng hợp)